Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1/2025. (Nguồn: Getty Images) |
Kinh tế thế giới
500 người giàu nhất thế giới
Tổng giá trị tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới đã vượt 10.000 tỷ USD, đánh dấu một năm 2024 tiếp tục ăn nên làm ra của các tỷ phú thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, bất chấp tình hình kinh tế thế giới không thực sự lạc quan.
Theo Bloomberg, đợt tăng giá kéo dài của cổ phiếu công nghệ Mỹ là yếu tố hàng đầu làm phình to khối tài sản của 3 tỷ phú giàu nhất thế giới gồm Elon Musk, Mark Zuckerberg và Jensen Huang cũng như nhiều “ông trùm” công nghệ khác như Larry Ellison, Jeff Bezos, Michael Dell và những người đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin.
Kinh tế Mỹ
* Trong vài năm qua, nền kinh tế Mỹ liên tục vượt qua những dự đoán về sự suy giảm. Năm 2024 cũng không phải là ngoại lệ.
Bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, lãi suất tăng cao và thị trường lao động hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì vững chắc trong năm 2024. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mỹ được dự đoán sẽ là quốc gia có hiệu suất hoạt động tốt nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Kinh tế Trung Quốc
* Phát biểu tại một sự kiện dịp Năm mới 2025 vào ngày 31/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, kinh tế nước này ước tính tăng trưởng khoảng 5% trong cả năm 2024, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức.
Tin liên quan |
Ukraine khóa van khí đốt Nga sang châu Âu, một quốc gia vẫn ‘có đấm’ dùng ‘mánh khóe’, liệu có được ‘ăn xôi’? |
Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định, nền kinh tế nước này nhìn chung phát triển trong bối cảnh ổn định. Rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm đã được giải quyết hiệu quả, trong khi việc làm và giá cả vẫn đảm bảo.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng việc hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục trong năm 2025, đồng thời nhắc lại kêu gọi thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô chủ động hơn.
* Theo số liệu mới nhất được Cục đường sắt quốc gia Trung Quốc (NRA) công bố ngày 26/12, tổng chiều dài đường sắt tốc độ cao đang hoạt động tại nước này là khoảng 47.000 km trong đó có 2.300 km là đường sắt mới đi vào hoạt động trong năm 2024. Tổng chiều dài của hệ thống đường sắt quốc gia là 162.000 km.
Lãnh đạo NRA cho biết, tổng đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực đường sắt Trung Quốc dự kiến vượt 800 tỷ Nhân dân tệ (111,3 tỷ USD) trong năm 2024. Dịch vụ đường sắt ước tính vận chuyển 4,3 tỷ lượt khách trong năm 2024, tăng 11,7% so với năm 2023, trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt dự kiến tăng khoảng 3% so với năm 2023, đạt 5,18 tỷ tấn.
Kinh tế châu Âu
* Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1/2025, khi thỏa thuận quá cảnh 5 năm hết hạn và hai nước đã không đạt được thỏa thuận mới.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết, nước này đã ngừng vận chuyển khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga sẽ chịu thiệt hại về tài chính do bị mất thị trường châu Âu.
Việc đóng cửa tuyến đường dẫn khí đốt lâu đời nhất của Nga tới châu Âu đã được dự đoán trước trong bối cảnh xung đột tại Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022. Kiev đã kiên quyết sẽ không gia hạn thỏa thuận trong bối cảnh xung đột.
* Trong tháng 1/2025, thời tiết ở châu Âu dự kiến sẽ lạnh hơn bình thường, làm tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên ở châu lục này trong bối cảnh thỏa thuận cho phép vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine hết hạn.
Theo dự báo của Maxar Technologies Inc., nhiệt độ dự kiến sẽ giảm mạnh vào đầu tháng 1/2025 ở Vương quốc Anh, Pháp, Đức và các nước Bắc Âu, và đợt lạnh này sẽ kéo dài trong suốt tháng. Dữ liệu từ Met Office cho thấy sẽ có tuyết ở Vương quốc Anh, với các cảnh báo thời tiết được đưa ra vào đầu tháng.
Sự kết hợp giữa thời tiết lạnh và gió yếu đã khiến châu Âu trong giai đoạn hiện nay sử dụng nhiều dự trữ khí đốt hơn bình thường.
* Giới chức Ukraine ngày 30/12 cho biết nước này sẽ tăng gấp 4 lần phí vận chuyển khí đốt cho người tiêu dùng trong nước từ ngày 1/1/2025, nhằm bù đắp cho việc mất doanh thu sau khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga hết hạn vào cuối năm 2024.
