Kim tự tháp cổ Phetan do người Maya xây dựng. |
Nền văn minh Maya được xây dựng bởi những người Maya, bộ tộc thổ dân châu Mỹ 2000 năm trước đây sinh sống ở bán đảo Yucatán của Trung Mỹ.
Người Maya có nguồn gốc từ vùng Mesoamerica (Trung Mỹ ngày nay). Khu vực này nằm giữa Mexico và Nam Mỹ, là quê hương của nhiều nền văn hóa của thổ dân da đỏ, bao gồm Aztec, Olmec, Teotihuacan và Toltec. Nơi người Maya sinh sống, ngày nay là Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador và miền nam Mexico.
Người Maya xưa đã đạt đến trình độ cao không chỉ về mặt xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ các lĩnh vực kiến trúc, toán học, thiên văn học và làm lịch.
Năm 1935, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một phiến đá điêu khắc có nhân vật giống người đang phóng xe gắn máy. Tuy nhiên, chiếc xe đó trông giống như tên lửa với phần đuôi có luồng lửa phun ra. Các nhà khoa học trên thế giới đều công nhận đây là hình ảnh một phi hành gia đang lái một phương tiện bay của người Maya.
Căn cứ vào các di vật Maya tìm được khá phong phú, người ta xác định rằng, các quốc gia cổ đại của người Maya đã được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ I.
Có những bí ẩn về nền văn minh Maya chưa được giải thích. Ví dụ, dù xung quanh đều có sẵn nguồn nước thiên nhiên nhưng họ vẫn xây dựng những hồ chứa nước khổng lồ trong thành phố. Khoảng sau năm 600 trước Công nguyên, dường như họ không để lại thêm những công trình nào nữa. Hơn thế, họ đột nhiên rời bỏ thành phố kiên cố, bỏ lại những di sản văn hóa quý giá. Từ đó, nền văn minh Maya dần suy tàn.
Phần lớn các quốc gia của người Maya bị diệt vong do nhiều lý do vào khoảng thế kỷ thứ IX và X. Duy chỉ có quốc gia thành thị trên bán đảo Yucatán, thuộc Mexico tiếp tục tồn tại cho đến khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược vùng này vào thế kỷ XVI. Suốt thời kỳ xâm lược của người Tây Ban Nha, người Maya bị tước hết đất đai, đẩy vào tình trạng nghèo đói và trở thành nô lệ. Cuộc xâm chiếm này đã tàn phá rất nhiều di sản của người Maya.
Do nhiều nguyên nhân
Ngày nay, chưa có kết luận khoa học nào thực sự chắc chắn về nguyên nhân sụp đổ của nền văn minh Maya. Sự suy tàn có thể do: dân số quá tải, cuộc xâm lược của nước ngoài, nông dân nổi dậy, sự suy thoái của những tuyến đường thương mại chính yếu, hạn hán...
Sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ đại luôn là đề tài tìm hiểu của nhiều nhà khoa học. Nhóm các chuyên gia thuộc trường Đại học bang Louisiana (Mỹ) cho rằng họ đã tiến gần hơn đến lời giải của bí ẩn này nhờ vào những bằng chứng thu thập được tại hố sụt Great Blue.
Hố sụt Great Blue là một hố nước ngầm khổng lồ dưới biển, cách bờ biển Belize khoảng 70km và nằm gần trung tâm đảo san hô Lighthouse. Hố sâu 124m, đường kính rộng khoảng 300m, được hình thành trong những năm cuối của Kỷ Băng hà. Với việc phân tích những mẫu trầm tích thu được tại hố Great Blue, cụ thể là tìm hiểu màu sắc, kích thước, độ dày của lớp đất đá rồi so sánh với mẫu đá ở khu vực gắn liền với đất liền, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt trong tỷ lệ titan với nhôm. Điều này giúp họ ước tính được lượng mưa ở khu vực này.
Phân tích kỹ hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng mưa thấp đã gây ra một đợt hạn hán lớn vào khoảng từ năm 1000 - 1100. Chính bởi lượng mưa giảm dần và thời tiết trở nên hanh khô hơn (khoảng năm 660), các nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt. Từ đó, những bất ổn chính trị đã xuất hiện và nổ ra chiến tranh khiến đế chế Maya dần suy tàn. Sau nhiều năm chống chọi với khó khăn, đợt hạn hán kéo dài gần một thế kỷ (từ năm 1000 tới năm 1100) đã đặt dấu chấm hết cho nền văn minh Maya cổ đại.
Tiến sĩ André Droxler, tác giả của nghiên cứu cho biết: "Khi một trận hạn hán lớn xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ như nạn đói hay tình trạng bất ổn. Phát hiện này đã giúp chúng tôi hiểu hơn về việc thay đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya".
Tuy vậy, hãy còn một vương quốc Maya độc lập cho tới tận năm 1697 là thành phố đảo Tayasal. Một số giáo sĩ Tây Ban Nha vẫn đến đây và giảng đạo cho vị vua Itza cuối cùng. Vương quốc Itza rơi vào ách thống trị của Tây Ban Nha từ tháng 3/1697.
Ngoài ra, còn một giả thuyết ly kỳ khác: Tổ tiên người Maya từng gặp “Thần Mặt Trời”. Thần có hứa nếu người Maya xây xong các công trình kiến trúc lớn đúng theo chu kỳ của lịch Maya thì sau này thần sẽ trở lại với họ. Vì lời hứa này mà người Maya đã xây nhiều kim tự tháp và đền thờ, với ước mong thần sẽ trở về ngự trị. Nhưng chờ mãi, chờ mãi… họ vẫn không thấy thần xuất hiện. Thất vọng rồi chuyển sang hoài nghi, họ tự hỏi có phải cách tính lịch của họ có sai sót hay không? Cuối cùng, trong tâm trạng hoang mang, họ đã rời bỏ thành phố ra đi, đi mãi và cuối cùng dừng chân ở vùng đất ngày nay là Nam Mexico, Belize, Honduras, El Salvador và Guatemala. Hiện có khoảng gần 30 triệu hậu duệ của nền văn minh Maya còn tồn tại ở những quốc gia này, nơi người bản địa Maya là phổ biến nhất.