📞

Bất động sản mới nhất: Phố cổ Hà Nội 'vật vã' tìm khách thuê; siết quản lý phòng cháy chữa cháy chung cư; dự báo giá nhà sắp tăng mạnh

Hoàng Nam 08:00 | 29/05/2021
Đất 'vàng', phố cổ Hà Nội treo biển cho thuê nhưng vắng khách, Kon Tum vào cuộc ngăn sốt đất, Hòa Phát nghiên cứu khu đô thị cao cấp 452 ha tại Cần Thơ, dự báo giá nhà sắp tăng mạnh vào cuối năm… là những tin bất động sản mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Nhà mặt phố ở Hà Nội treo kín biển cho thuê nhưng vẫn ế ẩm. (Nguồn: LĐ)

Đất vàng Hà Nội vẫn cửa đóng then cài vì ế khách thuê

Ngày 28/5, theo khảo sát của Lao Động, trên các phố lớn, không ít cửa hàng cho thuê cửa đóng then cài với những biển hiệu cho thuê mặt bằng tiếp tục được giăng lên.

Trên khu vực phố cổ, tình trạng ảm đạm hơn rất nhiều. Các phố hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Lễ... vốn tấp nập là thế nay rơi vào tình cảnh im ắng với hàng loạt cửa hàng đóng cửa, các khách sạn thì "vắng như chùa Bà Đanh".

Hiện tại, phần lớn chủ nhà đã chấp nhận giảm giá thuê, linh hoạt điều kiện thuê trong hợp đồng để nhanh chóng tìm được khách thuê mới. Tuy nhiên, dường như khách thuê vẫn chưa sẵn sàng.

Tại các con phố như Trần Duy Hưng, Kim Mã, Xã Đàn, Huỳnh Thúc Kháng… được cho là tuyến phố đất vàng. Nhưng đến nay, đồng loạt các cửa hàng treo biển sang tên, chuyển nhượng và cho thuê. Điều đáng nói, mặc dù được treo biển từ lâu nhưng ít người ngó tới hỏi thuê, mua lại.

Anh Nguyễn Quang Đông - một chủ cửa hàng đang treo bảng cho thuê trên đường Kim Mã - chia sẻ, do tình hình Covid-19 phức tạp, việc duy trì hoạt động của quán rất khó khăn nên người thuê trước đã quyết định đóng cửa trả lại mặt bằng.

“Nhà tôi tổng diện tích hơn 30m2, trước cho thuê với giá gần 20 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay, dịch phức tạp, tôi đang cho thuê lại với giá hơn 10 triệu/tháng mà không khách nào hỏi”, anh Đông nói.

Trong thời điểm khó khăn, nhiều chủ nhà đã phải chấp nhận đóng cửa hoặc sang nhượng mặt bằng với mức giá thuê giảm từ 20 -30% cho những ai có nhu cầu thuê với hợp đồng dài hạn.

Đợt dịch mới đang hoành hành khiến hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chủ mặt bằng đều đồng loạt giảm giá thuê từ 50% - 60%, cá biệt một số chủ mặt bằng còn miễn phí 100% tiền thuê để giữ khách.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, dù nhiều chủ mặt bằng cho thuê đã giảm giá đến 50%, khách thuê vẫn trả lại, không thể tiếp tục kinh doanh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm nay, dự báo có thể đến hết năm 2022, thị trường mặt bằng cho thuê mới hồi phục trở lại như trước dịch.

Cũng theo vị này, trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh và chủ mặt bằng cho thuê buộc phải tìm phương án đối phó, kinh doanh online là phương án hữu hiệu được ưu tiên lựa chọn. Nhưng đây cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường, tìm kiếm phương thức kinh doanh kiểu mới.

UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 dự án Aqua City tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: Aqua City)

Duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án Aqua City

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 dự án Aqua City tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Theo đó, tổng diện tích điều chỉnh quy hoạch là 305 ha, thuộc khu vực phía nam phân khu C4, tiếp giáp sông Đồng Nai về phía tây, tiếp giáp khi đô thị Đồng Nai Waterfront về phía bắc và khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng về phía Đông.

Trong đó gồm, dự án Aqua City với quy mô khoảng 112,45ha và dự án Aqua Done với quy mô khoảng 115,8ha đều do Công ty TNHH Thành phố Aqua thực hiện. Còn dự án Aqua Riverside City với quy mô khoảng 76,75ha do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Long Hưng Phát thực hiện.

