Âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/2016 khiến Nghị viện châu Âu nhất trí ủng hộ việc “tạm thời đóng băng” tiến trình đàm phán gia nhập, đưa giấc mơ của Ankara vào bế tắc. (Nguồn: AP) |
Trong hơn sáu thập kỷ, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU trải qua nhiều thăng trầm, gặt hái nhiều thành tựu, nhưng cũng không ít thất bại. Một trong những điểm nghẽn trong hợp tác đôi bên là lá đơn xin gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ, biến Ankara thành nước giữ kỷ lục về thời gian xin gia nhập dài nhất.
Muốn làm thành viên chính thức, Croatia đã phải chờ đợi 10 năm, Bắc Macedonia là 17 năm, Montenegro khoảng 12 năm, Serbia là 11 năm, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi 37 năm.
Chặng đường dài
Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU bắt đầu vào năm 1959, khi nước này nộp đơn xin làm thành viên liên kết của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU và được chấp thuận 4 năm sau đó. Năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập EEC, khi đó có 14 thành viên, bao gồm Hy Lạp và Vương quốc Anh.
Mãi đến tháng 12/1999, các nhà lãnh đạo EU, trong một cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Helsinki (Phần Lan), mới nhất trí tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia ứng cử viên - một bước giúp Ankara đến gần hơn giấc mơ EU.
Năm 2005, EU cuối cùng đã thông qua khuôn khổ cho các cuộc đàm phán gia nhập liên minh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Song âm mưu đảo chính ở Ankara hồi tháng 7/2016 khiến Nghị viện châu Âu nhất trí “tạm thời đóng băng” tiến trình đàm phán gia nhập, đưa giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ vào bế tắc.
Hành trình chông gai này làm dấy lên hoài nghi - tại sao Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể gia nhập EU, trong khi nước này đã là thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) từ năm 1952 và là thành viên OSCE (Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu) nhiều năm qua. Vậy đâu là các rào cản lớn ngăn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập “mái nhà chung” EU?
Làn sóng di cư là một trong những lực cản chính ngăn EU phê duyệt đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty) |
Bốn thách thức lớn
Khó khăn lớn đầu tiên xuất hiện năm 1974. Đáp trả cuộc đảo chính do người Cyprus gốc Hy Lạp thực hiện, Ankara đưa quân chiếm nửa phía Bắc hòn đảo và thành lập Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế chỉ thừa nhận nhà nước Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý ở phần phía Nam hòn đảo, còn Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ thì không. Việc Cộng hòa Cyprus gia nhập EU năm 2004 đã trực tiếp gây mâu thuẫn lợi ích giữa Ankara và thành viên khối.
Thách thức thứ hai là tiêu chí Copenhagen. Kể từ khi nộp đơn xin gia nhập, Ankara phải thực hiện các cải cách bổ sung để đáp ứng tiêu chí trên, yêu cầu ứng cử viên phải có sự ổn định về thể chế, dân chủ, nhân quyền và nền kinh tế thị trường. Bất chấp nhiều cải cách, EU vẫn giữ hoài nghi về khả năng đáp ứng yêu cầu của Ankara, đặc biệt là về nhân quyền, dân chủ và độc lập tư pháp.
Một rào cản khác là sự phản đối từ các nước chủ chốt trong khối, như Pháp, Đức và Áo. Các bên viện dẫn sự khác biệt về ý thức hệ chính trị-xã hội. Chẳng hạn, Paris thường phản đối vấn đề nhân quyền và tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ. Berlin quan ngại về sự khác biệt về bản sắc văn hóa và tôn giáo, do phần lớn dân số Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi, vốn không tương thích với các giá trị thế tục và tự do mà châu Âu đề cao.
Vấn đề cuối cùng là làn sóng tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới, với khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria. EU nỗ lực tìm kiếm kế hoạch hợp tác với Ankara để giải quyết khủng hoảng trên, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ gánh nặng.
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ và EU ký kết thỏa thuận di cư, quy định rằng, Ankara sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận gần 4 triệu người tị nạn để đổi lấy 6 tỷ Euro hỗ trợ tài chính từ châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gây ra tranh cãi, một số người chỉ trích EU vì phụ thuộc quá nhiều vào Ankara để giải quyết khủng hoảng. Ngoài ra, tình hình chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và cách nước này đối xử với người tị nạn làm dấy lên lo ngại về vi phạm nhân quyền.
Như vậy, "giấc mơ EU" của Thổ Nhĩ Kỳ nhen nhóm từ năm 1987, đến nay đã 37 năm và được dự báo sẽ còn kéo dài, do Ankara chưa tìm được tiếng nói chung với châu Âu trong bốn vấn đề lớn. Để thúc đẩy thành công tiến trình, đôi bên cần duy trì cam kết đối thoại và hợp tác bất chấp những thách thức, nhằm mở ra tương lai tươi sáng vì lợi ích chung.
| Điểm tin thế giới sáng 5/6: Hy Lạp ứng dụng AI trong du lịch, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS, Ngoại trưởng Australia tới quần đảo Solomon Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 5/6. |
| Điểm tin thế giới sáng 24/6: Quan hệ Ấn Độ-Bangladesh 'thăng hoa', Ba Lan cân nhắc đóng cửa khẩu với Belarus, Mỹ tiêu diệt USV của Houthi Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 24/6. |
| Đại sứ EU tại Ukraine úp mở thời điểm Kiev gia nhập liên minh Ngày 26/6, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine, bà Katarina Mathermova, tuyên bố Ukraine có thể gia nhập EU vào năm ... |
| Nổ khí đốt tự nhiên làm hư hại 11 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ Ngày 30/6, một vụ nổ khí đốt tự nhiên tại tỉnh Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến 4 người thiệt mạng và ít ... |
| Ấn Độ đánh giá về chủ đề Năm nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Lào Đại sứ Ấn Độ tại Lào Prashant Agarwal ngày 30/6 cho biết, Ấn Độ dành ưu tiên cao cho chủ đề tăng cường kết nối ... |