📞

Bất động sản mới nhất: Sẽ đánh thuế hạn mức sử dụng đất, thu ngân sách từ đấu giá đất ở Hà Nội đạt thấp, khi nào thị trường ‘vùng dậy mạnh mẽ’?

Hải An 08:18 | 30/08/2022
Sau 5 năm, nguồn thu từ đất đai trên cả nước tăng khoảng 3-4 lần và tỷ lệ thu từ đất đai trong tổng thu ngân sách Nhà nước cũng tăng hơn 2 lần, người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn, nhận định xu hướng giá địa ốc… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời.

Không đánh thuế vào nhiều nhà nhưng đánh vào hạn mức sử dụng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cần tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương, nếu người dân dùng đất trong hạn mức đó sẽ tính thuế thấp, người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn.

Thông tin trên được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra tại buổi trả lời trực tuyến mới đây liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Bộ trưởng cho biết, chủ trương mới của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất. Chính sách này sẽ được xem xét kỹ lưỡng và thể chế hóa tại các quy định của pháp luật về thuế.

Thực tế, không phải đến Nghị quyết 18 Trung ương 5 khóa XIII mới đặt ra vấn đề đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà đất. Trước đó 10 năm, Nghị quyết 19 Trung ương 6 khóa XI cũng đã yêu cầu “nghiên cứu ban hành thuế BĐS (đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

Người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn". Nhưng đến nay, chính sách thuế đối với nhà đất vẫn không có thay đổi đột phá.

Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh, Luật có quy định về chính sách; quy định cụ thể sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện chính sách thuế.

Để giải quyết nạn đầu cơ đất đai, làm lũng đoạn thị trường, nâng giá không vượt giá trị nhiều lần có xu hướng diễn ra phổ biến trên toàn quốc, ông Hà cho biết, trước tiên phải dùng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai.

Chẳng hạn, với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hóa tài sản... thì sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, với nhà đầu cơ, nếu họ mua xong bán ngay thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, so với người mua, đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định. Tức là sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời. Còn đối tượng thổi giá thông qua đấu giá thì sẽ thay đổi phương thức đấu giá để loại trừ động tác này.

Nói rõ hơn về việc đánh thuế tài sản lũy tiến, Bộ trưởng nhấn mạnh, sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng.

Ông Hồng Hà đưa ra dẫn chứng tham khảo tại một số nước, như ở Mỹ, nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Còn nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng.

Hay ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao.

Thu ngân sách từ nhà, đất và đấu giá đất ở Hà Nội đạt thấp

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm nay đạt nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lũy kế đến hết ngày 20/8 là 219.126 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán, bằng 109,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, một số khoản thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, nhất là khoản thu từ nhà, đất, thu đấu giá quyền sử dụng đất khi 8 tháng chỉ đạt 11.055 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán.

Hội nghị của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố hôm 25/8 bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2022 cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp thực hiện mục tiêu thu, nhiệm vụ chi trong những tháng cuối năm, nhất là khắc phục những hạn chế, khó khăn về chi đầu tư xây dựng cơ bản, đấu giá quyền sử dụng đất...

Trước đó, năm 2021, Hà Nội thực hiện đấu giá khoảng 10.880/12.800 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Thu tiền sử dụng đất 11.055 tỷ đồng/20.700 tỷ đồng, chỉ đạt 53,4% kế hoạch.

Kế hoạch đặt ra năm 2021, thành phố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất của 446 dự án với tổng diện tích 177,29ha, dự kiến số tiền trúng đấu giá là hơn 23.600 tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2023, dự kiến đất đấu giá là 1.084,82 ha, thu ngân sách đấu giá quyền sử dụng đất là hơn 104.002 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương những năm qua tăng lên nhanh chóng.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2013, tổng thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, trong đó có thu từ hoạt động đấu giá đất, của 63 tỉnh thành trên cả nước đạt gần 63,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 7,8% tổng thu ngân sách cả nước.

Đến năm 2018, tổng nguồn thu từ đất đai trên cả nước lên tới gần 218.700 tỷ đồng, chiếm 16,58% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Như vậy, sau 5 năm, nguồn thu từ đất đai trên cả nước đã tăng khoảng 3-4 lần và tỷ lệ thu từ đất đai trong tổng thu ngân sách Nhà nước cũng tăng hơn 2 lần.

Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá đất vào ngân sách 2 năm qua vẫn tăng. Trong đó, số thu ngân sách từ đất đai năm 2020 đạt 254.800 tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 172.000 tỷ đồng.

Giá BĐS giảm nhưng không sụp đổ và sẽ phục hồi

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành Kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt.

"Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn", Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.

Nói về thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường BĐS đang ở mức "chân không tới đất, đầu không tới trời". Phần lớn giao dịch BĐS trong 2 năm vừa qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở.

"Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường BĐS hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp", TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.

Nhận định về thị trường BĐS thời gian tới, ông Nghĩa chia sẻ nhận định của một nhóm chuyên gia về thị trường BĐS: Giá sẽ giảm đi 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.

"Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá BĐS có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại", ông Nghĩa phân tích.

Ở một chiều hướng tích cực đối với thị trường BĐS, ông Tống Sỹ Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Ihome Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS chắc chắn sẽ trụ vững qua giai đoạn khó khăn này, để vùng dậy mạnh mẽ hơn khi chính sách ổn định và tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong vài năm tới.

Hiện tại, thị trường BĐS đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những dòng BĐS tiềm năng, những chủ đầu tư đủ tiềm lực, uy tín và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững. Đặc biệt là các BĐS dòng tiền, tạo ra lợi thế kinh doanh trên đất.

Phần lớn giao dịch BĐS trong 2 năm vừa qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. (Ảnh: Hà Phong)

Phú Yên: Chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng cho 4 dự án nhà ở

Phú Yên vừa chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng cho 4 dự án nhà ở trên địa bàn huyện Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa.

Theo đó, đầu tư các dự án khu nhà ở mới sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ thương mại cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Cụ thể, UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu phố chợ thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa với tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 853 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã chấp nhận chủ trương đầu tư 3 dự án khu nhà ở đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa với 1.685 căn nhà; chủ đầu tư được lựa chọn theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Được biết, trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, Phú Yên đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đến năm 2025 đạt khoảng 28,14m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người.

Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10.339.676m2 sàn. Quỹ đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở khoảng 796,08ha.

Tổng kinh phí phát triển nhà ở khoảng 77.310 tỷ đồng.

(tổng hợp)