📞

Bí ẩn tòa tháp ‘người đá’ không cốt thép cao nhất thế giới

Đỗ An 07:09 | 07/05/2022
"Người đá" là biệt danh mà người dân địa phương vẫn thường dùng để gọi cấu trúc 14 tầng làm bằng bê tông nhưng không được chống đỡ bằng bất cứ thanh sắt nào.
Tháp Sway được dân địa phương gọi với biệt danh 'Người đá' với đặc điểm không cốt thép cao nhất thế giới. (Nguồn: VIP Inernational Homes)

Ở ngoại ô Sway, một ngôi làng gần Lymington, trên bờ biển phía Nam của Anh, có một tòa tháp kỳ lạ được xây dựng từ thời Victoria.

Đứng trên đỉnh tòa tháp cao 66 mét này, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng nông thôn yên ả của Anh. Tòa tháp có dạng hình lục giác, phía trên là một mái vòm nhỏ được dẫn lên nhờ một hệ thống cầu thang xoắn ốc nằm trong.

Tháp Sway được coi là một công trình kiến trúc "điên rồ" thời bấy giờ, khi nó được xây lên không mục đích, chỉ để làm nơi cho chim bồ câu trú ngụ trong suốt hơn một trăm năm. Cho đến khoảng 45 năm trước, tòa tháp này được chuyển đổi thành nơi ở của dân cư.

Hệ thống cầu thang hình xoắn ốc trong lòng tháp. (Nguồn: VIP Inernational Homes)

"Người đá" là biệt danh mà người dân địa phương vẫn thường dùng để gọi cấu trúc 14 tầng làm bằng bê tông nhưng không được chống đỡ bằng bất cứ thanh sắt nào. Tháp Sway là tòa nhà đầu tiên ở Anh được làm bằng bê tông không cốt thép và cũng là công trình cao nhất thế giới được xây dựng kiểu này.

Tháp Sway được xây dựng vào những năm 1880 bởi Thẩm phán Andrew Thomas Turton Peterson, sau khi ông nghỉ hưu tại Tòa án Tối cao Calcutta. Trong thời gian ở Ấn Độ, Peterson đã tiếp nhận những giáo lý của thuyết duy linh và sau khi trở về Anh, ông quyết định xây dựng ngọn tháp đặc biệt này.

Chuyện kể rằng Peterson đã liên lạc được với "linh hồn" của kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Sir Christopher Wren và chính Wren là người đã khuyến khích vị thẩm phán xây dựng công trình này.

Andrew Peterson vốn được biết tới là một người rất tốt khi ông chỉ thuê những người thất nghiệp để xây tháp. Đã có khoảng 40 thợ xây làm việc trong khoảng thời gian 6 năm, từ 1879 đến 1885 để hoàn thành công trình này.

Ông đã trả cho họ tiền công cũng như xây những ngôi nhà nhỏ khác cho người nghèo trên phần đất của mình. Tổng cộng, tòa tháp đã tiêu tốn của Peterson khoảng 30.000 Bảng - một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó.

Vị thẩm phán tốt bụng đã chi một số tiền khổng lồ để xây dựng công trình đặc biệt này. (Nguồn: VIP Inernational Homes)

Tháp cao 66 mét trên diện tích rộng 5,5 mét vuông. Móng sâu 2,7 mét và chỉ có một phần bê tông dày khoảng 60 cm ở chân tháp. Độ dày của các bức tường bê tông nhỏ dần khi tháp càng được xây lên cao.

Peterson muốn lắp một hệ thống đèn trên đỉnh tháp nhưng điều này không được phép vì sẽ khiến các tàu biển ngoài khơi nhầm lẫn thành hải đăng. Vị cựu thẩm phán cũng muốn ngọn tháp này là nơi an nghỉ cuối cùng của mình.

Vì vậy, sau khi ông qua đời vào năm 1906, ông đã được chôn cất ở tháp Sway. Cho đến năm 1957, thi hài của Peterson được khai quật và cải táng trong nhà thờ địa phương cùng với vợ ông.

Đỉnh tháp không được phép lắp đèn để tránh gây nhầm lẫn thành ngọn hải đăng. (Nguồn: VIP Inernational Homes)
Bên trong tháp Sway sau khi được gia đình Atlas cải tạo lại. (Nguồn: VIP Inernational Homes)

Năm 1973, tháp Sway được hai vợ chồng Paul và Julie Atlas mua lại. Vào thời điểm đó, tòa tháp này bị bỏ hoang và là nơi trú ngụ của nhiều đàn chim bồ câu.

Tầng bảy của tháp chất đầy cát từ thời nó được dùng làm nơi phòng thủ trước máy bay địch. Paul đã thu dọn sạch tòa tháp này và chuyển nó thành nhà kho và xưởng làm vườn.

Năm 2018, tòa tháp được nhà Atlas đăng bán với mức giá khởi điểm là 3,5 triệu Bảng Anh. Nhưng sau đó giảm xuống còn 1,6 triệu Bảng. Hiện tại, tài sản không có trên thị trường bất động sản và cũng không có tin tức gì về việc liệu Paul và Julie có bán thành công hay không.

(theo Vietnamnet)