Ủy ban Bầu cử quốc gia Afghanistan (IEC). |
Theo kết quả thăm dò dư luận trước bầu cử, người nhiều khả năng dẫn đầu vẫn là đương kim Tổng thống Hamid Karzai và người về thứ 2 là Cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah. Tuy nhiên, thăm dò sau bầu cử cũng cho thấy ông Karzai chỉ có thể giành tối đa 45% phiếu bầu và có khả năng Afghanistan sẽ phải tiến hành bầu cử vòng 2 vì không ứng viên nào đạt được trên 50% số phiếu bầu. Hiện cả 2 ứng viên nặng ký nhất này đều tuyên bố thắng cử.
Gần 17 triệu cử tri Afghanistan ngày 20/8 đã tới các địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân của mình giữa vòng vây an ninh dày đặc và những cuộc tấn công đẫm máu của Taliban. Bất chấp một lực lượng khổng lồ cùng những phương án đã được dự liệu rất kỹ lưỡng của chính quyền Afganistan và lực lượng bảo đảm an ninh quốc tế ISAF nhằm đối phó với sự chống phá của Taliban, ngày bầu cử tại Afganistan vẫn diễn ra trong tiếng súng không ngớt. Càng gần ngày bầu cử, Taliban càng ráo riết tiến hành các vụ tấn công táo tợn ngay tại thủ đô Kabul.
Theo giới quan sát, hiện nay ông Karzai đang được các nước phương Tây ủng hộ mặc dù bị coi là “người gây mất an ninh nghiêm trọng tại Afganistan” vì chưa thể tìm kiếm được một nhân vật khả dĩ nào để thay thế. Chính vì vậy, bất chấp phản ứng từ phe đối lập và những cáo buộc về gian lận bầu cử, cho dù có phải tiến hành thêm một vòng bầu cử nữa thì ông Hamid Karzai gần như chắc chắn sẽ tái cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Quan trọng hơn, cử tri Afghanistan hầu như không mấy tin tưởng vào kết quả bầu cử và cho đây chỉ là là sự “dân chủ giả tạo”, không dành cho họ, thế nên ai làm Tổng thống cũng chỉ là một tủ kính trưng bày những “thành tựu” của phương Tây trong 8 năm hiện diện ở nước này.
Trong lịch sử Afghanistan, chính quyền trung ương chưa khi nào kiểm soát được toàn bộ đất nước, ngay cả dưới thời Taliban. Thực quyền nằm trong tay những người đứng đầu các bộ lạc hay các thủ lĩnh phiến quân khu vực. Những vụ tấn công táo bạo của Taliban ngày càng ngang nhiên, thậm chí ngay tại nơi được bảo vệ cẩn mật nhất ở thủ đô Kabul vừa qua cho thấy sự hiện diện của hơn 300.000 quân NATO và quân Chính phủ Afghanistan dường như không có tác dụng đảm bảo an ninh
Sau 8 năm, các nhà lãnh đạo phương Tây cay đắng nhận ra rằng chỉ tiến hành các hoạt động chống nổi dậy không thôi là không đủ để giải quyết vấn đề và cách duy nhất là hòa giải với Taliban. Theo báo Asia Times ngày 22/8, Chính phủ Afghanistan đã đồng ý tiếp xúc với nhóm Taliban, tiến trình đàm phán với một số thành viên Taliban đã được thực hiện. Các cuộc đàm phán nói trên đã được xúc tiến vài tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử ngày 20/8 vừa qua và được coi là giai đoạn đầu của cái gọi là “7 bước để hướng tới tiến trình hòa giải”. Nhiều biện pháp đã được sử dụng để “kích hoạt” tiến trình này, với sự tham gia của các quan chức cấp cao Mỹ, chỉ huy quân sự và Chính phủ Afghanistan, trong đó có sự góp mặt của ba cựu thủ lĩnh Taliban là Abdul Salam Zaeef, Abdul Wakeel Mittawakil và Thượng nghị sỹ Moulvi Arsala Rehami, nhà đàm phán then chốt của Chính quyền Afghanistan và vốn là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo dưới thời Taliban. Ông Rehami cho rằng trở ngại duy nhất đối với tiến trình này chính là thủ lĩnh Taliban Mullah Omar, người từng bắn tin rằng những cuộc đàm phán như vậy là không khả thi. Tuy nhiên, ông Rehami cũng cảnh báo “sẽ là sai lầm nếu coi thông điệp của Mullah Omar là dấu hiệu chấm dứt đàm phán”.
Thế nhưng, điều trớ trêu là mới đây Tổng thống Mỹ Obama đã hạ quyết tâm phải giành được thắng lợi quân sự đối với Taliban và al-Qaeda bằng cách tiếp tục tăng quân tới Afghanistan. Xem ra triển vọng các cuộc đàm phán kiểu này không tươi sáng cho lắm. Nếu Mỹ và đồng minh vẫn cố thực hiện chiến lược cũ đã thất bại, Taliban sẽ tiếp tục lớn mạnh thêm.
Trần Lợi
Để quấy nhiễu bầu cử, sau các vụ đọ súng, ngày 18/8 Taliban phóng tên lửa trúng Dinh Tổng thống và thực hiện các vụ tấn công nhằm vào trụ sở NATO và một số văn phòng làm việc của LHQ khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Chỉ một ngày trước ngày bầu cử, một loạt vụ nổ diễn ra tại trung tâm thủ đô. Theo các nguồn tin, giao tranh diễn ra trên 1/3 lãnh thổ Afghanistan. Chính ông Karzai phải thừa nhận “các phần tử khủng bố” đã thực hiện trên 70 vụ tấn công tại 15 tỉnh thành trong ngày bầu cử. Theo con số thống kê, khoảng 300.000 binh lính, cả nước ngoài lẫn Afghanistan, và 10.000 dân phòng đã được huy động để dựng lên 4 vòng bảo vệ cho các địa điểm bỏ phiếu. |