📞

Bất động sản mới nhất: Thị trường đạt đỉnh của sự tăng nóng, giá đột ngột giảm tốc, tháo chạy khỏi chung cư ở khu vực từng đắt khách nhất Hà Nội

Hải An 08:06 | 18/06/2022
Thị trường xuất hiện dấu hiệu giảm tốc, người dân khổ sở tháo chạy khỏi những chung cư thuộc tuyến “nhồi” cao ốc ở Hà Nội… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Trong 2 năm trở lại đây, giá bất động sản ở nhiều phân khúc liên tục tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền, nhà liền kề tại các khu vực ven thành phố. (Nguồn: Zing)

Thị trường có sự phát triển nóng, bất bình thường.

Trong 2 năm trở lại đây, giá BĐS ở nhiều phân khúc liên tục tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền, nhà liền kề tại các khu vực ven thành phố.

Tại Hà Nội, biệt thự tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) đang có giá rao bán từ 90100 triệu đồng/m2, cao hơn 2 lần so với giá năm 2018. Tương tự, giá biệt thự tại khu đô thị New House City (Quốc Oai) đang rao bán giá 45-55 triệu đồng/m2, tùy vị trí, cao hơn khoảng 20 triệu đồng/m2 so với thời điểm năm 2018.

Đáng chú ý, giá nhà đất tại khu vực nội đô của Hà Nội tăng nóng. Đơn cử một căn liền kề khu đô thị Louis City (Hoàng Mai) diện tích dưới 100 m2 có giá từ 13-15 tỷ đồng, chưa bao gồm tiền xây thô 6,8 triệu đồng/m2. Mức giá này đang cao hơn 50 -70 triệu đồng/m2 so với thời điểm năm 2018.

Phân khúc đất nền cũng có sự tăng giá nhanh ở nhiều địa phương. Trong đó, tại vùng ven Hà Nội, giá đất nền liên tục tăng nhanh, phần lớn là do các nhà đầu tư tự bán cho nhau và một số "cò đất" thổi giá.

Nhận định về thị trường BĐS thời gian qua, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường có sự phát triển nóng, bất bình thường.

Giá nhà đất nhiều nơi tăng nóng, đặc biệt là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay có thông tin về quy hoạch dự án đi qua. Có khu vực giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%.

Nguyên nhân là nguồn cung nhà còn hạn chế, nguồn tín dụng vào lĩnh vực BĐS chưa được điều chỉnh tốt, thông tin thị trường chưa kịp thời dẫn đến có sự lợi dụng để "nâng giá, thổi giá".

Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) nhìn nhận, 6 tháng đầu năm nay là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác lại khan hiếm nên dẫn đến tình trạng "sốt ảo" và "thổi giá" nhà, đất.

Xuất hiện dấu hiệu giảm tốc

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021, và đã đạt đến đỉnh của sự tăng trưởng nóng. Bởi lẽ, thông thường thị trường chỉ tăng trưởng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc có dòng tiền tốt.

Tuy nhiên, thời gian qua lại xuất hiện việc không ít doanh nghiệp không làm ăn được vẫn "đua nhau" đổ tiền vào BĐS. Nhiều người dân chán làm ăn cũng quay sang đầu tư nhà, đất.

Những dấu hiệu này chứng tỏ sự không hợp lý về kinh tế vì khi kinh tế đang gặp khó khăn, dù doanh nghiệp, người dân có tiền hay không, cũng không ai đi lo bỏ tiền vào kênh đầu tư dài hạn là BĐS.

"Đến đầu năm 2022, cùng với việc Bộ Tài chính và Chính phủ quyết liệt trong công tác xử lý một số doanh nghiệp thì người ta mới thấy rằng, năm 2021 xuất hiện một dòng tiền đầu tư tài chính ảo. Và việc tăng giá BĐS trong năm qua hoàn toàn không dựa trên một nhu cầu bền vững của đầu tư hoặc sử dụng", ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, có thể nhiều người đang tỏ ra ngạc nhiên khi nói về sự giảm tốc của thị trường BĐS hiện nay, thậm chí là đổ thừa cho việc siết tín dụng, siết thuế nhà đất. Tuy nhiên, những điều này chỉ là bề nổi, nhằm trấn an các nhà đầu tư và nhà đầu tư tương lai rằng, nếu hết siết tín dụng thì thị trường địa ốc lại tăng trưởng.

Trong khi thực chất, từ năm 2021 đến nay, khoảng cách giữa mức giá để đầu cơ, "lướt sóng" với mức giá mua để đầu tư dài hạn cũng như mua để khai thác cho thuê hay ở thực đã cách xa nhau một khoảng rất dài.

Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc có giải pháp kiểm soát, đặc biệt là công bố thông tin về quy hoạch kịp thời.

