Ukraine dừng vận chuyển khí đốt của Nga sang EU và Moldova. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 1/1/2025, dữ liệu của nhà điều hành đường ống GTS (Ukraine) đã xác nhận rằng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga qua Ukraine tới các nước châu Âu và Moldova đã dừng lại. Vào lúc 7h theo giờ Kiev, các vòi đã bị khóa tại cả biên giới Nga với Ukraine và tại biên giới Ukraine với Slovakia. Do đó, hợp đồng vận chuyển 5 năm giữa Naftogaz của Ukraine và Gazprom của Nga, được ký vào ngày 30/12/2019 chính thức hết hạn.
Đây là hợp đồng trung chuyển thương mại thứ hai trong lịch sử quan hệ Ukraine-Nga, sau hợp đồng kéo dài 11 năm (2009-2019) được ký vào năm 2008. Thời điểm năm 2009, đối với EU, vấn đề nguồn cung khí đốt cực kỳ cấp bách, vì sự phụ thuộc rất lớn của khối vào năng lượng của Nga.
Mỗi năm, có hơn 100 tỷ mét khối khí đốt Nga được quá cảnh qua Ukraine đến EU. Gần đây, lượng khí đốt quá cảnh đạt hơn 15 tỷ mét khối/năm và chỉ chiếm 5% tổng lượng khí đốt tiêu thụ tại liên minh 27 quốc gia thành viên.
Hợp đồng quá cảnh năm 2019 được lập thành một thỏa thuận riêng. Trước đó, từ cuối 2015, Ukraine không mua khí đốt từ Nga.
Slovakia và Hungary tiếp tục nuôi hy vọng
Việc chấm dứt thỏa thuận quá cảnh khí đốt không phải là điều bất ngờ đối với bất kỳ ai. Hơn một năm trước, Ukraine tuyên bố rằng, hợp đồng sẽ không được gia hạn.
Vào tháng 12/2023, ông Oleksii Chernyshov, cựu Giám đốc của Naftogaz, là một trong những người đầu tiên nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với báo chí. EU đã chuẩn bị cho việc nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt giảm kể từ năm 2022 khi khối này quyết định thoát khỏi hoàn toàn sự phụ thuộc vào dầu khí của Moscow vào năm 2027.
Cựu Ủy viên châu Âu về năng lượng Kadri Simson đã nhiều lần nói về sự sẵn sàng của EU trong việc dừng quá cảnh khí đốt. Người kế nhiệm bà, ông Dan Jørgensen, cũng có quan điểm tương tự.
Tin liên quan |
Tổng thống Ukraine nêu điều kiện khó chấp nhận, Thủ tướng một nước châu Âu 'tức tốc' tới Nga, ngỏ lời mua khí đốt |
“Trong 100 ngày đầu tiên, tôi sẽ trình bày một kế hoạch về cách đẩy nhanh việc chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào khí đốt của Nga trước năm 2027”, ông nói trước khi nhậm chức vào ngày 1/12 vừa qua.
Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), một giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga, cho EU đã tăng đáng kể trong những năm gần đây nhờ hàng từ Mỹ và Na Uy. Gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng Washington nên tăng nguồn cung cấp LNG hơn nữa cho EU.
Hầu hết các nước EU đã tìm được phương án thay thế cho Gazprom của Nga, trong đó có Áo và Italy. Tuy nhiên, nguồn cung cấp khí đốt cho Áo đã bị cắt theo sáng kiến của chính Gazprom cách đây một tháng rưỡi.
Ngay cả Hungary, quốc gia đã nêu vấn đề tiếp tục quá cảnh tại các cuộc họp song phương vào đầu năm 2024, cũng đã tìm được một tuyến đường thay thế qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Budapest vẫn hy vọng quá cảnh qua Ukraine vì đây là tuyến đường rẻ hơn.
