📞

Bầu cử Pháp: Đảng FN thất bại nhưng sẽ không gục ngã

20:04 | 14/12/2015
Ngày 13/12, tại cuộc bầu cử địa phương vòng hai của Pháp, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen đã không chiến thắng ở bất kỳ vùng nào, trong khi trước đó giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng một, hôm 6/12. Tuy nhiên, tạp chí The Economist đánh giá thất bại này sẽ không làm đảng FN gục ngã và không loại trừ khả năng họ sẽ còn trở lại mạnh mẽ hơn.
Bà Marine Le Pen thừa nhận thất bại nhưng khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu. (Nguồn: AFP)

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại cuộc bầu cử lần này, đảng Những người Cộng hòa (LR) của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã về nhất với chiến thắng tại 7/13 khu vực bầu cử. Nằm ở vị trí thứ hai là đảng Xã hội (PS), do Tổng thống Francois Hollande đứng đầu, giành thắng lợi tại 5 khu vực. Trong khi đó, đảng cánh hữu FN – “quán quân” trong cuộc bầu cử vòng một của bà Le Pen lại không thể ghi được bất kì bàn thắng nào trong tổng số 13 vùng nước Pháp.

Sự thức tỉnh của LR và PS

Sau chiến thắng bất ngờ cách đây một tuần, đảng FN - vốn được xem chỉ nằm “vòng ngoài” - đã chứng tỏ khả năng có thể vượt lên tranh giành quyền lực với các đảng trung hữu LR và đảng cánh tả PS. Với kết quả giành được hơn 28% số phiếu ủng hộ và dẫn đầu tại 6/13 khu vực ở Pháp, FN đã tiếm ngôi quán quân tại vòng bầu cử đầu tiên, trong khi đảng LR và đảng PS chỉ lần lượt xếp thứ hai và thứ ba.

Các cuộc bầu cử địa phương năm nay được xem như những đợt “sát hạch” của các ứng viên thuộc ba đảng trước thềm tổng tuyển cử để bầu Tổng thống Pháp, sẽ diễn ra vào năm 2017. Bởi vậy, kết quả tại vòng một thực sự đã trở thành một bàn đạp giúp bà Le Pen khẳng định mình là một đối thủ nặng kí trong cuộc chạy đua tới chiếc ghế Tổng thống Pháp sắp tới, đồng thời khiến những đảng vốn nằm ở “chiếu trên” như LR và PS phải xem lại mình.

Chính vì vậy, tại cuộc bầu cử vòng hai này, các đảng LR và PS đã liên minh với các đảng cánh hữu và cánh tả bằng cách hợp nhất danh sách ứng cử viên và tích cực vận động các cử tri “ruột” đi bỏ phiếu nhằm ngăn chặn chiến thắng kép của đảng FN. Chiến lược liên kết này của các đảng chính bị bà Le Pen chỉ trích là “một chiến dịch gian dối và lừa gạt” nhằm chia rẽ sự ủng hộ của các cử tri dành cho FN.

Thống kê cho thấy, trong cuộc bầu cử lần này, bà Le Pen đã không tận dụng được lợi thế dẫn đầu của mình tại khu vực phía Bắc Nord-Pas-de-Calais-Picardie khi chỉ giành khoảng 42,8% số phiếu và để thua trước ứng viên đảng Cộng hòa là cựu Bộ trưởng Lao động và Việc làm Xavier Bertrand với 57,2% số phiếu. Trong khi cháu gái của bà là Marion Marechal-Le Pen tranh cử tại khu vực Provence-Alpes-Cote d'Azur ở miền Nam chiếm 46% số phiếu, so với 54% của đối thủ là cựu Bộ trưởng Christian Estrosi thuộc đảng Cộng hòa.

Mỗi bên một suy tính

Từ kết quả của vòng bầu cử thứ hai, có thể thấy rõ “sức khỏe” của mỗi chính đảng tại Pháp hiện nay ra sao và có lẽ mỗi đảng đã rút ra được những bài học cho riêng mình, cũng như bắt đầu phải tính toán chiến lược tranh cử tiếp theo để vượt lên đối thủ.

