Bất động sản mới nhất: Cắm mốc đất để kịp bàn giao cho người dân xây dựng nhà ở tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: Hà Anh Chiến) |
ACV sẽ xây hàng rào để giữ đất dự án sân bay Long Thành
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Cảng vụ Hàng không miền Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về dự án sân bay Long Thành. Trong đó, vấn đề quản lý chặt chẽ đất sân bay, tránh tình trạng lấn chiếm, "cò" đất rao bán tràn lan được đặc biệt quan tâm.
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, việc quản lý chặt diện tích đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên đặc biệt để tránh tình trạng tái lấn chiếm, gây khó khăn cho công tác quản lý về sau.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, kinh nghiệm từ nhiều sân bay cho thấy, nếu không làm ngay từ đầu công tác quản lý đất sân bay thì về sau rất phức tạp. Đơn cử như một sân bay dù đã được xây dựng hàng rào, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn được các “cò" đất rao bán tràn lan trên mạng. Cần phải có giải pháp mạnh đối với các đối tượng "cò" đất khi xảy ra tình trạng rao bán đất sân bay trên mạng.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp đảm bảo tình hình an ninh trật tự để bảo vệ công trình như: mốc giới, tường rào, công tác rà phá bom mìn, chống tái lấn chiếm và đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự trong suốt quá trình triển khai dự án.
Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai tổ công tác là lực lượng công an nhằm xây dựng các phương án bảo vệ dự án sân bay Long Thành.
Ngoài ra, trong thời gian tới, ACV sẽ triển khai xây dựng hàng rào trước đối với diện tích xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810ha. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đề nghị ACV triển khai xây dựng hàng rào trên toàn bộ diện tích 5.000 ha của dự án để phục vụ công tác quản lý đất đai.
Rao bán “dự án ma” ở Đà Lạt
Nhiều ngày qua, một số đối tượng đã lên mạng xã hội quảng cáo rầm rộ một dự án bất động sản có tên “The Xinh Village - Làng biệt thự xanh” ở thành phố Đà Lạt.
Trước thông tin này, ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) khẳng định, trên địa bàn không có dự án bất động sản nào như thông tin các đối tượng đang rao bán, quảng cáo.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường 3, thành phố Đà Lạt cũng cho biết, ngay khi xuất hiện “dự án ma” được quảng cáo, rao bán trên mạng, UBND phường 3 đã kiểm tra, rà soát, xác định vị trí kẻ vẽ trên họa đồ thuộc địa phận phường 3. Tuy nhiên, vị trí này thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, không có dự án bất động sản nào được cấp phép.
Theo nội dung mà các đối tượng trên quảng cáo, “dự án” này có quy mô 2,1ha, được chia thành 42 nền biệt thự, diện tích từ 242-750m²/nền; trong đó, mỗi nền có 200m² thổ cư, được xây dựng tự do, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Giá mỗi nền được các đối tượng rao bán “chỉ từ 4 tỷ đồng”.
Vị trí của “dự án” này tọa lạc ngay đường vào Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, thuộc địa phận phường 3, thành phố Đà Lạt, giáp ranh với xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, đối diện với vị trí quy hoạch bãi đậu xe ngoại ô thành phố Đà Lạt.
Cũng theo thông tin quảng cáo, toàn bộ “dự án” đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có sổ hồng riêng từng nền. Là dự án được thiết kế khép kín, có dịch vụ chăm sóc cây, trông coi nhà khi khách hàng đi vắng.
Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản
Thời gian qua, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài (sau công nghiệp chế biến, chế tạo), khi tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này tăng cao hơn so với cùng kỳ tháng 3/2020 là 15,56%.
Bên cạnh đó, tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 là 0,6 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ (tháng 3/2020 là 0,264 tỷ USD).
Lý giải nguyên nhân dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là do Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế, tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Ngoài ra, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hơn nữa, thời gian qua, có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Điều này cho thấy bất động sản công nghiệp vẫn luôn và sẽ là lĩnh vực có sức hút nhà đầu tư ngoại.
