Bất động sản mới nhất: Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 148.000 căn nhà ở xã hội, với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2. (Nguồn: BXD) |
Đừng để ngân hàng "ngại", không dám cho vay BĐS
Lãnh đạo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, tại Điểm b khoản 7 Điều 1 Dự thảo Thông tư bổ sung điểm h khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định: "Kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh BĐS; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo xác định của tổ chức tín dụng".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng, việc NHNN chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Châu, quy định tại dự thảo nêu trên sử dụng từ "kiểm soát" việc "cho vay mua, kinh doanh BĐS" và "kiểm soát" việc "cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn" nên đã dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
Việc thắt chặt này, theo ông Châu, hướng đến khoản cho vay để mua BĐS cao cấp do đây là khoản vay "có giá trị lớn", có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng "ngại" hoặc "không dám" cho vay đối với doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua BĐS, nhà ở hoặc vay để xây nhà, sửa chữa nhà.
Lãnh đạo HoREA cho rằng, việc quy định này nếu đưa vào thực thi sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường BĐS.
Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội đề xuất nên thay thế từ "kiểm soát" bằng từ "quản lý" hoặc cụm từ "tăng cường quản lý" và NHNN cần quy định "khoản vay có giá trị lớn" để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý.
Hướng sửa đổi được lãnh đạo HoREA nêu rõ, đó là: "Quản lý (hoặc tăng cường quản lý) việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh BĐS; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn".
Sau 2 năm đóng băng, biệt thự biển triệu đô đua nhau cắt lỗ
Từng là thủ phủ của BĐS nghỉ dưỡng, hàng trăm căn biệt thự triệu đô ven biển ở Đà Nẵng vẫn đang “ngủ đông” tới tận hè này sau 2 năm dài Covid-19.
Trên các trang rao vặt BĐS, hàng loạt tin rao bán cắt lỗ biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng. Nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm BĐS này đang bán cắt lỗ từ 200 đến 300 triệu đồng/căn tại một số dự án ở đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền.
Theo một số nhân viên môi giới, nhiều khách nhờ rao bán biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Một số chủ nhà sẵn sàng tăng mức hoa hồng cho môi giới nếu thành công.
Thị trường BĐS có tăng giá nhưng đa phần ở phân khúc đất nền. Một số phân khúc khác, có tăng thì cũng không đáng kể. Qua khảo sát, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật theo nhu cầu không quá nhiều.
Các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng phần lớn tập trung dọc theo trục đường biển Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Từ năm 2017 đến nay, nguồn cung biệt thự biển có xu hướng tăng mạnh ở Quảng Nam trên trục đường biển Trường Sa - Lạc Long Quân.
Do đại dịch, nhiều nhà hàng đóng cửa, khách sạn, biệt thự biển rao bán khắp nơi dẫn tới BĐS du lịch "đóng băng". Sức tiêu thụ ở mức rất thấp, gần như không có giao dịch. Giao dịch thứ cấp cũng kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá ở một số dự án.
Theo khảo sát của Savills, nhu cầu mua biệt thự để thỏa mãn xu hướng nghỉ dưỡng chiếm khoảng 52,4%, tiếp theo là cho thuê để hoàn vốn (47,6%) và đầu tư sinh lợi (40,5%)
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng thực tế là khách hàng có thể mua BĐS nghỉ dưỡng, nhưng sau đó sang tên, chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng... vấn đề này đang còn nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận xét, dịch bệnh là cú bồi làm khó thêm cho thị trường BĐS Đà Nẵng vốn đã gặp nhiều khó khăn từ trước đó. Khủng hoảng này đã làm suy yếu một phần thị trường.
Những chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính dễ bị hụt hơi, để kéo dài có thể bị phá sản nên buộc phải tìm nhà đầu tư khác để chuyển nhượng. Từ đó, giá cả sẽ hợp lý hơn hoặc rất rẻ.
Ông Đính cũng cho rằng, các dự án BĐS đã hoàn thành trước đó có giá bán cao, nay chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch sẽ phải điều chỉnh giá bán giảm. Với tình hình không mấy khả quan như hiện nay, thị trường nghỉ dưỡng chưa thể khởi sắc. Hàng trăm căn biệt thự tiếp tục bỏ không, đồng nghĩa với hàng nghìn tỷ đồng chôn vốn vào lĩnh vực này.
Hơn 7,4 triệu m2 nhà ở xã hội được hoàn thành trên cả nước
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 148.000 căn nhà ở xã hội, với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,84 triệu m2, trong đó:
Tính riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô khoảng 54.400 căn hộ, có tổng diện tích 2.721.500 m2. Đang tiếp tục triển khai 119 dự án với quy mô xây dựng khoảng 154.000 căn hộ, tổng diện tích 7,7 triệu m2.
Đối với các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Đã hoàn thành đầu tư xây dựng 157 dự án, quy mô khoảng 93.480 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4.674.000 m2. Hiện tiếp tục triển khai 226 dự án, quy mô xây dựng khoảng 222.960 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 11,148 triệu m2.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300 nghìn m2 sàn xây dựng, trong đó:
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2.