Đầu tiên, phải kể đến chiến lược của đảng cánh tả PS trong việc chống lại sự vươn lên của phe cánh hữu đã thành công. Thủ tướng Pháp Manuel Valls, người thuộc đảng này, đã ra lệnh cho các ứng cử viên rút lui tại 3 khu vực. Với chiến thuật này, ông Valls đã chuyển giao số phiếu của đảng mình tại các khu vực này cho đảng trung hữu LR vì lo sợ rằng “nội chiến” giữa hai đảng sẽ tạo cơ hội cho FN giành chiến thắng.

Chiến thuật này của Thủ tướng Pháp đã gây hoang mang cho những người ủng hộ phe cánh tả và họ buộc phải lựa chọn giữa việc không bỏ phiếu hoặc đi bỏ phiếu cho phe trung hữu để ngăn chặn đảng đối lập FN. Không giống như ở nhiều nước lục địa châu Âu, lâu nay, chính trị của Pháp vẫn luôn tồn tại sự đối đầu giữa cánh tả và cánh hữu. Bởi vậy, Thủ tướng Valls đã dùng mâu thuẫn xưa nay này để dàn xếp tỉ số, ngăn chặn sự vươn lên của đảng FN trong tương lai.

Mặt khác, kết quả nổi bật này cũng chứng minh một điều chắc chắn rằng, Tổng thống François Hollande sẽ tiếp tục tranh cử một lần nữa trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo vào năm 2017. Trước khi vụ tấn công khủng bố Paris xảy ra vào ngày 13/11, ông Hollande được đánh giá là Tổng thống không được lòng dân nhất kể từ khi nước Cộng hòa Pháp được thành lập vào năm 1958. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố, sự thay đổi ngoạn mục và cứng rắn hơn trong các hoạt động chống khủng bố nói riêng và những thách thức an ninh phi truyền thống nói chung khiến hình ảnh của Tổng thống Hollande được cải thiện nhiều hơn. Đặc biệt phải kể đến vai trò người đứng đầu nước chủ nhà của ông trong việc thúc đẩy đàm phán thành công Thỏa thuận Paris vừa đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) hôm 12/12.

Hai là, chiến thắng của đảng trung hữu LR tại các khu vực xung quanh Paris với những lá phiếu giành được từ đảng cánh tả PS. Đối lập với kết quả tổng thể, đảng này đang đứng trước nhiều thách thức. Một số ý kiến cho rằng, chiến thắng này của LR chỉ có được nhờ sự thỏa thuận nhường phiếu từ phe cánh tả. Một chiến thắng không bằng thực lực khiến nhiều người hoài nghi, lo ngại về khả năng dẫn dắt đảng LR cũng như khả năng một lần nữa giành ghế Tổng thống của ông Sarkozy.

Cuối cùng, sự vụt sáng rồi bị dập tắt của đảng cực hữu FN có thể đã khiến bà Le Pen thất vọng tạm thời. Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, bà Le Pen đã lên án rằng “có những chiến thắng lại khiến kẻ chiến thắng phải xấu hổ”. Với lý lẽ này, bà Le Pen có thể mang vai trò một “nạn nhân” để chiến đấu giành “lẽ phải” một cách thuyết phục hơn trong tương lai. Nhất là đối với một nữ chính trị gia với những ngôn từ cứng rắn và thuyết phục, thất bại này không những không thể hạ gục bà mà thậm chí có thể trở thành bàn đạp giúp bà Le Pen xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân Pháp cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2017.

Ngay cả Thủ tướng Manuel Valls, thuộc phe cánh tả, cũng công nhận điều này khi ông tỏ ra không mấy lạc quan với chiến thắng hiện tại.

“Chúng ta chưa thể hân hoan chiến thắng. Sự nguy hiểm của đảng cực hữu vẫn chưa chấm dứt và tôi sẽ không quên những kết quả của vòng đầu tiên”, ông Manuel Valls cảnh báo.

Nhìn từ bên ngoài, có thể đảng FN của bà Le Pen đã thua trận này nhưng sự gia tăng ảnh hưởng chính trị bên trong của họ đã vươn xa hơn rất nhiều.

Trang Trần (theo The Economist)