Phân khúc này đang phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng gấp 10 lần của FDI trong thập kỷ qua. Nguồn cung đất tốt đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất sắp tới với sự gia tăng các hình thức cho thuê và nhiều giải pháp khác.
Giá chung cư vùng ven Hà Nội xác lập mặt bằng kỷ lục mới
Nhiều dự án chung cư không phải trong khu vực trung tâm được bán với giá 40-50 triệu đồng mỗi m2, Hà Nội đang thiết lập một bằng mặt bằng giá mới, "khẩu vị" bất động sản cũng có nhiều thay đổi.
Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam vừa qua cho thấy một điểm lưu ý, trong quý I/2021, những nơi sôi động, nhộn nhịp về bất động sản chủ yếu ở các khu vực vùng ven như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm… hay các khu phía Tây Hà Nội.
Theo đó, giá bất động sản tại một số khu vực vùng ven thiết lập một mặt bằng mới, trong khi giá nhiều phân khúc tại các quận nội thành lại gần như "không có biến động".
Lần đầu tiên thị trường ghi nhận một dự án ngoại thành mở bán với những mức giá 40-60 triệu đồng/m2 căn hộ. Có thể thấy, sau nhiều đợt tăng giá qua thống kê nhiều quý của một số tổ chức nghiên cứu thị trường, mặt bằng căn hộ vùng ven hiện đang ở mức mới.
Ngoài chi phí giá đất, một trong những yếu tố thúc đẩy giá nhà được chuyên gia Savills chỉ ra chính là hệ thống cơ sở hạ tầng của Thủ đô đã có những cải thiện đáng kể.
Một số dự án ở cận kề những công trình hạ tầng mới cải thiện hoặc sắp hoàn thiện sẽ có mức giá ra hàng cao hơn so với mặt bằng chung thị trường. Thị trường bất động sản phía Tây là một ví dụ.
Số liệu của batdongsan.com.vn cho thấy, chung cư khu vực phía Tây vừa qua có giá bình quân tăng cao là do một số dự án sơ cấp định giá cao nên kéo chung thị trường. Bên cạnh dự án có chất lượng xây dựng, tiện ích và quản lý tốt, một số lý do tăng giá được đưa ra là do có quy hoạch tốt và kỳ vọng về quy hoạch, hạ tầng...
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - trao đổi với PV Dân trí: Cùng với sức bật hạ tầng, giá bất động sản khu phía Tây tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm. Sức hút về thị trường này khá lớn, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi về đầu tư.
Theo vị này, hàng loạt công trình, dự án về giao thông, hạ tầng, tiện ích vui chơi, giải trí liên tiếp được đầu tư tại phía Tây Hà Nội sẽ giúp kết nối khu vực phía Tây với trung tâm cũ, tạo lực cho giá bất động sản tăng mạnh.
Trong bối cảnh "cơn sốt đất hầm hập" vừa qua, ông Đính cho biết khu vực phía Tây cũng ghi nhận giá nhiều dự án đã được nâng lên mức mới. Ngoài ra, thị trường này cũng xuất hiện nguồn cung căn hộ ở mức giá khá cao mà trước nay gần như không có, vào khoảng 40 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn.
Cách giải quyết tranh chấp lối đi chung
Nếu xảy ra tranh chấp lối đi chung, Nhà nước thường khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc hòa giải ở cơ sở.
Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, quyền về lối đi qua được quy định như sau: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên không hòa giải được thì gửi đơn lên Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã có đất tranh chấp để hòa giải.
Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được xác định như sau: Nếu lối đi này được công nhận trong sổ đỏ thì có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, đóng tiền án phí và xử lý theo quy định.
Nếu lối đi này không được công nhận trong sổ đỏ thì có thể lựa chọn giải quyết một trong hai cơ quan sau: UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa án.