Cụ thể: Nhà ở xã hội với 8 dự án quy mô 22.297 căn (Bình Dương 04 dự án, 20.000 căn; Kiên Giang 01 dự án, 765 căn; Hà Nam 01 dự án, 564 căn; TP. Hồ Chí Minh 02 dự án, 968 căn); nhà ở công nhân 03 dự án quy mô 3.560 căn (Quảng Ninh 01 dự án, 1000 căn, đáp ứng 5500 chỗ ở; Bắc Ninh 01 dự án, 2200 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở; Thành phố Hồ Chí Minh 01 dự án, 360 căn, đáp ứng 1000 chỗ ở).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân 6 tháng đầu năm 2022 còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, công nhân các khu công nghiệp.
BĐS Uông Bí - thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư
Vài năm trở lại đây, Quảng Ninh là một trong những thị trường BĐS hấp dẫn với sự sôi động cả về lượng giao dịch lẫn giá bán. Trong đó, Hạ Long và Uông Bí hiện là hai thị trường có lợi thế thu hút bậc nhất của tỉnh.
Nếu Hạ Long có thế mạnh du lịch biển và hấp dẫn đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, thì Uông Bí cũng có sự trỗi dậy mạnh mẽ với các dự án thuộc về phân khúc đất nền, liền kề hay shophouse.
Là thành phố trẻ năng động của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua Uông Bí có bước thăng hạng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Đây được coi là kết quả từ ba bệ phóng vững chắc là tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự mở rộng của các khu công nghiệp và việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm.
Với sự phát triển song hành của hạ tầng và kinh tế, Uông Bí đang dần khẳng định vị thế dẫn đầu của một thị trường BĐS đầy tiềm năng. (Nguồn: Vietnamnet) |
Bên cạnh việc nắm giữ hai mạch giao thương quan trọng là Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10, Uông Bí còn hưởng lợi trực tiếp từ quy hoạch tuyến đường cao tốc ven sông với quy mô 10 làn xe nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng qua thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí đến thị xã Đông Triều.
Tuyến đường này sau khi hoàn thiện sẽ giúp tăng cường kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên.
Theo định hướng giai đoạn 2020 - 2035, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng, đô thị hiện đại thông minh của tỉnh và đồng bằng sông Hồng. Đến nay, Khu kinh tế đã đón những dòng vốn đầu tư đầu tiên lên tới hàng tỷ USD thuộc các lĩnh vực điện tử, sản phẩm công nghệ cao, dệt may…
Uông Bí cũng được ưu ái rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch tâm linh, sinh thái với khu di tích lịch sử Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Hang Son, hồ Yên Trung… Đến hết tháng 2/2022, Uông Bí đón hơn 418.000 lượt khách, doanh thu trên 209 tỷ đồng, đạt 470% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sự phát triển song hành của hạ tầng và kinh tế, Uông Bí đang dần khẳng định vị thế dẫn đầu của một thị trường BĐS đầy tiềm năng, trở thành khu vực được hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực BĐS săn đón. Trong đó có thể kể đến những cái tên lớn như Tập đoàn MID Group với dự án Midtown One, Vingroup với Vincom Shophouse Uông Bí, TNR, FLC, Amata…
Theo các chuyên gia, sở hữu nhiều sức hút lớn khiến giá BĐS có thể tăng mạnh nhưng hiện tại, mặt bằng giá đất tại Uông Bí vẫn ở mức khá “mềm” nếu so sánh với các khu vực lân cận như Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn.
Theo thông tin từ các sàn BĐS khu vực, tại một số dự án ở thành phố Hạ Long, chỉ riêng đất nền đã dao động trong khoảng 90 - 100 triệu đồng/m2. Với Vân Đồn, dù chưa lên thành phố nhưng quy hoạch khu kinh tế đã tác động tới giá BĐS, riêng đất nền tại một số dự án đã chạm ngưỡng 70 - 80 triệu đồng/m2, còn tại Móng Cái, mỗi căn shophouse có giá bán không dưới 100 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia có chung nhận định, dù giá trị BĐS hiện đã tăng lên nhưng vẫn chưa xứng tầm với một đô thị loại 2 được quy hoạch khu kinh tế ven biển cùng hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện như Uông Bí.
Điển hình như phân khu cao cấp The 8th thuộc dự án Midtown One của Tập đoàn Mid Group. Nằm trên khu đất vàng ngay mặt tiền Quốc lộ 18A, tiếp giáp đại lộ Tây Nam 10 làn xe, The 8th cách Hà Nội 2 giờ xe chạy, được đánh giá là dự án dồi dào dư địa tăng trưởng nhưng mặt bằng giá lại rất hợp lý.
Giá dự kiến của các căn shophouse 5 tầng tại đây gồm cả tiền đất và chi phí xây dựng hoàn thiện chỉ từ 5 tỷ đồng, chưa kể đến các chính sách bán hàng hấp dẫn kèm theo.
Theo các chuyên gia, lợi thế về giá đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có cơ hội tham gia thị trường ở thời điểm này, khi mà BĐS Uông Bí đang trở thành cực tăng trưởng mới theo đà phát triển giai đoạn tới, đặc biệt là với các dự án nằm ở trung tâm, có pháp lý rõ ràng và hạ tầng hoàn thiện.