Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: EPA) |
Chính phủ cánh tả của Venezuela đã chọn ngày tổ chức bầu cử Quốc hội vào hôm 6/12 vì đúng ngày này năm 1998, cố Tổng thống Hugo Chavez (người đã qua đời vào năm 2013) lần đầu tiên được bầu làm Tổng thống và bắt đầu "cuộc cách mạng Bolivar".
Kết quả bầu cử lần này, với thắng lợi của đảng đối lập, có thể làm suy yếu phe cầm quyền của Chính phủ cánh tả Venezuela, nhưng sẽ không làm cuộc cách mạng này chấm dứt.
Theo kết quả ban đầu của cuộc bầu cử Quốc hội tại Venezuela ngày 9/12, Liên minh thống nhất dân chủ (MUD) đã giành được 112/167 ghế, trong khi đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) giành được 55 ghế. Kết quả này sẽ tạo cho phe đối lập một vị thế chiếm đa số với 2/3 ghế tại Quốc hội và có quyền lực thực tế để đối đầu với Chính phủ đương nhiệm.
Tuy nhiên, chiến thắng này của phe đối lập không mang lại cho Venezuela một lộ trình rõ ràng. Trên thực tế, Venezuela hiện không phải có một mà là hai chính phủ: Một Quốc hội do phe đối lập chi phối và một Chính phủ do phe cánh tả kiểm soát. Trong khi đất nước đang phải chật vật đối phó với tình trạng tham nhũng, kinh tế kém phát triển và một nền dân chủ bị suy yếu, tương lai trước mắt của đất nước này phụ thuộc vào việc các bên sẽ xử trí như thế nào. Tuy nhiên, tình hình càng phức tạp hơn, khi giữa chính quyền và phe đối lập hiện tồn tại sự chia rẽ nội bộ khá lớn.
Với chính sách không được lòng giới trung lưu, chính phủ cầm quyền cũng mất đi nhiều lá phiếu ủng hộ từ những người nghèo, do sự yếu kém trong quản lý kinh tế. Sự kết hợp của giá dầu thấp, kiểm soát kinh tế không hiệu quả và tham nhũng tràn lan đã dẫn đến một sự sụt giảm kinh tế, lạm phát khoảng 200% và tình trạng khan hiếm trầm trọng. Ngay cả quận 23 de Enero ở Thủ đô Caracas – nơi bảo quản thi thể ông Chavez, cũng bỏ phiếu cho phe đối lập. Trên phạm vi toàn quốc, gần 3/4 số cử tri đã đi bỏ phiếu. Julio Borges, một lãnh đạo MUD, đã hoan hỉ đăng tải trên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của mình rằng, nền dân chủ đã đánh bại một “chính phủ phi dân chủ”.
Không lâu sau khi kết quả bầu cử được công bố, Tổng thống Nicolas Maduro đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia và cho biết, ông sẽ chấp nhận phán quyết của cử tri. Tuy nhiên, ông tuyên bố "cuộc chiến kinh tế" chống lại Venezuela gây ra bởi những kẻ thù cả trong lẫn ngoài. Theo ông "cuộc đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ bắt đầu”.
Đối với cả chính phủ và phe đối lập, sự dàn xếp mới về chính trị đều đi kèm với đầy rẫy nguy hiểm. MUD phải xác định làm thế nào để sử dụng quyền lực mới của mình. Với 2/3 ghế Quốc hội cũng cho phép phe đối lập giành lại quyền nắm giữ một số thể chế như Tòa án tối cao và cơ quan bầu cử từ Chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi có được tỷ lệ đa số áp đảo trong Quốc hội, quyền lực đó sẽ bị hạn chế.
Bên cạnh đó, Venezuela đang cần các biện pháp cải cách kinh tế cấp thiết không kém gì việc cải cách chính trị. Kho ngoại hối của nước này đang ở mức nguy hiểm và nước này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia về nợ nước ngoài trong năm tới.
Các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thảm họa bao gồm việc cắt giảm thâm hụt của khu vực công khoảng 20-30% GDP, bỏ chính sách kiểm soát giá cả và cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái đa tầng khác thường, theo đó đặt tỷ giá chính thức cho đồng Bolivar lớn gấp 100 lần so với giá trị của nó trên thị trường chợ đen. Những cải cách này sẽ gây ra sự “đau đớn” về ngắn hạn và đòi hỏi có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để giảm bớt tác động đối với người nghèo. Cho dù chính phủ nào thực hiện chúng cũng có thể phải trả giá về mặt chính trị.
Câu hỏi lớn nhất đối với MUD là làm thế nào để cân bằng quyết tâm của mình, kết thúc tư tưởng của Chavez với những trách nhiệm mới. MUD có thể muốn chính phủ hiện nay phải chịu tổn thất chính trị khi cải cách kinh tế, đặc biệt là khi đảng này đang thiếu một chương trình kinh tế của riêng mình. Một số người ủng hộ MUD đang hy vọng về một kiểu chính phủ chuyển tiếp, bao gồm các nhà kỹ trị và những người theo tư tưởng của ông Chavez một cách vừa phải, mà Quốc hội mới có thể hợp tác. Nhưng ý tưởng đó có thể khó mà phù hợp với một thay đổi về thể chế dân chủ.
Chính phủ đương nhiệm cũng đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn. Thất bại đang đặt ông Maduro ở một vị trí cực kỳ dễ bị tổn thương, theo lập luận của ông David Smilde, một cố vấn ở Washington. "Một số người theo tư tưởng cách mạng của ông Chavez sẽ cho rằng, khả năng lãnh đạo của ông Maduro là một vấn đề", ông nói. Một số nhóm trong chính quyền có thể kêu gọi thực hiện đường lối cứng rắn hơn để bảo vệ cuộc cách mạng cùng với những lợi ích mà nó mang lại cho giới tinh hoa Bolivar. Nhưng ông Smilde tin rằng, đây sẽ là “sai lầm lớn”, bởi “sau thất bại trong bầu cử quốc hội, bất kỳ động thái rời xa dân chủ” nào cũng sẽ khiến nước này bị cô lập tại khu vực.
Còn một cách khác có thể thực hiện - đó là hợp tác với một Quốc hội do MUD kiểm soát về chương trình cải cách chính trị và kinh tế. Vấn đề là những cải cách đó cũng có nghĩa là phải thay đổi một số chính sách cũ mà giới lãnh đạo Venezuela có thể chưa thực sự sẵn sàng chấp nhận.
Nguyễn Kim (theo Economist)