📞

Bí ẩn cuối cùng của Titanic...

10:20 | 21/10/2008
Tàu Titanic – một con tàu chở khách chạy bằng động cơ hơi nước lộng lẫy, nổi tiếng thế giới đã bị chìm trên biển Bắc Atlantic cách đây 97 năm đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử ngành hàng hải. Kể từ khi sự kiện tàu Titanic chìm đến nay, đã có rất nhiều các cuộc nghiên cứu, tranh cãi của các nhà khoa học, các chuyên gia về sự kiện tàu chìm này nhưng nguyên nhân khiến cho tàu bị chìm vẫn là một bí ẩn mà con người muốn khám phá.

Theo như Steven Biel - một nhà sử học của trường Đại học Harvard  thì: “Ngoài sự kiện này ra, thì chỉ có chúa Jesus và các cuộc chiến tranh lạnh mới được người ta chú ý và viết đến nhiều như thế mà thôi”. Trong gần 200 quyển sách, tài liệu và các bộ phim – bao gồm cả bộ phim “Titanic” nổi tiếng, thu được lợi nhuận cao nhất của mọi thời đại – các nhà sử học, các nhà khoa học và những người ái mộ Titanic đã cùng nhau tranh luận một cách sôi nổi về những nguyên nhân chính dẫn đến việc con tàu chở du khách lớn nhất này đã bị chìm trên biển trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng khi va phải một tảng băng trôi lớn, khiến cho 1522 hành khách phải bỏ mạng.

Brad Matsen đã giải thích trong một quyển sách mới của ông “Điều bí mật cuối cùng của tàu Titanic” rằng, theo ông, những câu hỏi về nguyên nhân làm cho con tàu mà bất cứ ai thời đó cũng tin rằng “không thể chìm” này đã có được trả lời từ lâu lắm rồi, những câu trả lời đã được người ta khám phá ra từ các cuộc điều tra bí mật của những người chế tạo con tàu. Tuy nhiên cho đến nay, các chuyên gia đã góp nhặt và tích lũy được đầy đủ các chứng cứ để bác bỏ các giả thuyết trước đây về nguyên nhân làm cho con tàu bị chìm. Họ cho rằng con tàu này đã bị vỡ làm ba phần, chứ không phải là hai phần hay là không hề bị vỡ trước khi nó chìm hẳn như lời đồn và nó chìm xuống nhanh hơn và ở một góc độ thấp hơn nhiều so với James Cameron đã phỏng đoán. Cũng theo nghiên cứu này, nguyên nhân chính là do đinh tán không đủ và do thân tàu quá mỏng.

Tuy nhiên, một loạt các tài liệu tìm được từ xưởng đóng tàu Harland and Wolff – Belfast, Ireland, xưởng đóng tàu nơi mà Titanic và những con tàu chị em với nó như Olympic và Gigantic được sinh ra – đã cho thấy rằng việc tàu chìm không phải nằm ở chỗ do con tàu có một cấu trúc nghèo nàn hay do mẫu thiết kế kém cỏi mà là do tính cẩu thả, lơ đễnh của thuyền trường và các thuyền viên trên con tàu. Trước đó, các nhà chế tạo tàu cũng  nghi ngờ rằng vỏ con tàu có thể là quá mỏng, nhưng họ đã gạt sang một bên và không thèm đếm xỉa đến những mối bận tâm của các kĩ sư mà luôn có gắng làm mọi cách để tàu Titanic có thể hạ thủy đúng thời gian dự tính. Và kết quả như mọi người đã biết – nó đã bị chìm. Ngay sau khi khi con tàu bị chìm thì người ta đã tiến hành một cuộc điều tra nhưng không công bố công khai; Những người đứng đầu của xưởng đóng tàu Harland and Wolff đã cho phép tiến hành hai cuộc điều tra chính thức và người ta cho rằng các thuyền trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử ngành hàng hải này. Các vụ việc tố tụng của quá nhiều nạn nhân đã làm cho những người sở hữu Titanic phá sản – J. P. Morgan – nhà hỗ trợ vốn trong việc xây dựng tàu Titanic cũng là một trong số những người đó.

