📞

Bầu cử Nghị viện châu Âu 2019: Tương lai chung, quyền lợi riêng

Cẩm Yến 09:06 | 24/05/2019
Giữa những bất ổn và chia rẽ trong nội bộ, kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu được nhận định sẽ tác động đến các chính sách cũng như xu hướng chính trị trong thời gian tới của khu vực từng được coi là ổn định và phát triển bậc nhất thế giới. 
Cuộc bầu cử có quy mô lớn thứ hai thế giới sẽ diễn ra từ ngày 23 - 26/5 tại 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu ÂU (EU). (Nguồn: Project Syndicate)

Bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra tại 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 23-26/5 là cuộc bầu cử có quy mô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau bầu cử tại Ấn Độ. Các cử tri thuộc châu lục sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 751 thành viên của EP hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ 2/7/2019.

Bóng đen của dân túy

Trước thềm bầu cử Nghị viện, “châu Âu đoàn kết” là cụm từ được các nhà lãnh đạo liên minh kinh tế - chính trị này nhắc đến nhiều nhất kể từ năm 1957, năm khai sinh tổ chức này. Song, ba xu hướng - duy trì, ly khai hay phá bỏ liên minh – đang là thách thức sống còn đối với tinh thần “đoàn kết nội khối” được các nhà kiến trúc châu Âu dày công xây dựng trong khái niệm ngôi nhà chung châu Âu. Trong một thế giới đổi thay đến chóng mặt và đầy rẫy bất ổn hiện nay, năm bầu cử 2019 sẽ phô bày rõ nét bức tranh chính trị chung của EU cũng như của từng quốc gia thành viên.

Thêm vào đó, lục địa châu Âu đang bị bao phủ bởi bóng đen của chủ nghĩa dân túy, bị chia rẽ sâu sắc bởi các đảng dân tộc chủ nghĩa, dân tuý, cực đoan cánh hữu có lợi ích cục bộ và cách tiếp cận chính trị rất khác biệt. Sau khi được cử tri bầu, phần lớn các nghị sĩ châu Âu sẽ gia nhập các nhóm theo quan điểm chính trị, từ đảng cực hữu Các quốc gia và tự do châu Âu của bà Marine Le Pen (Pháp) tới liên minh cực tả của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ba nhóm chính trị lớn tại EP là đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, nhóm Xã hội chủ nghĩa và Dân chủ, và nhóm châu Âu Tự do và Dân chủ Trực tiếp đại diện cho ba xu thế trung hữu – trung tả, dân tuý và bài châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, sự xuất hiện của làn sóng dân túy tại cuộc bầu cử EP sẽ tạo nên bước đột phá quan trọng, và có nguy cơ trở thành một trong ba nhóm chính trị lớn nhất tại EP. Nếu điều này thành hiện thực, chính trường EU sẽ chịu tác động rất lớn, khi các đảng dân tuý, cực hữu, mà đại diện tiêu biểu nhất là Liên đoàn phương Bắc tại Italy, Tập hợp quốc gia tại Pháp, hay đảng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban… đều là các đảng mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và chống châu Âu. Khi đó, đại diện đến từ các đảng này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cản trở trong tiến trình xây dựng thể chế, cũng như thúc đẩy việc ra đời nhiều chính sách cực đoan.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, các đảng trung hữu và trung tả, vốn chi phối EP kể từ khóa đầu tiên năm 1979, sẽ mất đa số ghế trong cơ quan lập pháp quyền lực nhất EU này. Do đó, cuộc bầu cử 2019 được coi là phép thử đối với các đảng truyền thống đang nắm quyền tại các nước EU. Nếu các đảng dân tuý cực hữu thắng lớn, đây thực sự sẽ là thách thức rất lớn đối với ngôi nhà chung châu Âu mà Brussels dày công gây dựng.

Tìm ra lối thoát

Hiện nay cuộc vận động tranh cử đã đi vào giai đoạn nước rút, lá phiếu của 400 triệu cử tri châu Âu được cho là sẽ quyết định đến tương lai và vận mệnh chung của chính trường châu lục.

Không khó để nhận ra sự gắn kết lỏng lẻo giữa cử tri châu Âu với việc chọn ra 751 nghị sĩ đại diện cho họ ở 28 nước EU. Trong số 500 triệu dân châu Âu, mối quan tâm thực sự đến cuộc bầu cử này không cao, dẫn đến khả năng tỉ lệ cử tri đi bầu rất thấp, chỉ vào khoảng 20-25%. Một lần nữa, đây được cho là cơ hội cho các lực lượng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa thăng tiến. Do đó, cuộc bầu cử Nghị viện khối lần này không chỉ là thử thách các đảng truyền thống tại EU, mà còn quyết định chiều hướng chính trị của EU trong 5 năm tới.

Ở mỗi giai đoạn phát triển, châu Âu luôn phải xác định tầm nhìn đặc thù cho toàn khối. Nếu như năm 1957, mục tiêu chính của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU, là bảo đảm sự hòa giải Pháp-Đức, thì trong thời kỳ hậu Xô Viết, liên minh này lại hướng tới hỗ trợ các quốc gia thành viên mới trong phát triển kinh tế và chính trị, và duy trì hòa bình, ổn định của lục địa bằng cách thu nạp các nước Trung và Đông Âu vào EU.

Tuy mục tiêu khác nhau, song những giá trị cơ bản về liên minh chính trị, mô hình hội nhập của EU vẫn luôn được duy trì. Trong bối cảnh các đầu tàu của khu vực là cặp Pháp-Đức và Anh vẫn đang đau đầu giải quyết các vấn đề nội bộ “rối như tơ vò”, liên quan đến định hình mối quan hệ hậu “li hôn” - Brexit, hay phong trào “Áo vàng” bước sang tuần bất ổn thứ 26 liên tiếp tại Paris, việc bảo vệ sự đoàn kết trong liên minh kinh tế - chính trị này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Quan trọng hơn, bên cạnh việc đối phó với những thách thức, bao gồm áp lực di cư, khủng bố leo thang và khủng hoảng kinh tế, EP cũng cần xác định nhiệm vụ chiến lược trong 5 năm tới, trong đó có thực hiện tham vọng về vị thế lãnh đạo toàn cầu, định hình quan hệ Anh - EU hậu Brexit, cài đặt lại quan hệ với Mỹ, hay tìm ra hướng đi để tránh trở thành “sân chơi” của những người chơi lớn như Nga và Trung Quốc.

Không phải đến lúc này EU mới đề cao mục tiêu đoàn kết, song trong bối cảnh liên minh này rối bời trong nhiều vấn đề bất đồng, lời khẳng định sẽ xây dựng châu Âu thống nhất sẽ càng ý nghĩa. Đoàn kết là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay, khi mà chia rẽ và xu hướng ly tâm vẫn là yếu huyệt chí mạng của liên minh trên “lục địa già cỗi” châu Âu này.