Nghề nuôi tôm hùm trên biển. (Ảnh: Phan Thị Khánh) |
Thưa ông, Quỹ giải pháp BES (Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái) hiện đang được triển khai tại Việt Nam. Xin ông cho biết mục tiêu của Quỹ, cũng như những kết quả đã đạt được?
Trong thời điểm hiện nay, đa dạng sinh học của thế giới đang bị suy giảm với tốc độ chưa từng thấy, nguyên nhân chủ yếu là từ hoạt động phát triển không bền vững, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal 2022 (GBF) được cộng đồng quốc tế thông qua tại cuộc họp COP15 của Công ước Đa dạng sinh học vào tháng 12/2022 đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm đảo ngược xu hướng này.
Sáng kiến Mạng lưới Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (BES-Net) do UNDP, UNEP-WCMC và UNESCO khởi xướng, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ CHLB Đức (thông qua tổ chức IKI) và Swedbio, tập trung vào mục tiêu tăng cường năng lực cho các bên liên quan thông qua phương thức Đối thoại 3 bên (Trialogue) – thúc đẩy hợp tác và đối thoại. Trong khi đó, Quỹ BES cung cấp các hỗ trợ mang tính xúc tác nhằm triển khai các sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học tại cấp cơ sở và địa phương.
Quỹ giải pháp BES đã và đang hỗ trợ để triển khai các sáng kiến và giải pháp cho đa dạng sinh học tại tám quốc gia (Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Trinidad và Tobago và Việt Nam). Các hoạt động này được thiết kế dựa trên các kết quả của Đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA) do BES-Net hỗ trợ trong giai đoạn trước đó. Các khoản hỗ trợ này được sử dụng để thực hiện một số khuyến nghị quan trọng đưa ra trong Báo cáo Đánh giá hệ sinh thái quốc gia (Báo cáo NEA) nhằm mang lại các kết quả hữu hình về bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái tại các quốc gia thành viên.
Cụ thể hơn, tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án BES-Net, do UNDP và Bộ TN&MT đồng thực hiện, đã thực hiện nghiên cứu cơ sở về Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển tại Việt Nam. Bên cạnh đó, BES-Net cũng dự kiến triển khai việc xây dựng Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho Vườn quốc gia Tràm Chim ở Việt Nam để giúp thúc đẩy việc thực hiện cơ chế về Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, Quỹ BES cũng giúp thử nghiệm các kỹ thuật phục hồi đất thân thiện với côn trùng thụ phấn ở Kazakhstan; nâng cao năng lực về kỹ thuật chụp ảnh macro, quản lý ong không đốt, thụ phấn cho dơi và thiết kế vườn thụ phấn ở Trinidad và Tobago, cũng như các hoạt động phục hồi đất đai và quản lý đất bền vững có mục tiêu khác ở Cameroon, Kenya và Malawi.
Một trong những điểm nổi bật của sự kiện này là Đối thoại ba bên giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn. Xin ông chia sẻ về những điểm đặc biệt và mục tiêu chung của đối thoại này?
Đối thoại 3 bên (Trialogue), trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net là sự trao đổi ba chiều giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các nhà thực hành, bao gồm đại diện các cộng đồng địa phương, nhằm phát hiện và xây dựng các ưu tiên về chính sách quan trọng ở cấp quốc gia và khu vực. Phương pháp đối thoại 3 bên này độc đáo ở chỗ nó nhằm mục tiêu thu hút sự tham gia của cộng đồng các nhà thực hành một cách có chủ đích – bao gồm thành viên của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, khu vực tư nhân, đoàn thể và các nhóm cộng đồng bản địa – vốn ít tham gia vào việc xây dựng chính sách nhưng lại là tác nhân thay đổi ở địa phương khi thực hiện giải pháp từ dưới lên trong các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên.
