📞

Bê bối ‘Sofagate’ và câu chuyện bất bình đẳng giới

Hoa Lan 13:28 | 29/04/2021
Kể cả tại các cuộc họp cấp cao, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn có thể xảy ra. Lần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen là ‘nạn nhân’.

Bà Ursula Von der Leyen là chủ tịch của EC và là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu. Dù vậy, bà vẫn bị đối xử bất bình đẳng trong một cuộc họp cấp cao.

Có ba nhà lãnh đạo nhưng chỉ có 2 chiếc ghế. (Nguồn: Cục báo chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ)

Ồn ào vụ ‘Sofagate’

Chuyện xảy ra ngày 6/4, khi bà von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara để thảo luận về vấn đề làm hạ nhiệt căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi bắt đầu cuộc họp, bà von der Leyen đã hết sức bối rối khi không có ghế ngồi. Chỉ có 2 chiếc ghế được bày ra ở phía trước cờ của EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi có tới 3 nhà lãnh đạo. Ông Michel đã nhanh chóng ngồi lên chiếc ghế lẻ còn lại cạnh ông Erdogan.

Ít lâu sau, bà đã được xếp ngồi trên ghế sofa, đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và cách xa với những người đồng cấp.

Video về phản ứng ngạc nhiên và thất vọng của bà trước sự sắp xếp chỗ ngồi này đã lan truyền rộng rãi nhiều giờ sau cuộc họp.

Vụ việc này được truyền thông quốc tế gọi là bê bối “Sofagate” (nhại theo vụ Watergate). Sau vụ bê bối "ghế sofa", bà Ursula von der Leyen hôm 27/4 đã lần đầu lên tiếng, chia sẻ quan điểm về sự cố này.

Bà von der Leyen đã phải ngồi trên ghế sofa, đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, bà von der Leyen cho biết trong một cuộc họp cấp cao với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, bà đã không được xếp ghế ngồi trong khi hai nhà lãnh đạo nam đã “an tọa” có thể vì bà là phụ nữ.

Bà Ursula von der Leyen chia sẻ: “Tôi không thể tìm thấy lời giải thích phù hợp nào cho sự việc đã xảy ra trong cuộc họp. Vậy nên tôi chỉ có thể kết luận đó là vì tôi là phụ nữ. Liệu điều này có xảy ra nếu tôi mặc vest và đeo cà vạt? Trong những bức ảnh cuộc họp trước đây, tôi chưa từng thấy trường hợp xếp thiếu ghế nào. Nhưng đồng thời, tôi cũng không thấy xuất hiện người phụ nữ nào trong các bức ảnh đó.”

Về mặt nguyên tắc trong nghi thức ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ở cấp cao hơn bà Ursula, tuy nhiên hai nhà lãnh đạo này thường được tiếp đón với vai trò ngang hàng nhau trong các cuộc họp. Trong các cuộc gặp trước đây giữa hai chủ tịch nam tiền nhiệm EU và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cả ba nhà lãnh đạo đều được sắp xếp ngồi ngang hàng với nhau.

Vấn nạn còn tồn tại

Không lâu sau khi sự việc xảy ra, sự tố giác của bà Von der Leyen ít nhiều đã gây chú ý bởi đây được xem như là một cáo buộc trực tiếp cho “vấn nạn” phân biệt giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới và là đồng minh lâu năm với bà Von der Leyen, từng có cách tiếp cận “ngầm” với các vấn đề về bình đẳng giới. Trong một cuộc phỏng vấn với Zeit năm 2019, bà Merkel cho biết bà đã cố ý từ chối đề cập đến các vấn đề phân biệt giới tính mà bà đã trải qua trong suốt quá trình đương chức.

Bà Merkel cho biết: “Đó là một cách tiếp cận cơ bản. Tôi tin rằng, là một chính trị gia, bạn phải có đủ khả năng để đương đầu với nó và bạn chỉ có thể làm công việc này nếu không quá nhạy cảm. Bạn phải tập trung vào các vấn đề thực tế. Tôi chỉ đơn thuần là chú ý vào những thứ khác.”

Trong quá khứ, 3 nhà lãnh đạo của EU, EC và Thổ Nhĩ Kỳ thường được xếp ngồi ngang hàng với nhau. (Nguồn: BBC)

Ngược lại, hôm 26/4, bà von der Leyen đã nói với các nhà lập pháp rằng những người phụ nữ, dù đã đạt đến một số vị trí quyền lực nhất định trong giới chính trị vẫn có thể rút kinh nghiệm cho chính bản thân từ câu chuyện của bà.

Bà von der Leyen nói trước EC: “Thưa các vị đại biểu, nhiều người trong số các vị, đặc biệt là các thành viên nữ trong Nghị viện, có thể đã có những trải nghiệm tương tự trong quá khứ. Tôi tin rằng các vị biết chính xác cảm giác của tôi lúc đó. Với tư cách là một người phụ nữ và một người Châu Âu, tôi cảm thấy bị tổn thương và lạc lõng.”

“Đây không còn là vấn đề về sắp xếp chỗ ngồi hay nghi thức ngoại giao nữa. Cốt lõi của việc này hướng tới việc tìm ra giá trị của bản thân và cộng đồng chúng ta đại diện, đồng thời cho thấy quãng đường chúng ta cần đấu tranh để giành quyền bình đẳng về cho phụ nữ.”

Chủ tịch ủy ban Châu Âu đã không đổ lỗi cụ thể cho ông Erdogan, ông Michel hay đội ngũ lễ tân về vụ “Sofagate” mặc dù các quan chức thân cận cho biết bà đã bày tỏ sự thất vọng của mình với tất cả mọi người. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp chỗ ngồi, vì đội ngũ cấp cao của ông Michel đã kiểm tra trước đó và đáng ra có thể phản đối sự thiếu sót này.

Ông Michel cho biết rằng ông rất tiếc, và nếu được quay lại, ông đã có thể xử lý tình huống theo cách khác. Nhưng ông cũng cho biết thêm rằng tại thời điểm đó, ông muốn tránh tạo ra một sự cố ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ để tập trung vào chương trình nghị sự trong bối cảnh quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều bất động.

Điều đáng chú ý, chương trình nghị sự hôm đó có nhấn mạnh đến vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ.

(theo Washington Post)