"Bóng tối" trốn trong "nguồn sáng"
Các chuyên gia trong ngành y tế chỉ ra rằng: Các vi khuẩn trong nước thải bệnh viện đều ở mức khá cao, đặc biệt là vi khuẩn, tụ cầu, liên cầu... với các nguy cơ nhiễm vi rút đường tiêu hóa, bại liệt, các loại kí sinh trùng, amip và nấm các loại. Bên cạnh đó, trong nước thải y tế có tới 20% chất thải nguy hại, nếu không được xử lý triệt để sẽ là mối nguy hiểm rất lớn cho môi trường.
Bác sỹ bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Đối với các loại thuốc điều trị bệnh ung thư hoặc các sản phẩm chuyền hóa của chúng... nếu xả thải ra bên ngoài không qua xử lý sẽ có khả năng gây quái thai, ung thư cho nhưng người tiếp súc với chúng".
Mấy năm trở lại đây, những khuyến cáo trên đã nhan nhản xuất hiện ở khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là khuyến cáo ấy ai cũng hiểu chỉ bệnh viện là không chịu hiểu. Với 1.001 lý do khác nhau, họ vẫn vô tư xả nước thải không qua xử lý ra môi trường.
Theo thống kê của sở TN-MT&NĐ Hà Nội: Mỗi ngày, khoảng hơn 4.000m3 nước thải Hà Nội đổ ra sông Nhuệ, sông Đáy mà hầu hết không qua xử lý. Trong đó, nước thải bệnh viện chiếm 44%. Một con số kinh hoàng!
Một ngày như mọi ngày, chúng tôi có mặt tại phố Đội Nhân và Đốc Ngữ, nơi có hệ thống nước xả thải của bệnh viện Lao phổi T.Ư. Biết chúng tôi là nhà báo, người dân sống trên hai con phố này đã xúm lại để "kể tội" hệ thống nước thải này.
Theo họ thì đã từ lâu lắm rồi họ phải sống chung với những mùi hôi thối bốc ra từ hệ thống hố ga chứa nước thải từ bệnh viện như một duyên nợ trời hành. Được biết, Bệnh viện lao phổi T.Ư có quy mô phục vụ 400 giường bệnh. Theo hồ sơ của bệnh viện cung cấp, bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải vi sinh, với công suất 600m3/ngày đêm. Công suất xả thải của bệnh viện bình quân mới chỉ 250m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra liên nghành của sở TN&MT, Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra hôm 10/10 vừa qua thì nước thải từ bể thu gom không đựoc bơm lên hệ thống xử lý mà được xả trực tiếp ra môi trường. Bệnh viện cũng không có thiết bị đo lưu lượng nước thải.
Cống phía sau nhà chứa rác của Bệnh viện Phụ sản HN. (Ảnh: VietNamNet) |
Ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện giải thích, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện hiện nay chưa khắc phục được. Không có cách nào khác, bệnh viện đành phải xả ra... môi trường.
Tại bệnh viện Việt Đức tình cảnh này cũng không sáng sủa hơn. Lãnh đạo bệnh viện đưa ra hàng loạt các giấy tờ chứng minh bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Bệnh viện có 2 hệ thống thoát nước thải, một hệ thống thoát nước mưa và một hệ thống thoát nước thải đã qua xử lý.
Hiện tại, bệnh viện đang cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải với công suất 900-1.000m3/ngày. Thế nhưng, đó chỉ là báo cáo và thực tế hệ thống này đang được "đắp chiếu" hoặc có hoạt động cũng chỉ là thoi thóp. Nguồn nước thải của toàn bệnh viện vẫn đưa trực tiếp ra môi trường.
Hệ thống nước thải của trạm giặt là hòa chung vào hệ thống xả nước thải chung của thành phố.
Khó bó... khôn
Ông Đỗ Đức Minh - Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện K Hà Nội đã thừa nhận với chúng tôi như vậy.
Từ năm 1969 tới nay, nước thải của Bệnh viện K được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của thành phố. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bệnh viện K nằm trong danh mục này và phải khẩn trương xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Song vì lý do kinh phí mà kế hoạch xây dựng khu vực xử lý nước của Bệnh viện K vẫn chưa được thực hiện. "Chúng tôi là đơn vị sự nghiệp, có tiền thì làm, không có tiền thì tạm ngừng" - ông Minh nói.
