📞

Bầu cử Hà Lan: Nexit khó xảy ra

14:42 | 14/03/2017
Cuộc bầu cử tại Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, khả năng Hà Lan rời khỏi EU (Nexit) là khó xảy ra bởi hiện tại hầu hết các chính đảng ở Hà Lan đều tin tưởng vào EU. 

Ngày 15/3 tới, khoảng 12,9 triệu cử tri Hà Lan sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội. Cuộc bầu cử này đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong bối cảnh Đảng Vì Tự do (PVV) của nghị sĩ Geert Wilders, một nhân vật có quan điểm dân túy và cực hữu đang trỗi dậy ở Hà Lan.

Diễn biến khó lường

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của 6 cuộc điều tra độc lập được trang web Peilingwijzer công bố ngày 13/3, Đảng Những người vì tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte đang vươn lên dẫn đầu với 16% số phiếu bầu, tương đương khoảng 23-27 ghế trên tổng số 150 ghế Hạ viện. Tuy nhiên, con số này kém xa so với 40 ghế mà đảng VVD đang có hiện nay.

Cuộc bầu cử tại Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. (Nguồn: Politico Europe) 

Mặc dù có vượt lên trong thời gian qua khi làn sóng chống người di cư tăng mạnh tại châu Âu, Đảng PVV của ông Wilders đang mất dần sự ủng hộ khi số liệu thăm dò cho thấy họ chỉ còn 13% số cử tri ủng hộ và dự kiến giành khoảng 19-23. Kết quả thăm dò cũng cho thấy, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) và đảng Dân chủ cấp tiến D66 có thể sẽ giành được 18-20 ghế cho mỗi đảng. Trong khi đó, đối tác thuộc liên đảng cầm quyền là đảng Lao động (PvdA) có thể chỉ giành được từ 10 đến 14 ghế. Trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này tại Hà Lan, tổng cộng 28 đảng sẽ cạnh tranh 150 ghế tại Hạ viện.

Cuộc bầu cử tại Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và ủng hộ phe cực hữu, trước thềm hai cuộc bầu cử quan trọng diễn ra tại Pháp và Đức trong tháng 4 và tháng 9 năm nay. Trong chiến dịch tranh cử, PVV là đảng có quan điểm chống nhập cư và Hồi giáo mạnh mẽ, đồng thời muốn đưa Hà Lan ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy các nhà phân tích cho rằng, nếu ông Wilders và đảng PVV giành thắng lợi, điều đó sẽ càng khuyến khích các đảng dân túy trên khắp châu Âu tìm cách liên kết để phá vỡ những giá trị và sự ổn định chính trị của liên minh này.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử quốc hội quan trọng, Thủ tướng Hà Lan Rutte đã hối thúc các cử tri ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa dân túy theo xu hướng xấu tại châu Âu. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Amsterdam ngày 13/3, Thủ tướng Rutte nêu rõ, ông muốn Hà Lan là nước đi tiên phong trong nỗ lực ngăn chặn những xu hướng sai trái của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu.

Ông Rutte khẳng định sẽ nỗ lực đẩy lùi ứng cử viên cực hữu Wilders và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan cũng lưu ý đến cuộc trưng cầu dân ý về Anh rời khỏi EU - còn gọi là Brexit cũng như kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Ông Rutte cảnh báo không thể loại trừ khả năng ứng cử viên Wilders có thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.

Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cũng đã cho thấy ứng cử viên Wilders, với cam kết thi hành chính sách cấm cửa biên giới với người Hồi giáo và đưa Hà Lan ra khỏi EU nếu trở thành Thủ tướng, vẫn đang giành được sự ủng hộ của một bộ phận đáng kể cử tri hoài nghi sự hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, với những thuận lợi cùng nguy cơ, các nhà phân tích cho rằng mọi kịch bản đều có thể xảy ra trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hà Lan.