Đến thời điểm tại, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của các địa phương và đánh giá của Bộ Xây dựng thì so với cùng kỳ năm 2021 và cuối năm 2021, giá nhà đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng chậm lại nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao.

Tháo chạy khỏi chung cư khu vực từng hot nhất Hà Nội

Năm 2019, vợ chồng anh Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) mua một căn hộ hơn 3,2 tỷ đồng, mặt đường Lê Văn Lương. Dự án được quảng cáo cao cấp, trung tâm khu vực Trung Hòa Nhân Chính, nhiều tiện ích. Anh Đức cho hay, khu vực này gần nhiều trường học, tiện cho con cái nên vợ chồng anh đã chuyển nhà từ Hà Đông tới đây.

Sau khi dọn nhà ở một thời gian, vợ chồng anh Đức cảm thấy mệt mỏi vì nhà nằm trên tuyến đường nhồi nhét 40 chung cư cao tầng, đi lại gặp nhiều khó khăn. Anh kể: “Sáng nào nhìn trên nhà xuống tôi cũng hoảng hồn vì đường chật kín xe cộ, kéo dài hàng giờ liền”.

Anh Đức đang rao bán căn hộ giá 3,1 tỷ, nếu tính cả tiền làm nội thất thì anh chịu lỗ thêm 300 triệu đồng. Mặc dù vậy, số người hỏi mua không nhiều nên anh rao bán từ đầu năm tới nay vẫn chưa có khách chốt.

Tương tự anh Đức, vợ chồng bà Đặng Thu Hiền (chung cư Times Tower, Lê Văn Lương, Hà Nội) cũng đang rao bán căn hộ. Bà Hiền cho hay, từ khi dọn về ở khốn khổ vì đi lại liên tục tắc đường.

Bà Hiền còn bức xúc hơn khi khu vực này có nhiều nhà cao tầng mà diện tích cây xanh, khu vui chơi không có. “Chung cư có vỉa hè thì ô tô đỗ hết, xung quanh chẳng có chỗ cho người dân vui chơi, tập thể dục”, bà than phiền.

Sự phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch của những tòa nhà cao tầng đang dẫn đến nhiều hệ lụy, tác động nghiêm trọng lên hạ tầng giao thông, không gian sống, tiện ích, ô nhiễm môi trường.

Trung Hòa - Nhân Chính từng được xem là khu đô thị thu hút người nước ngoài, giờ đang quá tải nghiêm trọng. Bất cứ người dân nào sinh sống trên tuyến đường Lê Văn Lương, khi phải di chuyển qua đây, thường xuyên cảm nhận được sự ùn tắc giao thông đến “nghẹt thở”. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, dòng người trên tuyến đường này gần như “đóng băng”.

Giá mặt bằng chung giao dịch mức 30-40 triệu đồng/m2. Một số dự án cháy hàng khi mở bán, nhưng sau khi đi vào hoạt động có nhà đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ.

Theo một khảo sát của đơn vị tư vấn BĐS, mức độ quan tâm của các dự án chung cư khu vực này đã giảm. Thay vào đó, nhu cầu bán ngày càng tăng. Số lượng tin rao bán ngày này lên tới hàng trăm đơn vị. Nhiều chủ nhà rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng.

Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014 nêu rõ, khi mua chung cư và có nhà ở hợp pháp thì cá nhân sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng. (Ảnh: Hà Phong)

Người mua chung cư sẽ được cấp sổ hồng trong thời hạn bao lâu?

Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014 nêu rõ, khi mua chung cư và có nhà ở hợp pháp thì cá nhân sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng. Trong đó, nhà ở được cấp sổ hồng phải là nhà ở có sẵn.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có dự án chung cư thương mại, Khoản 7 Điều 26 Luật Nhà ở quy định như sau:

Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cũng nêu rõ:

Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì phải làm thủ tục để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Như vậy, chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp sổ hồng chung cư cho người mua trong thời gian 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ.

Còn tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định: Cấp sổ hồng lần đầu: 30 ngày làm việc. Với xã miền núi thì thời gian này kéo dài thêm 10 ngày thành 40 ngày làm việc.

Cấp sổ hồng do mua bán, chuyển nhượng: 10 ngày làm việc. Nếu ở xã miền núi thì thời gian này là 20 ngày làm việc.

Như vậy, thời gian tối đa để người mua chung cư từ chủ đầu tư được cấp sổ hồng là 90 ngày, ở miền núi là 100 ngày.

Lưu ý: Khi làm thủ tục xin cấp sổ hồng, Khoản 4 Điều 9 Luật Nhà ở nêu rõ, khi chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp sổ hồng thì sổ hồng được cấp cho người mua chung cư, không phải cấp cho chủ đầu tư.

(tổng hợp)