Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tin tưởng rằng nước này có thể tạo được đột phá trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của mình. (Nguồn: The Kyiv Independent) |
Trong bối cảnh EU đang đổi thay, từ quan điểm về cuộc xung đột Nga - Ukraine đến ứng phó với sự trở lại của ông Donald Trump ở nước Mỹ thì việc Ba Lan bắt đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên hứa hẹn sẽ mang lại cả những lợi thế và thách thức lớn cho Warsaw. Trước khi ngồi vào ghế nóng, bắt đầu từ 1/1, Ban Lan đã thể hiện mong muốn tận dụng cơ hội này để định hình chương trình nghị sự và tạo ảnh hưởng đáng kể đến các ưu tiên của liên minh.
Tin liên quan |
Mong nhanh chóng gia nhập EU, Ukraine gửi gắm kỳ vọng vào Ba Lan |
Ưu tiên tạo gió mới
Phát biểu họp báo ở thủ đô Warsaw hồi giữa tháng 12/2024, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tin tưởng rằng nước này có thể tạo được đột phá trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, với các ưu tiên trong chương trình nghị sự gồm các vấn đề an ninh, năng lượng và năng lực cạnh tranh của EU.
Với những gì đang diễn ra ở quốc gia láng giềng Ukraine, không có gì ngạc nhiên khi an ninh và quốc phòng là nền tảng trong chương trình nghị sự được Warsaw vạch ra. Ba Lan được đánh giá có khả năng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên và thiết lập các cơ chế mạnh mẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp và các cuộc tấn công mạng.
Có lực lượng quân sự lớn thứ ba trong NATO, chỉ sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan có đủ động lực để đẩy mạnh các sáng kiến chung về quốc phòng của EU, vận động đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ triển khai nhanh chóng quân đội và thiết bị trên khắp châu Âu. Đặc biệt Ba Lan sẽ thể hiện rõ vai trò của một trong những quốc gia đi đầu hỗ trợ Kiev, cả về quân sự và nhân đạo, đồng thời tăng cường khả năng điều phối trong toàn EU và NATO.
Về năng lượng, Warsaw tuyên bố sẽ ưu tiên tập trung tìm các biện pháp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong khi cân bằng nhu cầu chuyển đổi xanh. Vốn phụ thuộc vào than đá, Ba Lan có thể sẽ ủng hộ một cách tiếp cận thực tế và từng bước để đạt được trung hòa carbon. Các mục tiêu chính mà Ba Lan đưa ra cho mục tiêu này gồm: tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng; thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và hợp tác khu vực; đảm bảo tiếp cận công bằng với các nguồn năng lượng giữa các nước thành viên EU; đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh bằng việc tận dụng các quỹ của EU cho các giải pháp năng lượng sạch hơn, đặc biệt là năng lượng hydro và năng lượng gió.
Ba Lan có thể sẽ ưu tiên các biện pháp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối để tăng cường năng lực cạnh tranh của EU. Các đề xuất chính của Warsaw cho chương trình nghị sự nhiều khả năng hướng đến “tái công nghiệp hóa” EU thông qua việc hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược châu Âu phục hồi nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy các sáng kiến như “Chiến lược số của châu Âu” để tăng cường khả năng cạnh tranh; tạo điều kiện tiếp cận tài chính và đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở Đông Âu.
Bên cạnh đó, với vị trí nằm ở khu vực Trung và Đông Âu, Ba Lan được coi là trung tâm của các nỗ lực thu hẹp khoảng cách về kinh tế và hạ tầng giữa các khu vực của EU. Warsaw có thể vận động các chính sách gắn kết chặt chẽ hơn để giải quyết tình trạng chênh lệch, thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như Đường sắt Baltica, hỗ trợ hội nhập Tây Balkan vào khuôn khổ EU. Trong khi đó, là quốc gia “biên giới” của EU, Ba Lan sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường các chính sách quản lý nhập cư và biên giới của liên minh như tăng cường năng lực của Cơ quan bảo vệ biên giới của EU (Frontex), ủng hộ một cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề nhập cư có tính đến các mối quan tâm về an ninh và nhân đạo, khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng phân bổ công bằng hơn các trách nhiệm trong vấn đề tiếp nhận người tị nạn.
Không chỉ trải hoa hồng
Nằm ở “ngã tư” chiến lược nối giữa Đông Âu và Tây Âu đã mang lại cho Ba Lan góc nhìn độc đáo về các vấn đề quan trọng của khu vực. Trong bối cảnh các quốc gia thành viên chủ chốt của EU ở phía Tây như Đức và Pháp đang phải đối mặt cùng lúc với hàng loạt khó khăn về chính trị và kinh tế, Warsaw có đầy đủ lợi thế để thể hiện vai trò lãnh đạo khi giữ ghế Chủ tịch luân phiên EU.
Sau nhiệm kỳ 6 tháng được cho là “hỗn loạn” của Hungary, Ba Lan được kỳ vọng tạo ra sự khởi đầu tốt hơn để bảo vệ các ưu tiên của EU. Bất chấp những "cơn gió ngược" thổi vào nền kinh tế toàn cầu, Ba Lan vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong những năm qua.
