📞

Bất ngờ Tứ Xuyên. Ghi chép của phóng viên TG&VN.

15:16 | 31/05/2019
TGVN. May mắn được tận mắt ngắm những chú gấu trúc dễ thương từng “đốn tim” rất nhiều người, đến tận nơi thờ Khổng Minh, Lưu Bị từ thời Tam Quốc…, với tôi thực sự là những trải nghiệm hiếm có trong đời.
Tác giả trên lối đi vào Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc.

Một ngày tháng Tư, khi biết mình được cử tham dự Diễn đàn hợp tác báo chí ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Đối thoại Văn minh châu Á vào tháng 5/2019 tại Trung Quốc, tôi thực sự lo lắng. Nhìn lịch trình các hoạt động dày đặc trong 7 ngày với 5 lần di chuyển bằng máy bay qua 3 tỉnh, thành của đất nước rộng thứ nhì thế giới, tôi biết chuyến đi có thể quá sức với mình. Thế nhưng, mấy dòng chữ nhỏ về hoạt động 2 ngày cuối của lịch trình đã thực sự cuốn hút tôi: “Tham quan Trung tâm nghiên cứu gấu trúc và tìm hiểu văn hóa Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên”.

Gặp nguyên mẫu linh vật Olympic 2008

Sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe bus nhanh từ trung tâm thành phố Thành Đô, đoàn hơn 30 phóng viên các nước ASEAN và Trung tâm ASEAN - Trung Quốc đã tới Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc. Đây là cơ sở quan trọng nhất trong việc bảo tồn và nhân giống loài vật quý hiếm, được coi là quốc bảo của Trung Quốc. Ai cũng háo hức muốn được tận mắt ngắm những “bé” gấu dễ thương, nhất là Mao Mao - nguyên mẫu của gấu Phúc Oa (bé Phúc), một trong 5 linh vật chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008.

Tôi khá bất ngờ khi ngay từ cổng Trung tâm, người tới xem gấu trúc đông như trảy hội. Càng bất ngờ khi biết chính quyền địa phương đã biến trung tâm thành một địa điểm du lịch thu hút gần 3 triệu du khách /năm. Đây là nơi mô phỏng môi trường tự nhiên nhằm chăm sóc và bảo tồn loài gấu trúc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đường vào Trung tâm rợp bóng với các loại cây, chủ yếu là trúc - thức ăn chính của những chú gấu tròn mũm mĩm.

Theo lời hướng dẫn viên, Trung tâm được thành lập năm 1987, hiện có 195 gấu trúc đang được nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 95 con đang sống tại đây, số còn lại đã được các vườn động vật nhiều nước trên thế giới hoặc các địa phương khác của Trung Quốc mượn/thuê về nuôi. Tứ Xuyên cũng là quê hương của gấu trúc lớn, nơi quy tụ hơn 80% gấu trúc trên toàn thế giới. Theo thống kê năm 2013, ở Trung Quốc có 1.864 con gấu trúc trong tự nhiên, trong đó 75% ở Tứ Xuyên, 25% còn lại ở Thiểm Tây và Cam Túc.

Trong Trung tâm, khu nuôi dưỡng, chăm sóc gấu, vườn chơi, cảnh quan, lối đi dành cho khách tham quan... đều được quy hoạch quy củ. Có rất nhiều tấm biển ghi cảnh báo rằng đây là loài động vật nguy hiểm và bạn không được tới gần. Điều này khiến không ít người trong đoàn chúng tôi ngạc nhiên. Thậm chí, chị đồng nghiệp bên Đài Tiếng nói Việt Nam còn nói rằng, đây là điều bất ngờ nhất bởi chị vẫn nghĩ, gấu trúc dễ thương và thân thiện với con người, chúng chỉ ăn trúc và không biết ăn thịt!

Giải thích về điều này, cô hướng dẫn viên của Trung tâm cho biết: Gấu trúc trước tiên là gấu, vẫn thuộc nhóm động vật ăn thịt, là loài ăn tạp và rất hung dữ khi sống trong tự nhiên, răng của chúng khá sắc. Và, như để trấn an khách, cô cho biết: Tại Trung tâm, gấu chỉ ăn trúc và hoa quả. Mỗi ngày chúng ăn 10 tiếng, ngủ 12 tiếng. Chúng vốn không lười, nhưng vì trúc sau khi được đưa vào dạ dày của gấu sẽ tiêu hóa rất nhanh nên chúng phải ăn nhiều, ngủ nhiều, ít vận động để duy trì thể lực!

Tham quan Trung tâm, chúng tôi được ngắm các chú gấu trèo cây, ăn, chơi đùa, thậm chí ngủ nướng ngoài trời. Mọi người đều tỏ ra vô cùng thích thú với những con vật đáng yêu. Những tiếng ồ, à, những lời âu yếm “dễ thương quá”, “yêu quá”, những tiếng gọi nhau “xem bạn ấy kìa”… ở khắp nơi. Máy ảnh, điện thoại, máy quay phim đều được sử dụng hết công suất để ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của các “Kung fu Panda”.

Gần cuối chặng tham quan, chúng tôi tới khu dành riêng cho Mao Mao. Chú khá thân thiện và tới gần hàng rào và bóc tước trúc một cách rất điêu luyện. Mao Mao vẫn có khuôn mặt hiền hậu, bộ lông trang nhã nhưng đã có vẻ già đi và di chuyển nặng nề hơn. Giống như hầu hết khách tham quan, tôi cũng chụp ảnh và quay clip. Tuy nhiên, ước muốn có một bức ảnh “chụp chung” với gấu trúc của tôi hoàn toàn bị phá sản do gấu ở quá xa. Ý tưởng “khoe” ảnh chụp cùng gấu trúc lên mạng xã hội của tôi đã không thành hiện thực!

