Ứng cử viên Hammad bin Al-Kawari của Qatar, với 22 phiếu đã vượt cách biệt 4 phiếu so với các ứng cử viên Audrey Azoulay của Pháp và Moushira Khattab của Ai Cập. Pháp và Ai Cập cùng có 18 phiếu, hiện đang ở thế cân bằng và do đó sẽ cạnh tranh để giành chiếc vé còn lại vào đầu giờ họp chiều 13/10, trước khi Hội đồng chấp hành UNESCO tiến hành bỏ phiếu vòng 5 vào cuối buổi họp.
Các ứng cử viên của Trung Quốc và Lebanon không còn hy vọng giành đủ phiếu để có thể vào vòng 5, đã quyết định rút lui trước giờ bỏ phiếu vòng 4.
Quy trình bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO quy định rõ rằng trong trường hợp tại vòng 5, cả 2 ứng cử viên có cùng số phiếu thì Chủ tịch Hội đồng chấp hành sẽ bốc thăm chọn ứng cử viên duy nhất. Đại hội đồng UNESCO sẽ xem xét thông qua ứng cử viên duy nhất được Hội đồng chấp hành UNESCO giới thiệu vào khóa họp tháng 11/2017.
Ứng cử viên Hammad bin Al-Kawari của Qatar. (Nguồn: Gulf Daily News) |
Cuộc bỏ phiếu đang bước vào hồi kết nhưng vẫn kịch tính đến phút chót xoay quanh câu hỏi Pháp và Ai Cập, ai sẽ vào được vòng chung kết. Trong trường hợp Ai Cập vượt qua Pháp, cho dù ứng cử viên Qatar hay Ai Cập chiến thắng chung cuộc, lần đầu tiên nhóm nước Arab sẽ có người đảm nhận chức vụ tổng giám đốc một tổ chức quốc tế lớn.
Quyết định rút ra khỏi tổ chức UNESCO của Mỹ vào chiều 12/10, ngay vào đúng thời điểm nhạy cảm này, đang tạo ra những xáo trộn mới về tương quan lực lượng trước vòng cuối của cuộc bầu cử, làm cho kết quả chung cuộc càng khó dự đoán nếu Pháp bước được vào vòng bỏ phiếu cuối cùng và đối mặt với Qatar.
Trên thực tế, tất cả ứng cử viên đều là những gương mặt sáng giá. Bà Moushira Khattab người Ai Cập là một chính khách lão luyện, đã từng giữ cương vị bộ trưởng và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong hệ thống của Liên hợp quốc với tư cách một nhà ngoại giao. Ai Cập được nhìn nhận như một nước châu Phi dẫn đầu về mặt văn hóa với nền văn minh cổ đại và trong các lần bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO gần đây đều luôn có ứng cử viên nhưng lần nào cũng chỉ về vị trí sau. Trong khi đó, bà Audrey Azoulay, cựu Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông Pháp, duy trì lợi thế của một chính trị gia nước chủ nhà, có tầm nhìn, có khả năng kết nối với các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong bối cảnh khó khăn về tài chính của UNESCO.
Nhưng trong lịch sử, Pháp đã 2 lần giữ chức Tổng Giám đốc UNESCO và khác với bóng đá, là nước chủ nhà lại là một điểm yếu để đối phương khai thác. Trong khi đó, ông Hamad bin Al-Kawari, cựu Bộ trưởng Văn hóa Qatar, luôn thể hiện là chính trị gia bản lĩnh và là nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm quốc tế, đã chứng tỏ khá tốt khả năng kết nối với các tổ chức khác nhau, đặc biệt là giới doanh nghiệp, đưa ra được sáng kiến cụ thể để giải quyết các khó khăn về ngân sách của UNESCO.