Cuộc tranh luận duy nhất giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống trước thềm cuộc bầu cử Mỹ 2020 đã diễn ra khá nghiêm túc. (Nguồn: Wkow) |
Cuộc tranh luận tập trung vào loạt vấn đề quan trọng từ dịch Covid-19, đến chính sách thuế, sự phục hồi kinh tế đến biến đổi khí hậu.
Sau khi xuất hiện trên sân khấu của Đại học Utah, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chúc mừng Thượng nghị sĩ Kamala Harris trong ngày được coi là quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử của bà. Hai ứng cử viên ngồi cách xa nhau và được ngăn bằng kính chắn nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Cả hai đều giữ thái độ điềm tĩnh khi tranh luận.
Cuộc tranh luận bắt đầu với chủ đề đại dịch Covid-19. Không mất nhiều thời gian, ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Harris đã nhanh chóng xoáy vào sự yếu kém của chính quyền đương nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất này.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Pence đã bảo vệ cách thức đối phó với dịch bệnh Covid-19 của Tổng thống Donald Trump khi được hỏi về việc chính quyền tổ chức lễ công bố đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao ngày 26/9 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng mà không đảm bảo quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Ông Trump cùng Đệ nhất phu nhân và nhiều quan chức, nhân viên tham gia sự kiện này đã bị mắc Covid-19.
Cùng với đại dịch Covid-19, hai ứng cử viên cũng tranh luận khá gay gắt về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Kamala Harris thẳng thắn cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã thua trong cuộc cạnh tranh thương mại với nền kinh tế số 2, khiến nền kinh tế số 1 thế giới mất đi 300.000 việc làm trong ngành sản xuất và nhiều nông dân Mỹ phải phá sản cũng như hoạt động sản xuất bị sụt giảm.
Phản đối cáo buộc này, Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh, thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc chính là thành tựu mà chính quyền Tổng thống Trump đạt được trong cuộc chiến thương mại, đồng thời cho rằng, nếu đắc cử, cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ đảo ngược các chính sách của ông Trump.
Ông Pence nói rõ, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã coi việc đàm phán lại các hiệp định thương mại là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Hai ứng cử viên cũng thể hiện sự khác biện lớn trong chính sách thuế. Nữ chính khách bang California nhấn mạnh, kế hoạch không tăng thuế của ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Trong khi đó, ông Pence bảo vệ luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD được thông qua hồi cuối năm 2017, trong đó có việc giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn.
Bà Harris còn chỉ trích nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm "vô hiệu hóa" Đạo luật y tế giá rẻ (ACA), hay còn gọi là Obamacare, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, trong khi ông Pence gọi chính sách này là "thảm họa".
Ngoài ra, hai ứng cử viên còn thể hiện quan điểm trái ngược trong loạt vấn đề như biến đổi khí hậu, bổ nhiệm Thẩm phán Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán tòa án Tối cao Mỹ.
Trong 90 phút, hai ứng cử viên cũng né tránh nhiều câu hỏi trực tiếp và hướng sang chủ đề khác. Đáng chú ý, không ứng viên nào trả lời khi được câu hỏi rằng, liệu họ có thảo luận về các biện pháp bảo vệ và tiến hành các thủ tục nếu ông Trump hoặc Biden mất khả năng lãnh đạo Nhà Trắng.
Ông Pence và bà Harris đã có thời điểm tranh luận căng thẳng khi đề cập làn sóng biểu tình trên toàn nước Mỹ phản đối việc cảnh sát da trắng mạnh tay với người da màu.
Theo kế hoạch, sau cuộc tranh luận này, hai ứng cử viên Tổng thống sẽ có cuộc tranh luận vào ngày 15/10 ở Miami, Florida và ngày 22/10 ở Nashville, bang Tennessee.
| Cuộc tranh luận 'lạ' giữa Harris-Pence. Ba điểm nhấn đáng chú ý TGVN. Hai ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ đã không để cho cử tri và người quan tâm cuộc bầu cử Mỹ 2020 phải ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Phó Tổng thống Pence nói gì về lễ đề cử thẩm phán Tòa Tối cao của ông Trump? TGVN. Ngày 7/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã bảo vệ quyết định của Chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc tổ chức ... |
| Tin thế giới 7/10: Chiến trường Nagorno-Karabakh khốc liệt; Bắc Kinh nói về Kyrgyzstan; Indonesia không đánh đổi lập trường Biển Đông TGVN. Xung đột Armenia-Azerbaijan, tình hình Kyrgyzstan, quan hệ Nga-Mỹ, EU-Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình Trung Đông và vấn đề Biển Đông là một số ... |