Khu đô thị Aqua City được quy hoạch là khu đô thị xây dựng mới tạo quỹ nhà ở đáp ứng cho người dân sống và làm việc tại khu vực với đa dạng các loại hình nhà liền kề, nhà biệt thự, các công trình nhà ở dạng chung cư kết hợp thương mại dịch vụ. Quy mô dân số toàn khu đô thị khoảng 31.000 - 35.000 người.

Hà Nội siết quản lý phòng cháy chữa cháy đối với nhà cao tầng

UBND TP Hà Nội mới ra văn bản siết quản lý phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà cao tầng, trong đó yêu cầu xem xét truy tố các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm vi phạm về PCCC…

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC phổ biến như việc đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Trong đó, trên địa bàn quận Hà Đông có đến 3 công trình, trên địa bàn quận Hà Đông là: chung cư CT1 Usilk City, tòa nhà SME Hoàng Gia, tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân và chung cư Mỹ Sơn Tower (quận Thanh Xuân) còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC đến nay chưa khắc phục.

UBND TP Hà Nội mới đây giao Công an thành phố xây dựng, trình UBND thành phố ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó có công trình cao tầng, chung cư cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Bất động sản mới nhất: Hà Nội siết quản lý phòng cháy chữa cháy, trong đó có tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân. (Nguồn: Vietnamnet.vn)

Hòa Phát nghiên cứu khu đô thị cao cấp 452 ha tại Cần Thơ

UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy, quy mô khoảng 452 ha. Thời gian nghiên cứu, khảo sát 6 tháng kể từ ngày 27/5.

Văn bản cũng nêu rõ, việc chấp thuận cho Hòa Phát nghiên cứu, đề xuất dự án không phải văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, Cần Thơ cũng chấp thuận cho Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án dự kiến đầu tư tại 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều.

Dự án đầu tiên là khu đô thị thương mại - dịch vụ 88,2 ha (gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Dự án thứ hai là khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Giá nhà sắp tăng mạnh?

Một số chuyên gia dự báo, có thể giá căn hộ trong thời gian tới sẽ tăng lên khoảng 18-20%, trước tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng gấp đôi như hiện nay.

Trong hoạt động xây dựng, chi phí thép đầu vào chiếm khoảng 10-15% giá trị toàn công trình tùy theo tiêu chuẩn hoàn thiện của từng dự án. Với tốc độ tăng giá thép 40-50% như thời gian qua, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, các nhà thầu xây dựng cả nước có thể đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, kéo theo đó là giá nhà sẽ tăng cao là điều tất yếu.

Ngoài ra, nhiều vật liệu xây dựng khác như: cát, ximăng, gạch đá... cũng té nước theo mưa khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên, đẩy nguy cơ tăng giá nhà ngay trong những tháng cuối năm nay.

Dự báo, giá thành đầu ra cuối cùng là sản phẩm nhà ở, giá sẽ tăng thêm từ 10-20% là điều có thể chắc chắn xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng hiện đang kiến nghị Bộ Xây dựng cần điều chỉnh cập nhận ngay bảng giá thép và một số mặt hàng khác theo thị trường. Nếu không có điều chỉnh mà vẫn phải áp dụng giá nhà nước lúc này thì sẽ rất khó khăn cho các nhà thầu.

Kon Tum xử nghiêm đầu cơ tung tin thổi giá

Theo UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hành vi gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Giá đất tại Kon Tum đặc biệt là khu vực Măng Đen (huyện Kon Plông) lên cơn sốt, giá tăng đột biến, cao gấp chục lần so với 4-5 năm trước. Dọc đường vào Măng Đen dễ dàng gặp các tờ rơi rao bán biệt thự, villa nghỉ dưỡng.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ ra rằng, thời gian qua, xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, kế hoạch nâng cấp đơn vị hành chính, đầu tư hệ thống hạ tầng và triển khai các dự án lớn tại địa phương để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản.

Trước thực tế trên, mới đây UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Kon Tum và UBND các huyện, thành phố về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, đồng thời khuyến cáo không chạy theo cơn “sốt đất”, cần hết sức thận trọng khi mua bán, tránh tình trạng cò mồi, đầu cơ, thao túng thị trường…

(tổng hợp)