Tới tận ngày 30/12/2024, một ngày trước khi thỏa thuận quá cảnh kết thúc, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vẫn cho biết, các cuộc đàm phán với Nga và Ukraine về việc duy trì hợp đồng đang diễn ra. Ông nói: "Chúng tôi hiện đang thử một ‘mánh khóe’... bằng cách nào đó khiến khí đốt, khi vào lãnh thổ Ukraine, không còn là của Nga nữa, mà đã thuộc về người mua”.
Không rõ Thủ tướng Orbán đang ám chỉ đến “mánh khóe” nào, có lẽ ông đề cập việc áp dụng cho khí đốt theo chương trình Hungary đã sử dụng khi cung cấp dầu qua Ukraine. Theo đó, bản chất là dầu của Nga nhưng được một công ty Hungary mua tại biên giới và nhập vào Ukraine như một sản phẩm của Hungary. Và bây giờ Budapest muốn làm như vậy với khí đốt. Tuy nhiên, lựa chọn này được cho là sẽ không hiệu quả đối với Kiev.
Trong bối cảnh Hungary và Slovakia mong muốn tìm ra một lựa chọn phù hợp để bảo tồn lượng khí đốt quá cảnh trên thị trường năng lượng châu Âu, người ta nói rằng Budapest đã quyết định tham gia vào một trong những công ty sản xuất của Nga để khí đốt sẽ được coi là của Hungary khi quá cảnh qua Ukraine. "Vẫn chưa rõ điều này có đúng hay không, nhưng bản thân ý tưởng này khá sáng tạo", một nguồn tin có liên hệ trong thị trường năng lượng EU cho biết.
Ngay cả khi đúng là Hungary đang theo hướng trên, thì khả năng thực hiện được “mánh khóe” như vậy cũng không cao.
Trong khi đó, Slovakia hiện đang là nước tích cực nhất khi vẫn đang cố gắng đạt được mục tiêu của mình và buộc Ukraine phải đồng ý quá cảnh khí đốt. Bratislava đã cân nhắc lựa chọn mua khí đốt từ Azerbaijan thông qua việc giao hàng qua Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, Baku không dư thừa sản lượng để bán, vì vậy, khí đốt sẽ phải mua từ Nga. Các cuộc tham vấn về một chương trình cung cấp mới kéo dài khá lâu. Ukraine thậm chí còn đưa ra tầm nhìn về vấn đề này - bơm khí đốt vào kho lưu trữ và sau đó tái xuất khẩu. Mặc dù vậy, không có lựa chọn nào được công nhận là thực tế.
Nguồn cung cấp khí đốt từ Azerbaijan sẽ liên quan đến việc mua khí đốt từ Nga và Ukraine không có ý định tiếp tục gia hạn thỏa thuận. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đích thân thảo luận với Thủ tướng Slovakia Robert Fico vào ngày 19/12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại Điện Kremlin hôm 22/12. (Nguồn: AFP) |
Chỉ vài ngày sau, ông Fico bay đến Moscow để thảo luận về vấn đề khí đốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau đó, ông đưa ra tối hậu thư, nói rằng nếu quá cảnh khí đốt bị dừng lại, Bratislava sẽ ngừng cung cấp điện cho Ukraine.
Tuy nhiên, nếu Slovakia từ chối Ukraine, thì các đối tác khác như Ba Lan, Hungary và Romania sẽ có thể tăng nguồn cung điện. Nếu Hungary cũng tham gia tối hậu thư của Slovakia, Ukraine sẽ có lý do chính thức để trả đũa nguồn cung cấp dầu cho các nhà máy lọc dầu ở hai quốc gia này, vốn vẫn tiếp tục chảy qua đường ống Druzhba.
Về phần mình, EC đã nói rõ rằng không ủng hộ mong muốn bảo vệ thỏa thuận quá cảnh của Slovakia. Việc dừng quá cảnh qua Ukraine vào ngày 1/1/2025 là một tình huống đã được dự đoán trước và EU đã sẵn sàng cho điều đó.
