Đồng EUR đối mặt với nhiều thách thức trước cuộc bầu cử Mỹ. Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở Berlin, Đức. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Trong phiên giao dịch ngày 22/10, tỷ giá giữa đồng EUR giảm xuống dưới mức quan trọng 1,08 USD/EUR. Giới quan sát dự báo rằng nhiều khả năng đồng tiền chung châu Âu sẽ vẫn còn suy yếu trong thời gian tới.
Sự sụt giảm của đồng EUR diễn ra sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong tháng trước, đồng EUR đã giảm hơn 3% so với đồng USD, xuống dưới mức 1,08 USD/EUR - mức thấp nhất kể từ ngày 2/8.
Đồng triền này cũng suy yếu so với đồng Bảng Anh, đồng Franc Thụy Sỹ và AUD, lần lượt chứng kiến mức giảm 0,77%, 1,47% và 1,54% trong cùng kỳ.
Lạm phát thấp hơn mục tiêu, nền kinh tế suy yếu và bất ổn chính trị đã góp phần vào sự suy yếu của EUR.
Thông thường, cuộc bầu cử ở Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xu hướng thị trường tiền tệ. Do vậy, các xu hướng thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới và hiện thị trường đặt cược nhiều hơn vào khả năng chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump.
Giống như xu hướng năm 2016, đồng USD mạnh lên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, chủ yếu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Lần này, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên châu Âu và các quốc gia khác, gây lo ngại về một cuộc chiến thương mại lần hai.
Ông Dilin Wu, chiến lược gia nghiên cứu tại Pepperstone nhấn mạnh: "Nền kinh tế châu Âu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi mức thuế 10% từ Mỹ và triển vọng kinh tế trì trệ ở Trung Quốc, đang đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng".
Nếu điều này xảy ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể buộc phải cắt giảm lãi suất mạnh hơn để giữ đồng EUR ở mức thấp, duy trì sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Các nhà phân tích từ Deutsche Bank AG, JPMorgan Private Bank và ING Groep NV đều cảnh báo rằng đồng EUR có nguy cơ rơi về mức ngang giá với đồng USD nếu ông Donald Trump tái đắc cử.
Các nhà kinh tế tin rằng, mức thuế 60% mà ông Trump đề xuất đối với hàng hóa Trung Quốc, cùng với thuế 10% đối với nhập khẩu từ các nước khác, sẽ gây áp lực lên giá cả tại Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất trở lại.
Những kỳ vọng này đã củng cố sức mạnh của đồng USD, được hỗ trợ thêm bởi các dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ.
Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB, khi ở mức 1,8% trong tháng 9/2024, dẫn đến việc ECB cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay.
Tại cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 22/10 vừa qua, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tái khẳng định rằng quá trình giảm lạm phát vẫn đang diễn ra, nhưng lưu ý rằng tốc độ giảm vẫn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế sắp tới.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone, dự đoán nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2025, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức ước tính được đưa ra vào tháng 7/2024. Sự suy yếu trong các ngành công nghiệp của Đức và Italy được coi là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tăng trưởng chậm lại.