Hội thảo quốc tế năm nay được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam là dịp để 8 quốc gia thành viên của Quỹ giải pháp BES cùng nhau suy ngẫm về những thách thức và cơ hội liên quan đến từng công việc riêng biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới các can thiệp thực tế toàn diện và tinh tế hơn trong tương lai. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần có các quan điểm đa dạng, khác nhau trong khi cùng nhau hành động một cách hợp tác vì thiên nhiên. Đối thoại này nhấn mạnh sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các cá nhân, cộng đồng nắm giữ kiến thức truyền thống, các nhóm dân tộc bản địa, những người thúc đẩy vai trò giới trẻ và vấn đề giới trên 8 quốc gia tham gia trong cuộc trò chuyện về bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.
Ở cấp quốc gia, UNDP cùng Bộ TN&NT và các đối tác tiếp tục thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các bên về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái. Mới đây nhất, Bộ TN&MT đang trong quá trình xây dựng Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (VBPF) để thu hút và kết nối các tổ chức và cá nhân từ chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội dân sự, khối tư nhân, cộng đồng, các đối tác phát triển để cùng nhau đối thoại và chia sẻ thông tin với các bằng chứng cả về mặt khoa học và thực tiễn để cùng nhau đưa ra các sáng kiến về chính sách và thực hành bền vững cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái tại Việt Nam. Chúng tôi hi vọng thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và gặp gỡ với các quốc gia khác nhau nhân dịp Hội thảo Trialogue lần này tại Việt Nam, các đại diện từ Việt Nam có thể học hỏi thêm các kinh nghiệm tốt của thế giới trong việc tăng cường cơ chế đối thoại hiệu quả cả trong nước lẫn khu vực để thúc đẩy hơn nữa các sáng kiến về bảo tồn.
Trước những thách thức về môi trường và đa dạng sinh học như hiện nay, theo ông, những nỗ lực hợp tác như BES-Net có vai trò quan trọng như thế nào trong việc tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái trên toàn thế giới và Việt Nam?
Như nói ở trên, đa dạng sinh học của thế giới đang suy giảm với tốc độ chưa từng thấy, thì những sáng kiến như BES-Net đã ra đời vào đúng thời điểm. Nhu cầu cấp thiết phải thực hiện các hành động một cách hợp tác và có phương pháp với các cam kết của các bên trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal 2022 (GBF) chưa bao giờ lớn hơn thế. Chúng ta chỉ còn 7 năm nữa (đến năm 2030) để đạt được những thay đổi hữu hình trong việc ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học đồng thời chống lại tác động của biến đổi khí hậu.
Các yêu cầu về cải thiện khung thể chế cho bảo tồn, tăng cường dòng tài chính đa dạng sinh học, cũng như tăng cường năng lực cho chính phủ, cộng đồng, người dân trong quản lý bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái vẫn tiếp tục là các mục tiêu ưu tiên của thế giới và Việt Nam. BES-Net nhắm mục tiêu cụ thể về tăng cường năng lực cho các bên liên quan thông qua cơ chế Đối thoại 3 bên (Trialogue) để thúc đẩy sự trao đổi và hợp tác giữa các nhà khoa học, chính sách và thực hành, từ đó giúp thúc đẩy các kết quả về chính sách cũng như dòng tài chính cho đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc biến các chiến lược ở cấp vĩ mô thành các giải pháp khả thi tại địa phương. Chính vì vậy, Quỹ giải pháp BES trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net nhắm mục tiêu thu hẹp khoảng cách này thông qua thúc đẩy các hành động thực tiễn tại địa phương để hiện thực hóa các chính sách, với bằng chứng tốt nhất có được từ kiến thức khoa học, bản địa và địa phương về thiên nhiên.
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) là một khía cạnh quan trọng của Dự án BES-Net. Xin vui lòng giải thích cách DVHST được triển khai tại Việt Nam và tác động của nó đến bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái?
Việt Nam đã thực hiện Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2011 theo quy định tại Nghị định 99/2010/ND-CP. Nhờ thành công của chính sách này, cơ chế DVMTR đã thu được hơn 16,746 tỷ đồng (bình quân là 1.674 tỷ đồng/năm từ những đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong giai đoạn 2011-2020, được sử dụng để chi trả cho 250.000 hộ gia đình và 10.000 cộng đồng trực tiếp tham gia công tác bảo vệ các hệ sinh thái rừng này (theo báo cáo Đánh giá hệ sinh thái Quốc gua 2021).
