📞

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Đảng Dân chủ lo “mất ghế”

15:17 | 27/09/2010
Chỉ 6 tuần trước bầu cử, các dự đoán cho thấy phe Cộng hòa sẽ giành đa số tại Hạ viện và thắng lớn tại Thượng viện dù không giành đa số. Cuộc thăm dò đầu tuần này của Gallup cho thấy phe Cộng hòa dẫn trước phe Dân chủ đến 10 điểm. Cũng theo cuộc thăm dò, 54% cử tri Cộng hòa sẽ đi bỏ phiếu, trong khi con số cử tri Dân chủ chỉ 30%.
Cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 2/11/2010 hứa hẹn sẽ là một sự kiện có nhiều thay đổi khó đoán trước ở Mỹ.

Thất bại theo… quy luật

Theo các kết quả trưng cầu dân ý mới nhất tại Mỹ, 46% người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, ngang ngửa với mức 44% dành cho Đảng Cộng hòa). Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama đứng ở 47%, ngang mức của tháng 7/2010. Mới nhìn qua, có vẻ như Đảng Dân chủ đang đứng vững trong môi trường chính trị bị ảnh hưởng bởi lo ngại về nền kinh tế suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp 9,6%. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy phe Cộng hòa luôn làm tốt hơn với tỉ lệ cao các cử tri đi bỏ phiếu trong những lần bầu các nhà lập pháp tại địa phương và thống đốc bang.

Chưa kể ở 7 trong 8 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong nhiệm kỳ đầu tiên của một Tổng thống trong kỷ nguyên sau chiến Chiến tranh Thế giới thứ hai, thì đảng có một Tổng thống mới đắc cử sẽ mất ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của mình (con số trung bình là 16 ghế tại hạ viện sẽ mất vào tay phe đối lập). Còn đối với cuộc bầu cử lần này nhiều người cũng dự báo về một thất bại khó tránh khỏi của Đảng Dân chủ, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đã tiến gần mức 10% và mọi nỗ lực để hạ thấp con số này là vô cùng khó khăn. Theo một số ước tính, nền kinh tế Mỹ cần tăng thêm 150.000 việc làm thực mỗi tháng trong 48 tháng liên tục để đưa tỉ lệ thất nghiệp trở lại mức 9%. Và với một tỉ lệ thất nghiệp như vậy cùng tỉ lệ ủng hộ ở mức trung bình so với những Tổng thống tiền nhiệm, nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ phải trả lại cho đảng Cộng hòa một số ghế ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện

Lý do thứ hai về khả năng mất ghế - ít nhất ở Hạ viện - là Đảng Dân chủ đã giành được quá nhiều ghế từ Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Bush. Sự chênh lệch giữa 256 - số ghế Hạ viện hiện nay do Đảng Dân chủ nắm giữ - và 201 - số ghế do Đảng Dân chủ nắm giữ chính xác cách đây 4 năm - là do nhiều nhân tố. Trước hết, một loạt vụ bê bối trong quốc hội của Đảng Cộng hòa và thực tế cuộc chiến tranh Iraq đạt hiệu quả thấp nhất, đã gây phương hại cho Đảng này. Nhưng đứng hàng đầu trong số này là các mức thâm hụt liên bang gia tăng, nợ nần chồng chất, và tỉ lệ công ăn việc làm thấp. Hai năm sau, mặc dù tình hình ở Iraq được cải thiện, nhưng nền kinh tế đã trở nên tồi tệ, tạo ra cơ hội cho Đảng Dân chủ giành ghế.

Cử tri độc lập lo lắng

Trong quý IV/2009, 38% người Mỹ tự coi mình là cử tri độc lập, 33% thuộc Đảng Dân chủ và 27% thuộc Đảng Cộng hòa. Mỗi nhóm này nhìn nhận một cách rất khác nhau về Obama và đa số của Đảng dân chủ trong Quốc hội.

Trong các cử tri độc lập, tỉ lệ ủng hộ ông Obama khoảng từ 45 đến 48%, sau khi bắt đầu ở mức cao từ khoảng 50 đến 65% vào đầu năm 2009. Trong các cử tri ôn hòa, tỉ lệ ủng hộ Obama gần như ở mức 70% cho đến đầu tháng 7/2010, đã giảm xuống còn khoảng 60% từ đầu tháng 9/2010, ở mức từ 57 - 63% vào cuối năm.

Các cử tri độc lập đang ngày càng lo ngại về những thâm hụt, chi tiêu của chính phủ đang vươn xa vượt quá khả năng và năng lực chi trả. Đây chính là thời điểm hỗn loạn, và những người Đảng Dân chủ phải lo ngại rằng chính làn sóng các cử tri độc lập đã cuốn Đảng Cộng hòa ra khỏi Quốc hội vào năm 2006 sẽ làm đúng như vậy đối với Đảng Dân chủ, ít nhất ở Hạ viện, vào ngày 2/11 tới.

Thất bại của phe Dân chủ sẽ là cú đòn lớn với Tổng thống Obama, người bước vào nhà Trắng với hy vọng cao hồi tháng 1/2009. Không còn nhiều thời gian, trong 6 tuần tới có lẽ ông Obama chỉ còn cách cố thuyết phục cử tri rằng chính sách kinh tế của ông đang hoạt động và phải cần thời gian, đồng thời nhắc người Mỹ nhớ rằng phe Cộng hòa sẽ đem đến những chương trình trước đây từng làm nước Mỹ đi xuống.

Với đảng Cộng hòa, thắng lợi của họ dù ở Hạ viện, Thượng viện hay cả hai viện, sẽ giúp họ cản trở kế hoạch của Obama, nhưng vì khó giành đa số ở Thượng viện, họ cũng không thể thông qua sáng kiến mới mà không có sự ủng hộ của phe Dân chủ, đấy là chưa kể có thể gặp phải quyền phủ quyết của Tổng thống trước khi có hiệu lực. Điều đó có nghĩa là phe Cộng hòa sẽ buộc phải hợp tác với những nhà Dân chủ ôn hòa tại cả hai viện nếu muốn thông qua các dự luật.

Bảo Trâm