Ủy ban quốc gia về điều tiết nhà nước trong các lĩnh vực năng lượng và tiện ích của Ukraine đã phê duyệt quyết định tăng phí vận chuyển khí đốt nội địa từ mức khoảng 124 Hryvnia (2,95 USD) trước đó lên khoảng 502 Hryvnia (11,95 USD) cho 1.000 m3. Phí nội địa này do các công ty tiện ích công và các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng, như các công ty sản xuất thép, chi trả.
* Theo kết quả một cuộc khảo sát trực tuyến của Hiệp hội liên bang các doanh nghiệp vừa và nhỏ (BVMW) đối với 1.273 công ty cỡ vừa tại Đức trong khoảng thời gian từ ngày 17-27/12, 8 trong 10 công ty (80%) dự kiến nền kinh tế Đức sẽ suy giảm nhanh hơn trong năm 2025.
Trong khi đó, 58% công ty được khảo sát nói rằng dự kiến sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế. Một trong 5 công ty đang chuẩn bị cho cuộc suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới. Cũng theo khảo sát này, 40% chủ doanh nghiệp cỡ vừa ghi nhận doanh thu sụt giảm trong năm 2024 và 40% cho biết muốn đầu tư ít hơn trong năm tới.
* Romania và Bulgaria ngày 1/1/2025 đã dỡ bỏ kiểm soát biên giới trên bộ để trở thành thành viên đầy đủ của khu vực tự do đi lại Schengen thuộc Liên minh châu Âu (EU), gia nhập khối mở rộng gồm các quốc gia có công dân được phép di chuyển mà không cần kiểm tra hộ chiếu.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Tiêu dùng tư nhân tại Nhật Bản được dự báo tăng trưởng ổn định trong năm 2025, dần trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu, khi người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm trong mua sắm hằng ngày mặc dù họ vẫn sẵn sàng chi cho các mặt hàng xa xỉ và những dịp đặc biệt.
Trong quý II và III/2024, tiêu dùng tư nhân tại Nhật Bản tăng trưởng lần lượt 0,6% và 0,7%. Theo khảo sát ESP tháng 12 của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER), tiêu dùng cá nhân dự kiến tăng trưởng với tốc độ chậm nhưng ổn định hàng quý, dao động từ 0,24% đến 0,28% trong năm 2025.
* Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Nhật Bản giảm với tốc độ chậm hơn trong tháng 12/2024 do sự sụt giảm trong sản xuất và các đơn đặt hàng đã dịu bớt, tiến gần hơn đến sự ổn định sau những đợt giảm gần đây.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của au Jibun Bank đạt 49,6 trong tháng 12/2024, mức sụt giảm nhẹ nhất trong ba tháng. Chỉ số này cao hơn một chút so với mức 49,5 trong số liệu sơ bộ và 49 trong tháng 11/2024 nhưng vẫn duy trì dưới ngưỡng 50, mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp.
Chỉ số chính đã tiến gần hơn đến mức trung bình trong bối cảnh sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm nhẹ, chuyên gia Usamah Bhatti tại S&P Global Market Intelligence cho biết.
* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 31/12 đã công bố số liệu cho biết, chỉ số giá tiêu dùng, thước đo lạm phát chính trong năm 2024 của Hàn Quốc, đã tăng 2,3% so với năm 2023, ghi nhận tốc độ tăng thấp nhất trong bốn năm.
Cụ thể, lạm phát của Hàn Quốc đã tăng lần lượt 2,5% trong năm 2021, 5,1% trong năm 2022 và 3,6% trong năm 2023. Chỉ số lạm phát năm 2024 đúng với dự báo 2,3% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) được công bố vào tháng 11/2024 và tiệm cận mức mục tiêu là 2%.
* Theo báo cáo “Xu hướng xuất nhập khẩu tháng 12 và năm 2024” do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố ngày 1/1/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2024 đã đạt mức cao kỷ lục mới với 683,8 tỷ USD.
Xuất khẩu trung bình theo ngày cũng đạt mức cao chưa từng có là 2,53 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của năm 2024 ước đạt 632 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2023 do nhập khẩu năng lượng giảm.
Cán cân thương mại năm 2024 đạt thặng dư 51,8 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ năm 2018. Trong 9 tháng tính từ tháng 1/2024, xuất khẩu của Hàn Quốc đứng thứ 6 trên thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 30/12 cho biết, nước này sẽ trở thành đối tác chính thức của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS từ ngày 1/1/2025.
