📞

Bế mạc Hội nghị Nước LHQ 2023: Đạt bước ngoặt, WEF khẳng định ưu tiên toàn cầu, Iraq là nước Arab đầu tiên làm điều này

Hà Thu 09:20 | 25/03/2023
Sau 3 ngày làm việc, chiều 24/3, Hội nghị Nước Liên hợp quốc (LHQ) 2023 đã bế mạc với việc thông qua Chương trình nghị sự và nhiều cam kết ý nghĩa khác.
Hội nghị Nước LHQ 2023 bế mạc cùng với việc thông qua Chương trình nghị sự về nước. (Nguồn: UN)

Việc Hội nghị Nước LHQ 2023 thông qua Chương trình nghị sự về nước là một kết quả mang tính bước ngoặt, bao gồm gần 700 cam kết của các nước thành viên trong việc bảo vệ “nguồn tài nguyên chung toàn cầu quý báu nhất của nhân loại”.

Chương trình nghị sự này đề ra một loạt cam kết hành động có ý nghĩa quan trọng, từ việc lựa chọn thực phẩm thông minh hơn cho tới việc đánh giá lại tài nguyên nước như một động lực kinh tế và là một phần di sản văn hóa của hành tinh.

Tổng thư ký LHQ António Guterres đã hoan nghênh kết quả hội nghị với việc đưa ra được một tầm nhìn chung đầy tham vọng.

Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Guterres nêu rõ: “Đóng góp của các bạn sẽ đưa chúng ta hướng tới một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện về an ninh nước cho người dân, cũng như cho hành tinh của chúng ta".

Theo ông, Hội nghị lần này đã chứng minh một sự thật, đó là: "Với vai trò là tài sản chung toàn cầu quý giá nhất của nhân loại, nước đoàn kết tất cả chúng ta và nó chảy qua một loạt thách thức toàn cầu".

Tổng thư ký Guterres đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động để điều chỉnh và bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm ngăn chặn xung đột và đảm bảo sự thịnh vượng của thế giới trong tương lai.

Người đứng đầu LHQ khẳng định, nước xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị toàn cầu và mọi hy vọng của nhân loại về tương lai phụ thuộc vào việc thế giới có thể đưa chương trình nghị sự nước vào cuộc sống theo hướng khoa học hay không.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Li Junhua cho biết, các cam kết của Chương trình nghị sự về nước bao gồm một loạt cam kết hành động, từ xây dựng năng lực đến xây dựng các hệ thống dữ liệu và giám sát nhằm hướng tới việc cải thiện khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng.

Theo ông Li Junhua, một kết quả quan trọng khác của hội nghị là việc các đoàn đại biểu đã đề ra nhiều ý tưởng, khuyến nghị cũng như giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước thông qua các phiên đối thoại cấp cao.

Hội nghị Nước LHQ 2023 cho thấy quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý báu này cho thế giới ngày nay và các thế hệ tương lai.

Cũng trong ngày này, Iraq đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Đông tham gia Công ước về Nước của LHQ nhằm đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.

Theo số liệu của LHQ, hiện có 19 trong số 22 quốc gia Arab đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Riêng tại Iraq, các chuyên gia ước tính, đến năm 2050, lượng mưa ở nước này sẽ giảm khoảng 25%, làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa và khan hiếm nước ở một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã hoan nghênh việc Hội nghị Nước LHQ 2023 đưa vấn đề nước lên làm ưu tiên trong chương trình nghị sự toàn cầu, "đánh thức thế giới về vai trò trung tâm của nước và hệ thống nước ngọt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững".

Quản lý chương trình nước ngọt của WWF Stuart Orr khẳng định, thế giới cần hành động triệt để và mang tính chuyển đổi về nước để giải quyết các cuộc khủng hoảng nước, thiên nhiên và khí hậu đang ngày càng tồi tệ.

Theo ông, giờ là lúc "cùng nhau giải quyết các cuộc khủng hoảng của thế hệ. Cần từ bỏ thái độ phớt lờ trước những mất mát tàn khốc của thiên nhiên và bắt tay vào việc khôi phục các dòng sông cũng như các vùng đất ngập nước”.

(theo UN, TTXVN)