Trước những diễn biến gay cấn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết, hiện chưa rõ kết quả kiểm phiếu bầu cử Mỹ sẽ đi đến đâu, song 1 cuộc chiến pháp lý tại xứ cờ hoa đã bắt đầu.
Việc kiểm phiếu ở các bang chiến địa đang đi tới hồi kết và cách biệt giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ là cực kỳ sít sao. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại gia Đức Heiko Maas kêu gọi Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden thể hiện sự kiềm chế cho đến khi có kết quả cuối cùng, thay vì những phát ngôn “nóng vội” và các cáo buộc gian lận vô căn cứ. Ông Maas khẳng định, Tổng thống trong 4 năm tới của nước Mỹ đang có một nhiệm vụ rất quan trọng cần phải làm - đó là chấm dứt tình trạng phân cực trong xã hội Mỹ và đưa người dân xích lại gần nhau.
Đây cũng là nhận định của tờ Asahi Shimbum của Nhật Bản. Theo tờ báo này, dù kết quả bầu cử có ra sao đi chăng nữa, rõ ràng là cuộc bầu cử Mỹ đã phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, từ vấn đề chủng tộc, tôn giáo hay sự khác biệt lớn giữa các vùng miền.
Tuy vậy, giới chức Nhật Bản, từ Thủ tướng Yoshihide Suga cho đến Cố vấn an ninh nước này đều khẳng định, Tokyo sẽ vẫn hợp tác chặt chẽ với Washington, bất kể Tổng thống quốc gia đồng minh này là ai. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nhận định, có thể mất một thời gian nữa, mọi thứ của cuộc bầu cử Mỹ mới được giải quyết.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết, Seoul sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh gắn kết với Washington bất kể kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ra sao. Hàn Quốc sẽ tiếp tục thảo luận tích cực với chính quyền Mỹ sắp tới về vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Còn Hội đồng An ninh Hàn Quốc vẫn liên tục theo sát và phân tích các diễn biến kiểm phiếu tại Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ có kết quả tốt đẹp, đồng thời cho rằng, các giá trị dân chủ vững chắc của Mỹ sẽ đảm bảo kết quả bầu cử chính xác. Đây cũng là niềm tin của Thủ tướng Australia và New Zealand đặt vào tiến trình bầu cử Mỹ, hy vọng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với đồng minh Mỹ, cho dù Nhà lãnh đạo Mỹ là ai.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lại thẳng thắn nhận định rằng, hệ thống bầu cử Mỹ đã lộ rõ những hạn chế cơ bản.
“Hệ thống bầu cử Mỹ đã cho thấy những mặt hạn chế rõ ràng mà các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra nhiều lần trước đây. Nó mang bản chất cổ xưa. Nga hi vọng lộ trình pháp lý của Mỹ sẽ xác định được Nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ, phù hợp với Hiến pháp. Và quan trọng nhất là để tránh xảy ra tình trạng bạo loạn trong xã hội Mỹ. Như Tổng thống Nga từng nói, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác dù Tổng thống Mỹ là ai”, bà Zakharova nói.
Trong bối cảnh có nhiều vấn đề khác biệt với Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy bày tỏ hy vọng chính phủ kế tiếp của Mỹ sẽ tiến hành đối thoại với Trung Quốc; củng cố các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, giải quyết các khác biệt và thúc đẩy quan hệ song phương đi đúng hướng.
Hiện cả thế giới đã ngóng chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và các kênh truyền thông lớn của hầu hết các quốc gia vẫn đang liên tục cập nhật mọi diễn biến liên quan đến việc kiểm phiếu, vốn đã kéo sang ngày thứ 3 sau bầu cử.