📞

Bí ẩn về cuộc đời nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi

13:45 | 20/10/2018
Trong vòng ba tuần kể từ khi nhà báo người Saudi Arabia được cho là đã mất tích, Chính quyền nước này đưa ra những thông tin không trùng khớp nhau, biến câu chuyện của nhà báo Jamal Khashoggi trở thành một câu chuyện trinh thám đầy bí ẩn ngoài đời thực.  

Ngay từ đầu, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nhà báo này đã bị sát hại bên trong Tổng Lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul. Và theo thông tin mới nhất, ngày 19/10, chính quyền Saudi Arabia đã thừa nhận, ông Jamal Khashoggi đã thiệt mạng sau một vụ ẩu đả với một số người ngay trong toà nhà Tổng lãnh sự.

Nhà báo Khashoggi, 59 tuổi, mất tích kể từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia để lấy giấy tờ cần thiết để kết hôn. Hôn thê của Khashoggi là Hatice Cengiz, người Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ bên ngoài tòa nhà gần 11 giờ đồng hồ nhưng không thấy ông đi ra.

Sự nghiệp dài hơi và phức tạp

Nhà báo Jamal Khasoggi sinh ngày 13/10/1958 là một nhà báo nổi tiếng người Saudi Arabia và là cựu Tổng giám đốc và Tổng biên tập của Al-Arab News Channel. Ông thường viết những bài chỉ trích Chính phủ Saudi và hơn hết là Thái tử Mohammed bin Salman. Ông cũng từng đóng góp một số bài viết cho tờ báo nổi tiếng của Mỹ - The Washington Post.

Jamal Khashoggi tại một buổi họp báo ở Bahrain năm 2015. (Nguồn: AP)

"Chúng tôi vẫn hy vọng cho điều tốt nhất, nhưng tất nhiên, tin tức này nếu là sự thật thì sẽ khiến tất cả chúng tôi bị sốc. Đây là một cuộc tấn công nhằm vào chúng tôi cũng như Washington Post", Karen Attiah - Biên tập viên của ông Khashoggi tại toà soạn trả lời phỏng vấn với CNN hôm 14/10.

Sự nghiệp làm báo của Jamal Khashoggi là một câu chuyện dài và phức tạp. Ông đi từ một phóng viên từng phỏng vấn Osama bin Laden thời trẻ vào những năm 1980 và dần trở thành nhà báo hàng đầu tại Saudi Arabia, nhưng cuối cùng phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Ông bắt đầu sự nghiệp báo chí khi gắn bó với tờ Saudi Gazette và sau đó là tờ Okaz từ năm 1985 đến 1987. Ông tiếp tục gắn bó với vai trò phóng viên cho các tờ báo Arab bao gồm Al Sharq Al Awsat, Al MajallaAl Muslimoon từ những năm 1987 đến 1990. 

Ông cũng từng nắm giữ chức Tổng biên tập tại nhiều tờ báo như Al Watan. Tuy nhiên, Khashoggi từng bị sa thải khỏi vị trí này vào năm 2003. Năm 2007, ông trở lại với chức vụ này nhưng cũng buộc phải từ chức vào năm 2010. Tờ Al Watan thông báo rằng, Khashoggi đã từ chức Tổng biên tập "để tập trung giải quyết các vấn đề cá nhân". Tuy nhiên, theo BBC, ông buộc phải từ chức do các quan chức Saudi Arabia không hài lòng với các bài báo được công bố trên tờ báo chỉ trích các quy tắc Hồi giáo khắc nghiệt của Vương quốc.

Khashoggi cũng từng là cố vấn cho các quan chức cấp cao của Chính phủ Saudi Arabia, từng làm việc cho các hãng tin tức hàng đầu trong nước và được coi là rất thân thiết với giới cầm quyền ở Riyadh.