Lòng tin đa số với EU

Nguy cơ Nexit, xuất phát từ một số quan ngại về khả năng Hà Lan có thể theo chân Anh trong trường hợp đảng PVV và ông Geert Wilders lên nắm quyền. Thế nhưng, khả năng này được xem là khó xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần bởi hiện tại hầu hết các chính đảng ở Hà Lan đều tin tưởng vào EU.

Nguy cơ Nexit, xuất phát từ một số quan ngại về khả năng Hà Lan có thể theo chân Anh trong trường hợp đảng PVV và ông Geert Wilders lên nắm quyền. (Nguồn: Telegraph)

Sau sự kiện Brexit, Thủ tướng Rutte tuyên bố một cuộc trưng cầu dân ý về Nexit sẽ là “hoàn toàn vô trách nhiệm” và hầu hết các chính đảng trong Quốc hội Hà Lan đều nhất trí với quan điểm này. Hiện chỉ có một nhóm nhỏ ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý về chủ trương trên, gồm PVV, đảng Diễn đàn vì Dân chủ (FvD) và đảng Vì người Hà Lan” (VNL). Tuy nhiên, không có cơ hội để 3 đảng này giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong trường hợp một chính phủ liên minh được thành lập thì chính phủ này cũng khó có đủ khả năng thúc đẩy Hà Lan rời khỏi EU.

Mặt khác, Hà Lan là nước phụ thuộc vào xuất khẩu và phát triển nhờ thương mại với cảng biển lớn nhất châu Âu (cảng Rotterdam). Trong khi Anh tự hào là quốc gia có khu vực ngân hàng và tài chính quy mô lớn, thì người Hà Lan coi đất nước họ là một trung tâm về vận tải. Nếu rời khỏi EU, chẳng khác nào Hà Lan tự chối bỏ vai trò quan trọng của mình là cửa ngõ của thị trường EU và nền kinh tế Hà Lan có thể bị tác động mạnh.

Bên cạnh đó, không giống như Anh, Hà Lan dường như không muốn quay lại sử dụng đồng nội tệ Guilder khi có tới 78% số người được hỏi cho biết muốn duy trì sử dụng đồng Euro. Như vậy, về cơ bản, người Hà Lan không muốn rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, những cải cách của EU nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính và cải thiện tiến trình ra quyết định đang được thực hiện theo đề xuất của Hà Lan, nên khả năng Nexit rất khó xảy ra.

Bên cạnh đó, Hiến pháp Hà Lan không cho phép tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc về tư cách thành viên của nước này trong EU. Nếu kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu không mang tính ràng buộc, Hà Lan sẽ phải thông qua một đạo luật tạm thời và đạo luật này cần được sự ủng hộ của cả hai viện Quốc hội. Điều đó sẽ rất khó khăn do đa số các đảng trong Quốc hội Hà Lan hiện vẫn ủng hộ EU. 

Mặc dù kịch bản Nexit được nhận định là khó xảy ra, tuy nhiên một điểm đáng lưu ý là tâm lý hoài nghi châu Âu đang ngày càng gia tăng ở Hà Lan. Trong khi đó làn sóng ủng hộ dân túy cũng đang trỗi dậy sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về vấn đề Brexit và sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Một cuộc khảo sát được tiến hành sau cuộc bỏ phiếu Brexit tại Hà Lan vào tháng 6/2016 cho thấy, dù chưa tới 50% số người Hà Lan ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU nhưng lại có tới 43% nói sẽ ủng hộ Nexit.

Thực tế cho thấy cử tri Hà Lan đang có sự phân tầng sâu sắc về trình độ giáo dục cũng như mức thu nhập. Do đó, các chuyên gia nhận định, nếu một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở nước Anh diễn ra, lượng cử tri Hà Lan có trình độ giáo dục thấp hơn nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu với tỷ lệ tương đối cao và kịch bản sẽ là đa số cử tri Hà Lan ủng hộ Nexit.

(tổng hợp)