📞

Bầu cử Quốc hội Lebanon lần đầu tiên sau 9 năm

10:59 | 06/05/2018
Ngày 6/5, cử tri Lebanon đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế cũng như các thách thức khu vực.

Các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước Lebanon mở cửa vào lúc 7 giờ sáng 6/5 theo giờ địa phương (tức 11 giờ trưa 6/5 theo giờ Hà Nội) và dự kiến đóng cửa vào 19 giờ tối cùng ngày. Hơn 3,6 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 128 nghị sĩ quốc hội từ 583 ứng cử viên. Số ghế trong quốc hội sẽ được chia đều giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Cuộc bầu cử được tổ chức theo luật bầu cử mới, được thông qua vào tháng 6/2017 sau nhiều năm tranh cãi. Hệ thống bầu cử mới đã giảm số khu vực bầu cử từ 26 xuống còn 15 khu vực. Luật mới cũng thay thế hệ thống đa số hiện hành bằng hệ thống đại diện theo tỷ lệ, qua đó làm tăng tính "đa dạng giáo phái" của các nghị sĩ trong mỗi khu vực.

Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội Lebanon, ngày 5/5. (Nguồn: AP)

Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên trong vòng 9 năm qua. Quốc hội hiện nay được bầu vào năm 2009. Kể từ đó, các thành viên quốc hội đã 3 lần hoãn cuộc bầu cử vào các năm 2013, 2014 và 2017, do lo ngại về những "hiệu ứng tràn" từ cuộc khủng hoảng Syria.

Quốc hội hiện nay của Lebanon có hơn 20 đảng chính trị khác nhau, trong đó đảng lớn nhất là Phong trào Tương lai do Thủ tướng Saad al-Hariri đứng đầu, tiếp đến là Phong trào Yêu nước tự do của Tổng thống Michel Aoun, Phong trào Amal của Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri và Phong trào kháng chiến Hezbollah.

Liên minh chống Hezbollah do ông Saad al-Hariri dẫn đầu và được Saudi Arabia hậu thuẫn đã giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2009, song liên minh này hiện đã tan rã. Giới phân tích nhận định Hezbollah và các đồng minh có thể giành được hơn nửa số ghế trong quốc hội nhiệm kỳ mới. Phong trào kháng chiến Hồi giáo này đã giữ vai trò then chốt trong các chiến dịch chống khủng bố của Lebanon trong những năm qua.

Theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các phe phái tại Lebanon, thủ tướng Lebanon phải là người Hồi giáo theo dòng Sunni, tổng thống là người thuộc cộng đồng Thiên chúa giáo dòng Maronite và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite.

 

(theo AP)