Nhưng kể từ năm 2017, mối quan hệ giữa Khashoggi và Chính quyền Saudi Arabia dần xấu đi. Khashoggi phản bác các chính sách gây tranh cãi của Thái tử Mohammed bin Salman khi vị Thái tử đang cố gắng củng cố quyền lực của mình, bao gồm cả việc bắt giữ các nhà tài phiệt quyền lực và thậm chí là các thành viên hoàng gia.

Gia đình hoàng gia Saudi Arabia cũng ra lệnh cấm xuất bản các bài viết của Khashoggi và cấm ông xuất hiện trên truyền hình sau khi ông có những bài viết chỉ trích Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Bất đồng lên cao đến nỗi Khashoggi quyết định rời đất nước để tới Mỹ. 

Sang Mỹ, ông bắt đầu viết cho tờ Washington Post vào tháng 9/2017 và có những bài viết chỉ trích Chính quyền và Thái tử Saudi Arabia gay gắt hơn. Trong đó, ông chỉ trích cuộc phong toả của Saudi Arabia chống lại Qatar, tranh chấp với Lebanon và Canada. Ông Khashoggi cũng chỉ trích sự đàn áp của Vương quốc đối với những người bất đồng chính kiến.

Tuy vậy, Nhà báo Khashoggi vẫn ủng hộ một số cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman như cho phép phụ nữ lái xe, mở rạp chiếu phim nhưng lại lên án việc bắt giữ một số nhà hoạt động nữ quyền như Loujain al-Hathloul, người đứng thứ 3 trong danh sách 100 phụ nữ Arab quyền lực nhất năm 2015.

Nhà hoạt động nữ quyền Loujain al-Hathloul. (Nguồn: Telegraph)

Quan hệ với Osama bin Laden

Jamal Khashoggi kết bạn với kẻ khủng bố khét tiếng Osama bin Laden trong những năm 1980 và từng nhiều lần phỏng vấn bin Laden. Ông này thường gặp bin Laden ở Tora Bora và một lần nữa ở Sudan vào năm 1995. Trong thời gian này ông làm việc cho tình báo Saudi và nhiều lần cố gắng thuyết phục bin Laden làm hòa với gia đình hoàng gia Saudi.

Được biết, Khashoggi đã từng thuyết phục Osama bin Laden từ bỏ các hoạt động bạo lực nhưng bất thành. Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 tại Mỹ, Khashoggi đã tự tách ly bản thân với bin Laden.

Tai tiếng để lại

Sau khi rời Saudi Arabia, Khashoggi di chuyển liên tục giữa các thành phố London, Istanbul và Virginia. Ông đã được cấp thẻ xanh cư trú của Mỹ nhưng chưa được cấp quyền công dân. Trong những tháng trước khi qua đời, Khashoggi tâm sự với các đồng nghiệp rằng, ông cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình.

Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. (Nguồn: AFP)

Jamal Khashoggi từng kết luận rằng, cách hoạt động của Thái tử Bin Salman không đem lại lợi ích cho người dân về cả tính hiện đại hoá xã hội, mang tới sự tự do. Những người ủng hộ Thái tử đã cáo buộc Khashoggi là một người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, gọi ông là một kẻ phản bội, với ngụ ý rằng, ông đang làm việc với Qatar.

Các tờ báo, các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia phương Tây thì ca ngợi Khashoggi vì ông giúp họ có được một góc nhìn khác về những gì đang xảy ra trong Vương quốc Saudi.

Vào tháng 3/2018, Khashoggi viết trên tờ Guardian rằng, Thái tử bin Salman “dường như đang di chuyển đất nước từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo cũ sang chủ nghĩa cực đoan mới, "người dân phải chấp nhận cải cách của chính quyền" mà không cần tham khảo ý kiến người dân. Bài báo cuối cùng của Khashoggi cho tờ Washington Post tiếp tục chỉ trích Chính quyền Saudi Arabia tại Yemen.

Vài ngày trước khi bị giết, ông được mời làm diễn giả tại một hội nghị quốc tế về Palestine ở London. Những người ngưỡng mộ của Khashoggi đã mô tả ông là một shahid (người tử vì đạo).

(theo Theguardian, Business Insider)