Lưu ý rằng Nga, nước chủ tịch BRICS năm nay, đã trả lời về vấn đề này vào ngày 28/12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết quan hệ đối tác này dự kiến sẽ tăng cường hợp tác quốc tế và mang lại cơ hội cho Thái Lan và các thành viên BRICS, đặc biệt là trong thương mại, đầu tư và du lịch.
* Chính phủ Indonesia đã quyết định hủy bỏ kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) chỉ vài giờ trước khi chính sách gây tranh cãi này có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.
Thay vào đó, Tổng thống Prabowo Subianto và Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati ngày 31/12/2024 đã tuyên bố việc tăng thuế VAT từ 11% lên 12% sẽ chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, như máy bay phản lực tư nhân, tàu du lịch, du thuyền và bất động sản có giá từ 30 tỷ Rupiah (1,85 triệu USD) trở lên. Việc mua ô tô và xe máy hạng sang cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Quyết định này đã đảo ngược một phần thông báo trước đó của chính phủ nhằm tăng thuế VAT lên 12% trên diện rộng bắt đầu từ ngày 1/1/2025.
* Ngày 30/12, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã ký ban hành ngân sách quốc gia trị giá 6.330 tỷ Peso (109,3 tỷ USD) cho năm 2025, cao hơn 9,7% so với ngân sách năm 2024.
Trong bài phát biểu tại lễ ký ở dinh tổng thống, Tổng thống Marcos nêu rõ bản ngân sách phản ánh cam kết chung của chính phủ nhằm chuyển đổi lợi ích kinh tế thành tăng trưởng dài hạn và mục tiêu cải thiện đời sống của người dân Philippines.
Ngân sách quốc gia năm 2025 nhấn mạnh cam kết của chính quyền đối với các dịch vụ xã hội, giáo dục và y tế, trong khi giải quyết nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và hỗ trợ nông nghiệp. Đầu tháng 12, Chính phủ Philippines đã mở rộng mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 lên trong khoảng từ 6-8%.
* Theo báo cáo từ Cục Tín dụng quốc gia Thái Lan (NCB), cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình ở nước này đang ngày càng trầm trọng, khiến nhiều người phải đối mặt với tình trạng nợ vượt quá khả năng chi trả. Đáng chú ý, có tới 284.000 xe bán tải đang đứng trước nguy cơ bị tịch thu.
Ông Surapon Opassathien, Chủ tịch NCB, cho biết nợ tín dụng trong xã hội hiện lên tới 13.600 tỷ Baht (khoảng 398 tỷ USD), bao gồm các khoản vay từ 158 tổ chức tài chính, tổ chức phi ngân hàng, tài chính nano và vi mô cấp tỉnh (PICO).
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng hợp tác báo cáo thêm 2.300 tỷ Baht nợ không được đưa vào dữ liệu chính thức của NCB.
| Ukraine khóa van khí đốt Nga sang châu Âu, một quốc gia vẫn ‘có đấm’ dùng ‘mánh khóe’, liệu có được ‘ăn xôi’? Việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine tới châu Âu đã dừng lại sau khi hợp đồng giữa Naftogaz và Gazprom chấm dứt. ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật: Nga nói việc cấp khí đốt cho châu Âu phụ thuộc EU và Ukraine, Nhật Bản lần đầu ‘ra tay’ với doanh nghiệp Mỹ Quỹ trái phiếu toàn cầu hút vốn, Nga sẵn sàng bơm khí đốt cho châu Âu, Mỹ khởi kiện 3 ngân hàng lớn nhất nước, ... |
| WTO - 'Ngọn hải đăng' trong thế giới phân mảnh đang cần được tiếp lửa Vai trò của WTO sẽ dần bị mai một nếu không thay đổi cơ chế vận hành và cải cách mà trong đó, đối thoại ... |
| Dự báo 10 vấn đề nổi bật năm 2025 Thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển mình nơi nhiều mối quan hệ được thành lập từ cách đây gần 80 năm đã không ... |
| Giá tiêu hôm nay 2/1/2025: Giá tăng gần 3 lần từ thời điểm chạm đáy, nông dân phấn khởi, nhiều kỳ vọng vào vụ mùa 2025 bội thu Giá tiêu hôm nay 2/1/2025 tại thị trường trong nước nhích nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 146.500 - 147.000 ... |