Theo hướng dẫn viên, gấu trúc khi mới sinh có màu hồng, lông tơ trắng, nặng từ 100 – 150 gam, trong khi gấu trưởng thành nặng trung bình 120kg. Gấu trúc cái rất khó tính trong việc lựa chọn bạn đời, dễ sinh non, chỉ có thể thụ thai vào 2 - 3 ngày nhất định trong năm..., do vậy việc nhân giống gặp khá nhiều khó khăn. Gấu trúc trưởng thành có tríthông minh tương đương một đứa trẻ 5 tuổi.

Đặc biệt, tôi rất ngạc nhiên và “khâm phục” sự ranh mãnh của gấu trúc khi biết, không ít những con vật dễ thương nhất thế giới này “giả mang thai” để được vào phòng có điều hòa, được ăn ngon và chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, gấu trúc mẹ có thể kéo dài thờigian mang thai nếu cảm thấy môi trường xung quanh không an toàn.

Ấn tượng Đền Vũ Hầu

Sáng hôm sau, chúng tôi được tham quan đền Vũ Hầu, quần thể di tích gồm Hán Chiêu Liệt miếu (đền thờ Lưu Bị), Huệ Lăng (lăng mộ Lưu Bị) và đền thờ Khổng Minh Gia Cát Lượng. Dù chỉ biết sơ về lịch sử thời Tam Quốc qua những bộ phim truyền hình, tôi cũng rất háo hức khi được đặt chân tới địa chỉ du lịch nổi tiếng này.

Phố đi bộ Cẩm Lý, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Ngày cuối cùng của cuộc hành trình, Thành Đô có mưa. Cơn mưa đầu Hạ khiến cho không khí ngày Chủ nhật mát mẻ và đông khách đến tham quan hơn. Bằng giọng tiếng Anh khá dễ nghe, cô hướng dẫn viên cho biết, vào tháng 8 năm 234, sau khi mất, Khổng Minh được phong tặng là Trung Vũ Hầu và được an táng trên ngọn Định Quân sơn ở vùng Hán Trung. Sau khi kết thúc cuộc phân tranh Tam Quốc, người dân nhiều nơi đã lập đền thờ vị thừa tướng tài trí. Chỉ riêng vùng đất Thục xưa đã có đến 40 đền thờ Khổng Minh, tuy nhiên trong số đó đền Vũ Hầu ở Thành Đô là nổi tiếng hơn cả.

Cô hướng dẫn viên cho biết, ngôi đền từng bị cháy trong thời kỳ chiến tranh cuối thời nhà Minh năm 1644. Sau đó đền được trùng tu trong những năm 1671 - 1672, dưới thời nhà Thanh. Năm 1961, đền được công nhận là di tích trọng điểm cấp Quốc gia của Trung Quốc.

Với diện tích hơn 15.000 m2, đền gồm 3 gian: gian ngoài thờ Lưu Bị - vua nhà Thục, gian giữa thờ quân sư Khổng Minh và gian cuối thờ 3 anh em kết nghĩa Lưu Bị - Quan Vân Trường- Trương Phi. Khu di tích có 5 cổng, các cổng chạy từ Bắc đến Nam. Trong khu di tích hiện còn lưu giữ những bức thư pháp được khắc trên những phiến đá, những bức tượng, những tấm bảng ghi tên họ và công trạng của vua, quan nhà Thục Hán. Đây cũng là một trong số ít những ngôi đền tại Trung Quốc thờ cả vua và quan.

Trong khuôn viên khu di tích, tôi khá ấn tượng với một lối đi hơi cong, hai bên tường sơn đỏ rợp bóng trúc râm mát. Con đường đẹp đến nỗi hầu hết chúng tôi đều phải dừng chân chụp ảnh “check-in”. Qua con đường này là tới Huệ lăng. Được biết, chính Gia Cát Lượng đích thân chọn vị trí của Huệ Lăng. Hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi, trong đền, dù có đặt lư hương nhưng không hề có thắp hương, dâng hoa, lễ vật hay cúng dường. Người dân tới đây để tham quan, tìm hiểu về lịch sử và tôi có cảm giác dường như đây là điểm du lịch chứ không phải nơi thờ tự.

Không chỉ có đền đài

Trong thời gian ngắn ở Thành Đô, tôi cũng có cơ hội dạo quanh phố cổ Cẩm Lý. Trải dài hơn 500m, Cẩm Lý nhộn nhịp sầm uất từ sáng đến đêm. Vẻ quyến rũ của những quán trà Tứ Xuyên có biểu diễn Xuyên kịch (kịch đổi mặt nạ), những tòa nhà cổ, các cửa hàng bán đồ lưu niệm thủ công, lọt thỏm với quán bar, nhà hàng hiện đại thậm chí cả cà phê Starbucks một lần nữa khiến tôi không khỏi bất ngờ!

Cũng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới ẩm thực Tứ Xuyên với màu đỏ rực của ớt và vị cay tê rất khó tả nơi đầu lưỡi. Vẫn biết vị cay là “linh hồn” của ẩm thực nơi đây, nhưng tôi không nghĩ rằng, một người vốn dễ ăn và thích ăn cay như tôi cũng đôi lúc phải lắc đầu từ chối. Tuy nhiên, với tôi, được thưởng thức những món ăn nổi tiếng Thành Đô với vị tê tê, cay nồng, mặn mà như: gà xào ớt khô, đậu phụ Mapo, cá nhúng trong dầu ớt hay những xiên thịt, cá tẩm ớt và gia vị nướng thơm lừng thực sự là những trải nghiệm quý giá không thể nào quên.