J. P. Morgan

Trong một kỉ nguyên khi hàng trăm con tàu thủy lớn chở khách hoặc chở hàng đã đưa hàng triệu con người băng qua biển Atlantic mỗi năm, thì nạn đắm tàu không phải là chuyện quá bất  thường. Titanic là một con tàu xa hoa, lộng lẫy nhất thời bấy giờ, nó có bể bơi, nhà hàng, phòng tập thể dục, thư viện, những gian phòng với những món đồ nội thất đắt tiền, các bức tường gỗ được chạm khắc tỉ mỉ,… nhưng nó đã bị chìm trên biển và đã trở thành một huyền thoại. Nhưng nguyên nhân chính xác tại sao tàu Titanic lại gặp phải tai nạn kinh hoàng đó vẫn còn là một bí ẩn. Mãi đến năm 2005, những chuyên gia lặn chuyên nghiệp làm việc với Matsen đã tìm ra hai phần đáy của con tàu – những vật chứng đủ để cho các nhà khoa học giám định và xác định xem liệu có phải do nguyên nhân vỏ tàu quá mỏng và không đủ đinh tán là lý do chính liên quan đến số phận của con tàu hay không?

Nhưng cho đến bây giờ, chúng ta cũng không biết rằng những nhà chế tạo con tàu đã biết được điều đó từ rất lâu rồi. Khi Tom McCluskie, một nhà thiết kế đã nghỉ hưu của xưởng đóng tàu Harland and Wolff đọc được một chi tiết trong những phát hiện của Matsen, ông đã nghiên cứu lại tất cả những chi tiết của cuộc điều tra năm 1912 của công ty mình, những thông tin đã được giấu kín cho đến lúc đó. “Những gì chúng tôi đã chỉ ra bằng cách tiến hành những phân tích pháp y trên những mảnh vỡ của vỏ tàu hoàn toàn khớp với những gì mà xưởng Harland and Wolff đã tính toán dựa trên những kiến thức chi tiết của họ về cấu trúc của con tàu”, Matsen nói. “McCluskie đã nói rằng ông ta đã chờ đợi một ai đó chắp vá các thông tin đó lại với nhau trước khi ông chuyển giao các tài liệu”. Cả đội thợ lặn của Matsen và các nhà khoa học và các kĩ sư của Harland and Wolff đã kết luận rằng nếu xây dựng một cái vỏ tàu dày hơn và có nhiều đinh tán hơn thì có thể giữ cho con tàu lênh đênh trên biển được lâu hơn và tất nhiên là thiệt hại sẽ thấp hơn. (Xưởng đóng tàu Harland and Wolff sau đó đã trang bị thêm những bộ phận mới và bọc thép cho vỏ tàu của "cô em gái" của Titanic - Britannic – con tàu được chế tạosau khi tàu Titanic bị đắm – với những đặc điểm kĩ thuật giống với Titanic).

Tàu Titanic là một sản phẩm được ra đời dưới sự cạnh tranh rất mạnh của các công ty đóng tàu trong sự phát triển vượt bậc của ngành tàu biển từ cuộc chiến tranh Nam Mỹ. Với hi vọng có thể quản lý Bắc Atlantic, J. P. Morgan đã mua một số cổ phần trong một số công ty đóng tàu ở Anh và Mỹ. Chính phủ liên bang cũng đã cung cấp cho ông ta một số khoản tiền trợ cấp và thậm chí còn miễn thuế cho ông. Nhưng sau đó, chính phủ lại quay sang trợ cấp cho Cunard Shipping, một trong những công ty chống lại sự tiếp quản của Morgan với các công ty đóng tàu. “Thời đó, hầu như tất cả những khoản tiền khổng lồ được ném hết vào một ngành công nghiệp rất lộn xộn, không kiểm soát được”, Matsen nói.

Với tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của hãng vận tải biển The White Star Line, những người chế tạo con tàu cho rằng nếu làm ra vỏ tàu mỏng hơn 1/4 inch (đơn vị đo chiều dài của Anh, bằng 2,54cm) và khoảng cách giữa các đinh tán dài hơn 1/8 inch so với bản thiết kế gốc thì sẽ làm giảm sức nặng của con tàu xuống khoảng 2500 tấn, khiến nó băng qua các eo biển của Anh nhanh hơn, có thể cạnh tranh với các con tàu nổi tiếng khác. Vì việc chế tạo tàu không giữ đúng tốc độ trong quy định sản xuất những con tàu lớn, nên những sai sót trên là điều không thể tránh khỏi và kết quả là đã khiến cho con tàu gặp phải tai họa kinh khủng nhất trong lịch sử ngành hàng hải. Từ khi thảm họa này xảy ra cho đến nay, Titanic đã là đề tài cho hàng loạt  cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế. Titanic cũng trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh.Theo Vietimes