Đây cũng là cơ sở khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5. (Nguồn: VGP) |
Hào khí Điện Biên Phủ
Là một trong những sự kiện chính trị quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đã được tổ chức quy mô, mang ý nghĩa và sức lan tỏa lớn, góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong đó, nổi bật là lễ diễu binh, diễu hành tại tỉnh Điện Biên có sự tham gia của lực lượng pháo lễ, lực lượng không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành tổng cộng hơn 12.000 người.
Sự kiện khép lại nhưng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội vẫn lan tỏa những hình ảnh, bài viết về lễ kỷ niệm đầy ấn tượng này. Đặc biệt, người dân tỉnh Điện Biên vẫn nhắc mãi kỷ niệm về những ngày đón cán bộ, chiến sĩ về luyện tập, tổ chức diễu binh, diễu hành, phục vụ lễ kỷ niệm. Tình cảm quân dân đặc biệt ấm áp như “bộ đội về làng” năm xưa càng làm cho mỗi người thêm phấn khởi, tự hào về Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Thông tin, hình ảnh lễ kỷ niệm đến với bạn bè khắp thế giới cũng truyền đi thông điệp về đại gia đình các dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng tận dụng mọi thời cơ, vận hội mới; quyết tâm phấn đấu đưa nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp tục được UNESCO ghi danh
Tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ) vào ngày 8/5, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế của Việt Nam chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và quốc tế rất quan tâm bởi giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
Nếu như những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế giúp nâng tổng số Di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10, thì Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam cũng nâng số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 16.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh tại Kỳ họp 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 không chỉ là niềm tự hào đối với người dân An Giang hay Nam Bộ mà còn là niềm vui chung của cả nước. Đó thực sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản, góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Ảnh: Thu Hồng) |
Chuyển biến về công nghiệp văn hóa
Năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn, đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Cụ thể, các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, chương trình Jazz quốc tế lần thứ I – Nha Trang 2024…. ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Đáng chú ý, công trình mới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, khẳng định tầm vóc, quy mô của một thiết chế văn hóa hiện đại.
Với quy mô xây dựng trên diện tích 38,66ha, các chủ đề, hiện vật trưng bày, Bảo tàng tái hiện sống động chặng đường hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc Việt Nam và trở thành sợi dây kết nối quá khứ hào hùng với các thế hệ hiện tại.
Điểm nhấn của bảo tàng là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ khách tham quan có thể đọc tài liệu, chiêm ngưỡng, tìm hiểu lịch sử qua các hiện vật bằng nhiều cách như: màn hình tra cứu thông tin, tài liệu media, thuyết minh tự động, video giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử… Việc này giúp cả khách tham quan trong và ngoài nước đều có thể tìm hiểu lịch sử mà không bị vướng rào cản ngôn ngữ.
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Năm nay, du lịch Việt Nam đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận… đã tổ chức nhiều chương trình du lịch hiệu quả, đón lượng khách quốc tế còn cao hơn thời điểm trước đại dịch.
Một điểm nhấn trong hợp tác du lịch quốc tế là Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) đã được vận hành chính thức, tạo đà thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, góp phần quan trọng đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển và đi vào chiều sâu.
Đây là khu hợp tác xuyên biên giới hai nước trên cơ sở Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên. Hai bên đã triển khai thí điểm khai thác khu cảnh quan từ 15/9/2023 và đạt được kết quả nhất định. Hoạt động đưa, đón khách du lịch qua lại khu cảnh quan được đơn vị lữ hành hai bên phối hợp khá nhịp nhàng, tuân thủ quy định pháp luật và các thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất.
Một tin vui khác là Làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), góp phần vào việc tôn vinh giá trị, lan tỏa thương hiệu và quảng bá du lịch Việt Nam đến với du khách quốc tế.
Kỳ vọng cho chặng đường mới
Có lẽ, đối với những người làm công tác văn hoá, tin vui lớn nhất trong năm nay chính là Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Sự ra đời của Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực di sản văn hóa. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này bổ sung 12 quy định mới, trong đó có nhiều quy định điều chỉnh những bất cập nảy sinh, những nội dung cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành hai quy hoạch lớn về văn hóa, thể thao và du lịch, khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho sự đột phá, phát triển của ngành. Đó là Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm là những dấu mốc quan trọng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
| Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam Chiều 20/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Đoàn Trưởng cơ ... |
| Nhiều điểm nhấn tại Lễ hội văn hóa 2024 ở Sri Lanka Với mong muốn giới thiệu văn hóa, hình ảnh Việt Nam, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Sri Lanka đã tích cực ... |
| Thế giới năm 2024: Một bức tranh đầy thách thức và biến động Hãng thông tấn AFP (Pháp) bình chọn 9 sự kiện đã tạo ra những dấu ấn không thể quên trong bức tranh thế giới đầy ... |
| Rực rỡ mùa lễ hội cuối năm Tháng cuối năm là thời điểm các nước tổ chức nhiều lễ hội hấp dẫn với những hoạt động đa dạng, đánh dấu thời điểm ... |
| Phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong thời kỳ hội nhập Sức mạnh mềm không còn là một khái niệm mà đã và đang dần trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên ... |