Kinh nghiệm của Ba Lan trong việc quản lý khả năng phục hồi kinh tế có thể cung cấp thông tin cho các chiến lược phục hồi trên toàn EU. Ngoài ra, sự tham gia tích cực của Warsaw vào các sáng kiến như Sáng kiến Ba Biển nhấn mạnh cam kết của nước này đối với sự phát triển khu vực. Ba Lan cũng là một trong những nước đi đầu ủng hộ Ukraine. Vai trò lãnh đạo sẽ cho phép Ba Lan củng cố và tăng cường những nỗ lực này, thu hút thêm nhiều sự góp sức từ các quốc gia thành viên, không chỉ trong lĩnh vực viện trợ quân sự mà có thể mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế, nhân đạo, tái thiết.
Ở trong nước, theo khảo sát của Eurobarometer cho thấy chính phủ và các nhà lãnh đạo Ba Lan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, với hơn 80% người Ba Lan có quan điểm tích cực về tư cách thành viên EU. Điều này sẽ giúp Warsaw tự tin và tạo dựng cơ sở đồng thuận vững chắc để đề xuất và triển khai các sáng kiến của mình trong nhiệm kỳ 6 tháng tới.
Theo Global Europe, những sáng kiến của Ba Lan như đảm bảo tài chính cho “Lá chắn phía Đông” và ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, củng cố sự hỗ trợ của EU đối với Ukraine, đẩy nhanh quá trình mở rộng EU, áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga và làm sâu sắc thêm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có sự cộng hưởng với những tính toán lâu dài của Ba Lan, phù hợp với sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa thực dụng. Động lực từ cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Ba Lan này có thể chính là điều mà EU cần để điều hướng tình hình chính trị toàn cầu hỗn loạn và làm chủ quá trình chuyển đổi địa chính trị.
Thế nhưng, mặc dù được cho là có nhiều lợi thế như vậy, nhưng Warsaw cũng đối mặt với không ít thách thức khi ngồi vào vị trí ghế nóng Chủ tịch luân phiên EU. Bài toán đầu tiên mà Warsaw cần phải tìm lời giải chính là sự chia rẽ nội bộ trong liên minh, nhất là về các vấn đề di cư, pháp quyền và chính sách tài khóa. Ba Lan sẽ cần phải hành động như một bên trung gian, cân bằng lợi ích của các quốc gia thành viên đa dạng trong khi thúc đẩy các ưu tiên của riêng mình.
Bên cạnh đó, Ba Lan bị xem như một “kẻ nổi loạn” dưới thời đảng Pháp luật và Công lý (PiS) nắm quyền. Những tranh chấp giữa Ba Lan với Uỷ ban châu Âu (EC) về cải cách tư pháp và các mối quan tâm về pháp quyền vẫn đang tiếp diễn và có thể làm suy yếu uy tín của Warsaw. EC đã phong tỏa hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi dành cho Ba Lan với lý do nhận thấy có hành vi vi phạm luật pháp EU. Nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát và biến động giá năng lượng, cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy các chính sách đầy tham vọng của Ba Lan. Thêm nữa, sự phụ thuộc của Ba Lan vào than cũng có thể dẫn đến căng thẳng với các quốc gia thành viên ủng hộ các biện pháp khí hậu tích cực hơn. Trong khi đó, với tư cách là quốc gia ở “tuyến đầu”, Ba Lan phải đối mặt với áp lực trực tiếp từ làn sóng nhập cư bất hợp pháp và an ninh biên giới, gây khó khăn không nhỏ cho các nỗ lực cân bằng lợi ích quốc gia với các chính sách di cư rộng hơn của EU.
Ở bên ngoài EU, sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump ở nước Mỹ vào ngày 20/1 này với chính sách "nước Mỹ trước hết" được dự báo sẽ khiến châu Âu có nguy cơ đối mặt với nhiều bất ổn và phân mảnh hơn. Tuy nhiên, đây cũng vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội của Ba Lan bởi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với Ba Lan, đặc biệt với Tổng thống Andrzej Duda. Theo giới phân tích, thông qua Ba Lan, có thể mở ra một con đường để EU và Mỹ thúc đẩy lợi ích chung, một nguồn lực mà châu Âu cần tận dụng để duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ.
Với bức tranh nhiều những gam màu sáng tối đan xen, cả trong nước, khu vực và nhiều điểm nóng xung đột mà EU có can hệ, việc Warsaw có tận dụng được những lợi thế để giải được những bài toán khó cho EU trong 6 tháng Chủ tịch luân phiên để củng cố vị thế là điều rất khó để có câu trả lời xác đáng.
| EU tính kế táo bạo hơn ở Ukraine, Hungary thẳng tay chặn đứng, nói phương Tây 'liều lĩnh' rồi sẽ nhận ra sai lầm Ngày 2/10, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố, nước này đã chặn một kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ ... |
| Anh từ bỏ chức Chủ tịch luân phiên EU năm 2017 Thông tin trên được Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ngày 20/7. |
| Ireland, Áo hoan nghênh thỏa thuận mới về Brexit của Chính phủ Anh Thủ tướng hai nước Ireland và Áo đã hoan nghênh việc các thành viên Chính phủ Anh nhất trí với thỏa thuận mới, tạo cơ ... |
| Chủ tịch luân phiên EU: Thách thức chờ nước Đức TGVN. Liệu sự trở lại của nước Đức trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU sau 13 năm có giúp đưa châu Âu vượt ... |
| Nhiệm kỳ 'khó nhằn' của Hungary ở EU, lo lắng không của riêng ai... Dù nhiệm kỳ Chủ tịch luôn phiên của Liên minh châu Âu (EU) chỉ kéo dài 6 tháng nhưng việc Hungary đảm nhiệm vị trí ... |