Điều gì sẽ đến với Ukraine, EU và Moldova?
Sau khi quá trình vận chuyển quá cảnh hoàn tất, sẽ không có ai dừng hoạt động của hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. Đường ống tiếp tục đóng vai trò phân phối khí đốt trong nước và là cơ sở lưu trữ khí đốt bổ sung. Vai trò của GTS rất quan trọng đối với việc cung cấp khí đốt từ các cơ sở lưu trữ ngầm nằm ở phía Tây Ukraine đến các khu vực miền Trung và miền Đông đất nước.
Tuy nhiên, hệ thống này sẽ cần thêm kinh phí để duy trì và hoạt động. Vì mục đích này, giá cước vận chuyển khí đốt cho người tiêu dùng trong nước đã được tăng lên.
Ông Volodymyr Omelchenko, Giám đốc chương trình năng lượng tại Trung tâm Razumkov cho biết, việc tăng giá sẽ không ảnh hưởng đến người dân mà chỉ dành cho doanh nghiệp. Nhưng ngay cả đối với họ, mức tăng thuế quan cũng không đáng kể.
Quan chức trên lưu ý rằng, hậu quả tiêu cực của việc chấm dứt quá cảnh có thể là tình trạng thiếu khí đốt ở Ukraine vào cuối mùa Đông, tuy nhiên, ông không dự đoán bất kỳ vấn đề nào đối với châu Âu. Các cơ sở lưu trữ khí đốt ở lục địa này đã gần đầy vào đầu mùa rét năm 2024.
Hầu như tất cả các nước EU đã tìm ra những cách thay thế để tự cung cấp nguồn năng lượng. Ông Omelchenko cho biết, Slovakia cuối cùng cũng có thể tự tìm được khí đốt cho mình khi chính phủ đã xây dựng một gói hợp đồng.
Tuy nhiên, Moldova có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Cho đến nay, nhà máy điện nhà nước Moldova, vốn hoạt động nhờ khí đốt của Nga, đã dự trữ than và dầu. Chisinau cũng dự trữ khí đốt trong nhiều tháng và hy vọng Romania sẽ giúp cung cấp điện.
Đối với triển vọng của hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, khá khó để đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Nhưng trong mọi trường hợp, vẫn còn quá sớm để loại bỏ. Hệ thống GTS đã và vẫn là một tuyến cung cấp khí đốt khá có lợi nhuận, và trong tương lai, hệ thống này có thể được sử dụng trở lại.
| Ukraine quyết cắt đường ống Nga, 'bao thầu' khí đốt và đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu Công ty DTEK xác nhận lô hàng khoảng 100 triệu m3 khí đốt là chuyến hàng đầu tiên của Mỹ đến Ukraine. |
| Nga vừa ngừng bơm khí đốt qua Ukraine, châu Âu đã đón tin xấu, Kiev có bước đi khiến ngành công nghiệp 'đau đớn' Ngay đầu tiên của năm 2025, hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine chính thức hết hạn. Diễn biến này báo hiệu ... |
| Giá tiêu hôm nay 2/1/2025: Giá tăng gần 3 lần từ thời điểm chạm đáy, nông dân phấn khởi, nhiều kỳ vọng vào vụ mùa 2025 bội thu Giá tiêu hôm nay 2/1/2025 tại thị trường trong nước nhích nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 146.500 - 147.000 ... |
| Bất động sản: Giá địa ốc dễ tăng khó giảm, dự báo 2 kịch bản thị trường năm 2025, bảng giá đất mới ở Hà Nội sẽ có tác động dây chuyền Giá nhà đất khó giảm, chuyên gia dự báo 2 kịch bản thị trường năm 2025, bảng giá đất mới ở Hà Nội sẽ có ... |
| Truyền thông quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế và thương mại điện tử Việt Nam 2025 Sự trỗi dậy của thương mại xã hội, thanh toán kỹ thuật số và thương mại xuyên biên giới đã định vị Việt Nam là ... |