Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ ban hành quy định mới liên quan việc tạm ngắt micro của các ứng cử viên trong cuộc tranh luận cuối cùng trước khi bước vào ngày bầu cử Mỹ 2020. (Nguồn: Reuters) |
Thông tin trên được đưa ra 3 ngày trước khi diễn ra cuộc tranh luận thứ 2 và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 tại Nashville với sự điều phối của phóng viên Kristen Welker từ NBC News. Đây được coi là một trong những sự kiện quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới kết quả cuộc bầu cử sắp tới.
Theo đó, khi bắt đầu mỗi phần tranh luận, micro của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden sẽ bị tạm ngắt trong 2 phút để tránh gián đoạn phần phát biểu mở đầu của ứng cử viên còn lại.
Theo quy định mới áp dụng trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút vào ngày 22/10 tới, mỗi ứng cử viên sẽ có 6 phần phát biểu, mỗi phần 15 phút và trong đó có 2 phút phát biểu mở đầu không bị đối phương gián đoạn. Micro sẽ được mở cho các ứng cử viên phát biểu trong khung thời gian quy định. Tuy nhiên, đối với các phần tranh luận mở, micro sẽ được bật cho cả hai ứng cử viên.
Trong một thông báo, CPD cho biết, việc áp dụng thay đổi này là thích hợp nhằm đảm bảo 2 bên tuân thủ các quy định đã được nhất trí trước đó. Theo thông báo, trong tuần này, đại diện ban vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã tái cam kết tôn trọng quy tắc 2 phút tranh luận mà không bị gián đoạn.
Các quy định được điều chỉnh nhằm đảm bảo trật tự cho cuộc tranh luận cuối cùng giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ sau khi cuộc tranh luận đầu tiên bị cho là "hỗn loạn", hai bên thường xuyên ngắt lời và có những lời nói công kích lẫn nhau.
Các chủ đề tranh luận dự kiến gồm cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia, vai trò lãnh đạo... Tuy nhiên, đại diện ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã lên tiếng phản đối một số chủ đề trên, đồng thời kêu gọi cuộc tranh luận cuối tập trung vào chính sách đối ngoại.
Hai tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, nhưng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người e ngại việc xếp hàng bỏ phiếu trực tiếp nên một số bang đã tổ chức bỏ phiếu sớm. Hiện bang Texas đang dẫn đầu cả nước với hơn 4 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu.
Từ năm 1980, bang Texas luôn đặt niềm tin vào các ứng cử viên Cộng hòa và đóng góp không nhỏ cho tỷ lệ ủng hộ đảng này qua từng năm. Hoạt động bỏ phiếu sớm tại bang này bắt đầu từ ngày 13/10 và được giám sát chặt chẽ.
Theo quan sát của Đại học Florida, hiện tổng số phiếu bầu sớm tại bang Texas đang ở mức tương đương 45% tổng số phiếu bầu toàn bang trong cuộc bầu cử năm 2016. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tính tới ngày 19/10 tại bang Texas cao hơn tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm của bang đông dân California.