📞

Bầu cử Tổng thống Iran: Bảo thủ lên ngôi, cải cách lạc lối

Minh Vương 15:30 | 08/06/2021
Bầu cử Tổng thống Iran năm 2021 chứng kiến sự trỗi dậy của các chính trị gia phe bảo thủ, song liệu chừng đó đã đủ để đảm bảo một chiến thắng?

Ngày 18/6 tới sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Iran lần thứ 13. Trước đó, ngày 25/5, Hội đồng Giám hộ Iran công bố danh sách 7 ứng cử viên đủ điều kiện gồm ông Saeed Jalili, Seyed Ebrahim Raisi, Alireza Zakani, Seyed Amir Hossein Qazizadeh Hashemi, Mohsen Mehralizadeh, Mohsen Rezaei và Abdolnaser Hemmati.

Chiến dịch vận động và màn tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên trên truyền hình ngày 5/6 đã hé lộ vài điểm đáng chú ý.

Một người dân theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng viên Tổng thống Iran ngày 5/6. (Nguồn: AFP)

Vì một “Iran mạnh mẽ”

Thứ nhất, bất ngờ đã xảy ra khi ba ứng cử viên lớn cho cuộc bầu cử bị Hội đồng Giám hộ gạt bỏ.

Đó là nguyên Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri và nguyên Chủ tịch Quốc hội Ali Larjani, nhà đám phàn chủ chốt trong tiến trình hạt nhân. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bày tỏ sự “thất vọng” về quá trình lựa chọn này.

Vào tháng 10/2020, có lúc nguyên Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nổi lên như ứng cử viên nặng ký cho bầu cử năm 2021. Tuy nhiên, đường dài mới biết ngựa hay. Quan hệ không tốt đẹp với Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei là lý do khiến ông một lần nữa nằm ngoài danh sách của Hội đồng Giám hộ Iran .

Trong khi đó, một số báo cáo gợi ý tham nhũng có thể là nguyên nhân khiến Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri và nguyên Chủ tịch Quốc hội Ali Larjani, ứng cử viên tiềm năng của phe cải cách bị loại. Hiến pháp Iran quy định cá nhân liên quan đến tham nhũng không được tranh cử.

Thứ hai, bầu cử ngày 18/6 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe bảo thủ. Chính sách “áp lực tối đa” của Mỹ đã củng cố vị thế phe này trong cơ cấu quyền lực tại Iran, cụ thể là hệ thống tư pháp, Hội đồng Giám hộ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ngoài ra, thất bại trong triển khai chính sách đã tổn hại tới hình ảnh của phe cải cách và dẫn đến tuần hành năm 2018-2019.

Sau khi ba nhân vật nặng ký trên bị loại khỏi cuộc đua, Chánh án Tòa án Tối cao Seyed Ebrahim Raisi trở thành ứng cử viên sáng giá nhất. Từng nhận tới 15 triệu phiếu bầu trong bầu cử Tổng thống 4 năm trước, ông cũng là chính trị gia bảo thủ hiếm hoi có khả năng kêu gọi đồng thuận lưỡng viện.

Thống kê cho thấy hầu hết ứng viên phe bảo thủ đã rút lui để dành phiếu cho ông Raisi, bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan hay cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Rostan Ghasemi.

Ông Raisi cũng được giới trẻ Iran ủng hộ. Khảo sát của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy ông Raisi đang giữ khoảng cách an toàn về tỷ lệ ủng hộ so với phần còn lại.

Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Raisi đã cam kết xây dựng một “Iran mạnh mẽ”, vực dậy nền kinh tế và thắt chặt quan hệ thương mại với các láng giềng. Thậm chí, có người coi ông là người kế thừa Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, hướng tới củng cố sự độc lập của Iran kinh tế.

Chánh án Tối cao Ebrahim Raisi, ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 18/6 tới tại Iran.

Một số thành viên bảo thủ khác như Thư ký Hội đồng Phân xử khẩn cấp Mohsen Rezaei và nguyên Thư ký Hội đồng An ninh Tối cao Quốc gia Saeed Jalili cam kết khôi phục sự ổn định của nền kinh tế. Ông Rezaei khẳng định sẽ tiến hành thay đổi hệ thống tới bộ máy cầm quyền.

Trong khi đó, ông Jalili, một trong ba ứng cử viên hàng đầu trong bầu cử năm 2013, lại đề xuất ý tưởng thành lập “nội các bóng tối” để giải quyết những tồn tại từ chính quyền của ông Hassan Rouhani.

Trong khi đó, cựu nghị sỹ Amir Hossein Qazizadeh Hashemi nhấn mạnh nếu chiến thắng, ông sẽ tiếp tục đối thoại tại Vienna, đàm phán với Mỹ để đưa Iran thoát cấm vận. Một chính trị gia bảo thủ khác, ông Alizera Zakani cũng có lập trường tương tự, cho rằng ông Donald Trump và ông Joe Biden là “hai mặt của một đồng xu” và khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc.

Còn hai ứng cử viên hiếm hoi của phe cải cách, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnaser Hemmati và cựu Thống đốc Mohsen Mehr-Alizadeh lại tập trung vào các vấn đề trong nước. Ông Hemmati hứa sẽ đưa kinh tế Iran tăng trưởng 5%/năm, còn ông Alizadeh cam kết thu hút đầu tư và tạo việc làm.

Những quan ngại

Thứ ba, có quan ngại rằng tỷ lệ cử tri bỏ phiếu bầu cử sắp tới tại Iran sẽ thấp hơn năm 2017.

Cử tri Iran không muốn bầu cho phe cải cách đã thất hứa, song cũng chẳng mặn mà với chính phủ bảo thủ. Từ khóa #tôi-sẽ-không-bỏ-phiếu đang “nóng” hơn bao giờ hết trên Twitter tại Iran.

Trong bối cảnh đó, không loại trừ khả năng tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ thấp hơn năm 2017 (70%). Đây là câu chuyện đáng lo, khi Tehran thường coi đây là minh chứng cho một cuộc bầu cử công bằng và dân chủ. Đồng thời, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tính chính danh của người chiến thắng.

Ông Raeisi từng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu năm 2019. Nếu trở thành Tổng thống, ông nhiều khả năng sẽ cứng rắn hơn với Mỹ và phương Tây so với ông Hassan Rouhani.

Cuối cùng, việc Hội đồng Giám hộ chọn nhiều người phe bảo thủ phản ánh chia rẽ sâu sắc tại Tehran. Đây là hệ quả từ cải cách không thành của ông Hassan Rouhani và cách tiếp cận cứng rắn của ông Donald Trump. Bầu cử Tổng thống đã gần kề, song đối thoại Vienna vẫn ngổn ngang trăm bề.

Trong khi đó, chính trị gia phe bảo thủ, đặc biệt là Chánh án Tòa án Tối cao Seyed Ebrahim Raisi, lại được Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei ủng hộ. Ông Raisi từng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu năm 2019. Nếu là Tổng thống, ông nhiều khả năng sẽ cứng rắn hơn trước Mỹ và phương Tây so với ông Hassan Rouhani.

Tuy nhiên, liệu cách tiếp cận này có củng cố ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế Iran hay không, là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

(theo Eurasia Review)