Theo thống kê của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, hơn 1.000 bệnh viện ở Việt Nam, chỉ 1/3 có hệ thống xử lý nước thải (chủ yếu là ở tuyến trung ương và tỉnh), trong đó chỉ có một số đạt tiêu chuẩn. Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn còn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hóa chất khử trùng... |
Tháng 8/2008, một khu xử lý nước thải của Bệnh viện K được đi vào hoạt động. Song công suất của khu xử lý này cũng chỉ đạt 300m3/ngày đêm. Trong khi đó, mỗi ngày, Bệnh viện K đón tiếp hơn 1.000 bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Số bệnh nhân nội trú là hơn 2.000 người. Kèm theo đó, 2-3 người nhà đi kèm theo mỗi bệnh nhân.
Đây là điều rất đáng lo ngại, bởi nước thải Bệnh viện K được xếp vào danh mục chất thải nguy hại. Cho tới nay, Bệnh viện K vẫn không hề có giấy phép xả thải ra môi trường.
"Ngành môi trường yêu cầu chúng tôi muốn có giấy phép xả thải phải có địa điểm xả thải, thuê thiết kế... Trong khi đó, để làm những việc này rất tốn kém... Mà liên quan đên kinh phí lại phải làm tờ trình, dự án, phê duyệt dự án... Bởi vậy từ lâu nay chúng tôi xả thải chẳng cần giấy phép và cũng chẳng ai động đến việc này" - ông Minh bộc bạch.
Cũng như ông Minh, hầu hết lãnh đạo các bệnh viện đều nói rằng, họ luôn mong muốn có được hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, nhưng gặp phải vấn đề đau đầu là tài chính. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Huy Bạo cho biết: Mặc dù là một trong những đơn vị phải thực hiện theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng đến thời điểm hiện nay, vì không có kinh phí, Bệnh viện vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường; chưa làm các thủ tục xin cấp phép xả thải vào nguồn nước. Do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên toàn bộ nguồn nước thải đều đổ vào 1 bể chứa, bốc mùi hôi thối và xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước của thành phố.
Sống chung với... "lũ"
Trong khi bệnh viện chờ Nhà nước rót kinh phí, nước xả chưa qua xử lý chờ ngày lên phễu lọc thì người dân sống quanh các bệnh viện nơm nớp lo sợ nhiễm bệnh từng ngày. Bà Nguyễn Thị Loan, sống ở phố Đội Nhân cho biết: "Đáng ra những bệnh viện truyền nhiễm này phải di dời ra khỏi thành phố, các khu dân cư. Thế nhưng nó vẫn nằm chình ình ở phố chính và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Chính quyền, các ngành chức năng cũng đã đến đây kiểm tra nguồn nước, cũng lẫy mẫu phân tích nhưng rồi mọi chuyện chẳng khá hơn. Người dân chúng tôi sống với nguồn lây bệnh mà chẳng biết phải kêu ai bây giờ".
Theo Bộ Y tế, một hệ thống xử lý nước thải bệnh viện hoàn thiện phải tốn ít nhất 9-10 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành, và bảo trì, bảo dưỡng. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các bệnh viện cũng chỉ được rót 1-2 tỷ đồng cho hạng mục công trình này. Số tiền trên cũng không được giải ngân ngay mà chia thành nhiều năm, nhiều đợt. Và như vậy, dù có kêu nhiều, kêu nữa thì người dân vẫn phải chịu sống chung với ô nhiễm với nỗi lo tử thần rình rập trên đầu.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, số lượng người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng lên. Trên thực tế, 88% các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến nguồn nước không sạch. Hàng triệu người dân Việt Nam đang sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm asen - tác nhân gây ra các căn bệnh ung thư, còi xương, tiểu đường và máu trắng. Ngoài ra, tỉ lệ trẻ em tử vong tại các khu vực bị ô nhiễm nguồn nước là rất cao. Sử dụng nguồn nước không an toàn, hệ thống xử lý nước cơ bản yếu kém, và vệ sinh không hiệu quả là các tác nhân lớn sinh ra các bệnh gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi như bệnh tiêu chảy, viêm phổi và suy dinh dưỡng. |
Theo Nông Thôn Ngày Nay