Tổng thống Emmanuel Macron bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ngày 12/6 tại Paris. (Nguồn: AP) |
Sau khi kiểm hơn 90% phiếu bầu, bộ trên cho biết, liên minh “Cùng nhau!” đã giành được 25,37% phiếu bầu, trong khi liên minh NUPES có 24,31% số phiếu, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đứng thứ 3 với 19,9% số phiếu, đảng Những người Cộng hòa giành được 10,58% phiếu bầu.
Tính đến 17h00 cùng ngày (theo giờ địa phương), tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 39,42%, thấp hơn so với 4 cuộc bầu cử quốc hội trước đó.
Cuộc bầu cử diễn ra theo hai vòng trong 2 ngày Chủ Nhật liên tiếp, với 6.293 ứng cử viên chạy đua vào 577 ghế trong Hạ viện Pháp.
Theo danh sách tranh cử đã được thông qua, cuộc bầu cử lần này là sự cạnh tranh quyết liệt giữa 5 lực lượng chính trị lớn của nước Pháp, bao gồm các đảng phái từng gây nhiều bất ngờ trong hai vòng bầu cử tổng thống vừa qua.
Tại cuộc bầu cử lần này, phe đa số ủng hộ liên minh “Cùng nhau!” của Tổng thống Macron sẽ cạnh tranh với các ứng cử viên thuộc đảng RN của bà Marine Le Pen; liên minh cánh tả NUPES của ông Mélenchon; đảng Những người Cộng hòa và các đồng minh cánh hữu của ông Christian Jacob và đảng Tái chinh phục theo đường lối cực hữu của chính trị gia Eric Zemmour.
Kết quả bầu cử sẽ quyết định màu sắc chính trị của Quốc hội Pháp trong những năm tới. Sau khi tái đắc cử, mục tiêu của Tổng thống Macron là giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội, tức là tối thiểu phải giành được 289 ghế, để có thể dễ dàng thực thi các dự án cải cách của ông.
Tuy nhiên, các thăm dò dư luận được tiến hành trước bầu cử vòng một cho thấy Tổng thống Pháp không dễ dàng đạt được mục tiêu này.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Viện Ipsos-Sopra Steria, liên minh “Cùng nhau!” gồm các đảng ủng hộ Tổng thống Macron có thể giành được 28% số phiếu bầu tại vòng một so với 27% của liên minh NUPES.
Đứng ngay sau hai liên minh này là đảng RN với 19,5%. Về vị trí thứ 4 là đảng Những người Cộng hòa và các đồng minh với 11,5%.
Các kết quả khảo sát khác cho thấy, hai lực lượng dẫn đầu, gồm phe ủng hộ Tổng thống Macron và liên minh cánh tả NUPES, đều giành được số phiếu xấp xỉ nhau, có nghĩa là giả thuyết Tổng thống Macron không đạt được đa số phiếu tuyệt đối có thể xảy ra.
Bầu cử Quốc hội hay Hạ viện Pháp được tiến hành theo thể thức phổ thông đầu phiếu và hai vòng. Tại vòng một, nếu ứng viên nào đạt trên 50% phiếu bầu và tương đương tối thiểu 25% số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử đó sẽ trúng cử ngay.
Nếu không có ứng cử viên nào trúng cử ngay vòng một thì hai ứng cử viên về đầu sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai. Ngoài ra, bất cứ ứng cử viên nào giành được hơn 12,5% số phiếu tính theo số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử cũng sẽ được vào vòng hai, diễn ra vào ngày Chủ Nhật 19/6 tới.