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam năm 2020 đã thiết lập cơ sở pháp lý cho các chính sách về chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước, tạo cơ sở để có thêm các nguồn lhỗ trợ giúp hiện thực hóa chính sách này ở cấp địa phương và cấp cơ sở. Thông qua UNDP, BES-Net tại Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu cơ sở về Chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước, làm tiền đề để xây dựng Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xây dựng Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở để góp phần thúc đẩy việc triển khai chính sách này, cụ thể là áp dụng cho hệ sinh thái biển và đất ngập nước, trên toàn quốc trong tương lai.
Trong những năm qua, mặc dù chính phủ đã và đang dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng, nhưng các khoản trợ cấp của chính phủ vẫn còn nhỏ so với nhu cầu. Ngân sách nhà nước gần như mới chỉ giúp chi trả các chi phí thường xuyên cho việc vận hành bộ máy nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, từ cấp trung ương tới địa phương, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn…, và còn thiếu các nguồn lực đầu tư đáng kể. Vì vậy, cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, cụ thể là cho hệ sinh thái đất ngập nước và biển, nếu được áp dụng một cách hiệu quả và bền vững sẽ giúp huy động nguồn lực tài chính bổ sung từ những tổ chức, cá nhân trực tiếp hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái, sau đó nguồn lực này được quay lại trực tiếp cho các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại cấp cơ sở. Đây là điểm khác biệt của cơ chế chi trả DVHST tự nhiên so với các quy định về thuế, phí đã có.
Ngoài ra, việc xác định được giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái thông qua cơ chế này còn giúp thúc đẩy việc hạch toán các giá trị này vào các hoạt động kinh tế-xã hội, để giúp nhận thức đúng hơn về giá trị thực của các tài nguyên thiên nhiên, giúp hạn chế các quyết định về đầu tư mang tính chất đánh đổi thiên nhiên lấy lợi ích kinh tế trước mắt đơn thuần.
Những hoạt động cụ thể nào mà UNDP đã triển khai tại Việt Nam để nâng cao tiếng nói và quyền lợi của người dân bản địa và địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học?
Dự án BES-Net trong giai đoạn hiện nay - hợp tác giữa UNDP và Bộ Tài nguyên & Môi trường, xác định sự cần thiết của việc thành lập Diễn đàn Đối tác Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái Việt Nam, nơi các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, và các nhà thực hành tham gia vào việc chia sẻ kiến thức hiệu quả và hỗ trợ việc xây dựng các chính sách tốt hơn trong tương lai.
Diễn đàn này sẽ là một không gian thuận lợi, được kỳ vọng là nơi tiếng nói của các nhóm thiểu số bao gồm nhưng không giới hạn ở cộng đồng địa phương và bản địa, phụ nữ và thanh niên, được lắng nghe và nâng tầm vị thế. Điều này là hết sức quan trọng, vì thực tế là cộng đồng địa phương là những người gắn bó sâu sắc với vùng đất và thiên nhiên nơi họ sinh ra và lớn lên, nắm giữ kiến thức thực tế quan trọng về những vùng đất này và có thể đóng vai trò then chốt trong việc hình thành các chính sách đa dạng sinh học hiệu quả và bền vững.
Ngoài ra, các hoạt động về thúc đẩy Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, với tiền đề là những thành công đã có trong việc triển khai cơ chế Chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hơn một thập kỷ qua, được kỳ vọng giúp tăng cường các nguồn lực tài chính mà có thể quay lại trực tiếp cho những cộng đồng, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn các hệ sinh thái, không chỉ giúp tăng cường sinh kế, cải thiện đời sống mà còn giúp đề cao vai trò và tiếng nói của các cộng đồng này trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại cơ sở và tại địa phương.