OPEC và OPEC+ bất đồng về cắt giảm sản lượng. (Nguồn: AFP) |
Trước đó một ngày, OPEC - do Saudi Arabia đứng đầu - đã đề xuất cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong sản lượng khai thác dầu để thích nghi với đà đi xuống của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh.
Sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ vào ngày 6/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, OPEC và OPEC+ (trong đó có Nga) đã không nhất trí về kế hoạch giảm sản lượng khai thác. Phát biểu với báo giới, ông cho biết từ ngày 1/4 tới, sẽ không có nước nào trong OPEC hay OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng.
Trong khi đó, đa số bộ trưởng các nước khác, trong đó có Saudi Arabia, đã rời cuộc họp diễn ra tại trụ sở của OPEC tại Vienna, Áo mà không đưa ra bình luận nào.
Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo cho biết, các nước đã quyết định hoãn đưa ra quyết định cuối cùng của cuộc họp và tiếp tục quá trình tham vấn sau đó. Ông lưu ý rằng không nước nào muốn quay lại thời kỳ sa sút của các năm 2014, 2015 và 2016.
Theo kế hoạch của OPEC, OPEC+ sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày sản lượng từ nay tới cuối năm 2020.
Giá dầu hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2017 do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây đình trệ hoạt động sản xuất, đi lại trên toàn thế giới. Sau thông tin về kết quả cuộc họp tại Vienna, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 9% xuống còn 45,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 10,1% xuống mức 41,28 USD/thùng.
Trước đó, Saudi Arabia, nước xuất khầu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý II/2020, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến hết hạn trong tháng này, cho đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, đề xuất trên của Riyadh và các nước thành viên OPEC vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Nga. Cho tới nay, Moscow chỉ để ngỏ khả năng sẽ ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận trên song không phải là việc cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn.