Tổng thống Macron cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, chính phủ của ông đã ghi điểm trong những vấn đề mà người dân Pháp ủy thác. (Nguồn: Wsj) |
Theo ông Macron, trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chính phủ của ông đã thành công trong việc xử lý một số vấn đề, từ thất nghiệp, việc làm đến tình trạng phi công nghiệp hóa, tức là những vấn đề mà người dân Pháp đã ủy thác.
Vẫn còn nguyên nguồn năng lượng
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một phần trách nhiệm về các vấn đề trong điều hành các chính sách. Ví dụ, trong lĩnh vực nhập cư, kết quả còn chưa tương xứng, nhưng thực sự là Pháp đã tăng cường bảo vệ biên giới và thắt chặt hơn nữa các điều kiện nhập cảnh vào Pháp trong bối cảnh dòng người di cư gia tăng đáng kể trong bối cảnh quốc tế ngày càng xấu đi.
Các dòng người di cư và áp lực trong giai đoạn 2017–2019 rõ ràng mạnh hơn so với thời gian 2015–2017. Có một mối quan ngại phát sinh từ thực trạng này, rằng các nỗ lực của ông là không đủ làm dịu tình hình và đây là nguồn nuôi dưỡng những suy nghĩ cực đoan.
Nhưng thực tế là Pháp đã không rơi vào cảnh ngập tràn người di cư như một số tuyên bố, trong khi yêu cầu “không nhập cư” không phải là điều thực tế, cũng không phải là điều được mong muốn. Dự án mà ông Macron đang thực hiện có mục đích chính là giúp tăng cường cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp và tạo điều kiện cho những người nước ngoài không đủ điều kiện cấp phép có thể trở về nước an toàn.
Ông Macron cũng nhấn mạnh, ông muốn bảo vệ quyền tị nạn theo hiến pháp, nhưng đồng thời cũng muốn bảo vệ tốt hơn biên giới nước này, cải cách Schengen và phá vỡ các kênh bất hợp pháp.
Tổng thống Macron cho biết, ông “vẫn còn nguyên nguồn năng lượng” và điều này sẽ giúp ông làm mọi việc một cách rõ ràng và sáng suốt hơn so với nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.
Ông cho rằng: “Sự gắn bó của nước Pháp với quyền tự do là một kho báu. Đối mặt với khủng bố và đại dịch, chúng ta đã có thể tự trang bị cho mình những cơ chế bảo vệ hiệu quả và không bao giờ rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa phi tự do đang cám dỗ nhiều quốc gia, ngay cả ở châu Âu. Cam kết của chúng ta với quyền bình đẳng cũng là một câu trả lời tuyệt vời cho sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Vì chủ nghĩa tư bản đang trở nên rối loạn”.
Theo ông Macron, tình trạng siêu tài chính hóa đã tạo ra sự mất cân bằng trong các xã hội. Nước Pháp đã bắt đầu ứng phó với điều đó bằng các chính sách việc làm, tái công nghiệp hóa, sức mua, thuế công bằng... Mối quan hệ bác ái cũng là một đòn bẩy to lớn cho xã hội của Pháp, nơi luôn thể hiện mong muốn tìm ra khuôn khổ hun đúc nên một quốc gia.
Đối với ông Macron, tính chất thế tục của nước Pháp cũng là câu trả lời tốt nhất đối với những thách thức của thế giới. Với tất cả những lý do này mà Pháp, với tư cách là một quốc gia, có thể mang lại một giải đáp duy nhất và hiệu quả đối với những chệch choạc của thế giới.
Kế hoạch “Ségur về y tế”
Tổng thống Pháp thừa nhận, điều đáng tiếc nhất của ông trong nhiệm kỳ 5 năm là thời gian. Ông chia sẻ: “Mọi thứ trôi qua quá nhanh, quá nhanh! Tôi rất tiếc là 5 năm trước đã không có được những kinh nghiệm của ngày hôm nay. Chắc chắn tôi đã mất thời gian vì những chuỗi sự kiện, vì đôi khi sai lầm hoặc thiếu kỷ luật, hoặc có thể đã sa đà vào những vấn đề thứ yếu. Tôi muốn cống hiến hết mình cho những dự án thiết yếu và mất ít thời gian hơn cho các vấn đề khác. Phải biết tìm ra những vấn đề quan trọng có dấu ấn trong quãng thời gian dài này, nếu không chúng sẽ trôi qua rất nhanh và chẳng để lại dấu vết gì”.
Riêng về cải cách y tế, ông Macron cho rằng, nước Pháp đã có một kế hoạch lịch sử. Ông cho biết: “Từ khi có khái niệm bệnh viện, chưa bao giờ Pháp có khoản đầu tư lớn đến như vậy. Đó là kế hoạch “Ségur về y tế”. Hơn 11 tỷ Euro (11,95 tỷ USD) mỗi năm để tăng lương và 19 tỷ Euro để đầu tư.
Vậy hệ thống bệnh viện hiện nay có cơ bản tốt hơn không? Không. Tại sao? Suy thoái. Mất ý nghĩa. Quan liêu. Vì vậy, chắc hẳn là có vấn đề về phương pháp. Trong thời gian chiến đấu chống đại dịch, chúng ta đã tìm lại được những quyền tự do mà chúng ta không còn thấy. Đây là điều tôi muốn tìm lại”.
Nhìn thẳng vào vấn đề giáo dục để cải cách
Ông Macron lý giải ví dụ về trường học, ông nhận xét: “Pháp là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất cho giáo dục, vậy mà chúng ta chỉ nhận được một kết quả kém cỏi trong các bài kiểm tra PISA, với những học sinh thiếu tự tin, cha mẹ không hài lòng và giáo viên không được công nhận. Ai cũng nhận ra điều này. Và nếu cứ tự nhủ rằng hệ thống giáo dục vẫn đang vận hành tốt và rằng nhà nước cần phải đầu tư thêm tiền của, thì đó là bởi vì chúng ta không nhìn thẳng vào vấn đề.
Trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm, chúng tôi sẽ đặt ra một khuôn khổ quốc gia. Có những điểm mốc không thể xâm phạm, chẳng hạn thực hiện nửa giờ thể thao mỗi ngày ở trường tiểu học, đưa toán học vào học phần chung cho đến kỳ thi tú tài… Nhưng phải thông qua một thỏa ước với giáo viên, những người sẽ được yêu cầu làm việc nhiều hơn”.
Ông Macron nhấn mạnh: “Một số giáo viên hiện nay đã làm việc rất tích cực, nhưng không được thừa nhận. Tôi muốn giải quyết hội chứng ‘phòng giáo viên’, nơi mà người đấu tranh đôi khi lại bị những người làm việc tối thiểu giễu cợt. Làm bài tập ở nhà, tham gia ngoại khóa, hỗ trợ cá nhân nhiều hơn ở trường đại học, thay thế đồng nghiệp vắng mặt...
Tất cả những điều này đều phải được trả công. Mục tiêu của tôi là công sức của giáo viên phải được công nhận nhiều hơn, phụ huynh có thể yên tâm, học sinh được rèn luyện tốt hơn. Vì vậy, tôi muốn trao nhiều quyền tự do hơn cho các hiệu trưởng nhà trường.
Chúng ta phải thoát khỏi một hệ thống quá tập trung dẫn đến nhiều giáo viên phải làm việc trong khu vực tư nhân. Và để làm được tất cả những điều này, đòi hỏi sự minh bạch hơn trong hệ thống giáo dục và đối với các kết quả của nó. Chương trình giáo dục, vốn là trọng tâm của dự án đưa đất nước tiến lên của tôi, sẽ là một ưu tiên và phải được bắt đầu ngay sau cuộc bầu cử”.
Cải cách thị trường lao động với mục tiêu toàn dụng
Liên quan đến kế hoạch cải cách lương hưu, ông Macron cho biết, mong muốn tiến hành các dự án lớn về trường học, y tế, hưu trí, quyền tự chủ, tư pháp từ năm đầu tiên. Pháp cũng sẽ phải tiếp tục cải cách thị trường lao động. Đối với vấn đề hưu trí, sẽ có một giai đoạn tham vấn các đối tác xã hội và được tiến hành từ mùa Thu tới.
Khi trả lời câu hỏi về gánh nặng nợ công, ông Macron chia sẻ: “Tôi muốn thực hiện một dự án tiến bộ mà không làm tăng gánh nợ hoặc tăng thuế. Dự án đó đảm bảo một phần của nền kinh tế, mà đòn bẩy là chế độ toàn dụng lao động, nghỉ hưu ở tuổi 65 và cải cách nhà nước.
Đó là điều khả thi! Bằng chứng là sau tất cả các cuộc khủng hoảng phải đối mặt kể từ giữa nhiệm kỳ, chúng ta đã đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp. Mô hình mà tôi tin tưởng là mô hình cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Vấn đề của Pháp là thất nghiệp hàng loạt và tình trạng phi công nghiệp hóa”.
Tổng thống Macron cũng đề cập đến tư duy ngắn hạn về ngân sách, lúc thì cắt giảm lúc thì lại tăng thuế. Trong khi đó, ông Macron là người đầu tiên trong một thời gian rất dài đã giảm thâm hụt đồng thời vẫn giảm thuế. Do đó, ông bày tỏ sự tin tưởng vào mô hình mà Pháp có thể tiếp tục giảm thuế đối với các nhân tố sản xuất và đầu tư quy mô cho các nhân tố sinh lợi lớn (giáo dục, y tế, công nghiệp).