Bến Tre phát triển đa dạng sinh kế, nỗ lực thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Người dân nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội. (Nguồn: Baochinhphu) |
Theo Kế hoạch về việc phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển đa dạng sinh kế; được tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm để cải thiện sinh kế; có thu nhập ổn định, thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Cải thiện đa dạng sinh kế, phát huy nội lực
UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch số 7070/KH-UBND ngày 2/11/2022 về việc phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu của Kế hoạch là tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện đa dạng sinh kế của hộ nghèo, hộ cận nghèo với phương châm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực là chính; Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua các chế độ chính sách, phát triển sinh kế, làm đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo có thu nhập vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn dưới 3%.
Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển đa dạng sinh kế; được tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm để cải thiện sinh kế; có thu nhập ổn định, thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra; phấn đấu 100% hộ tham gia phát triển sinh kế được thoát nghèo. Trong đó, có 11.317 hộ tham gia phát triển sinh kế thoát nghèo bền vững (chiếm 85,34% tổng số hộ tham gia). Riêng năm 2022, chỉ tiêu kế hoạch là có 2.228 hộ thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó đưa khoảng 110 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Xây dựng và nhân rộng 440 mô hình, dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế dựa vào cộng đồng với 5.280 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia.
Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo thống kê, Tổng số vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2022 là 1.218,943 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 3%, với 11.015 hộ và 16.036 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú ,thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị; phát huy được sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Hưởng ứng phong trào thi đua của Trung ương và của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn từng đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Bến Tre phát triển đa dạng sinh kế, nỗ lực thoát nghèo bền vững. (Nguồn: Baodongkhoi) |
Tiêu biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam triển khai Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre và phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Hội Nông dân có phong trào“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội Cựu chiến binh tỉnh có 2 mô hình: Mô hình 5+1 (5 hoặc 10 hội viên giúp 1 hội viên về vốn, cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật… để thoát nghèo); mô hình “tổ hợp tác sản xuất”. Hội Cựu Thanh niên xung phong với phong trào thi đua “Cựu Thanh niên xung phong giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có 2 mô hình hiệu quả: Mô hình “Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hộ” thực hiện các hoạt động giúp 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và phụ nữ trong các hộ nghèo gắn với việc thực hiện đề án đa sinh kế bằng nhiều hình thức, biện pháp, cách làm có hiệu quả; mô hình “Mỗi Chi hội có 1 địa chỉ vì phụ nữ nghèo” đã vận động 12.858 phụ nữ khá giúp 5.640 phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, số tiền 13,654 tỷ đồng...
Cùng với đó, các chính sách đối với người nghèo, người cận nghèo được ban hành và triển khai kịp thời, hiệu quả, đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Công tác huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo được các địa phương, các đoàn thể tích cực thực hiện. Các hộ nghèo, người nghèo đã nỗ lực khắc phục các khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, điển hình tiên tiến được kịp thời phát hiện, nêu gương và khen thưởng góp phần quan trọng đẩy mạnh và nhân rộng phong trào thi đua ở từng cấp, từng ngành và toàn tỉnh.
Bên cạnh giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo, tỉnh Bến Tre yêu cầu chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo của tỉnh.
Có giải pháp, nguồn lực để thực hiện thật sự nghiêm túc, có kết quả công tác giảm nghèo, không để việc giảm tỷ lệ hộ nghèo diễn ra tự nhiên, phải có sự tác động mạnh mẽ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo sinh kế, an sinh xã hội cho người dân. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác giảm nghèo.
Tiếp tục đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng, chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội; thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và tổ chức nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là vùng nông thôn, xã bãi ngang ven biển, xã đảo; hướng dẫn hộ dân lập kế hoạch sinh kế, theo dõi việc thực hiện kế hoạch của hộ, đa dạng các loại hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp nhiều mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp, tận dụng tối đa điều kiện đất đai, lao động, thời gian nhàn rỗi... để cải thiện sinh kế.
Bên cạnh việc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo nguồn lực, tỉnh Bến Tre sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thúc đẩy việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho công tác giảm nghèo…
| Bến Tre xúc tiến hàng nông, thuỷ sản vào thị trường các quốc gia Hồi giáo Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bến Tre đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thuỷ ... |
| Thạnh Phú phát triển du lịch biển Thạnh Phú đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch và trung tâm năng lượng sạch của tỉnh Bến ... |
| Xuất khẩu ngày 17-21/10: Bưởi Việt Nam chính thức được 'cấp visa' sang Hoa Kỳ; kết nối nông sản Bến Tre với thị trường Hồi giáo Hội nghị "Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo"; bưởi Việt Nam sắp "lên ... |
| Bến Tre - Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 phải chất lượng, đáp ứng kỳ vọng phát triển Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm thật sự có chất lượng và đáp ... |