Đại sứ Bỉ Jehanne Roccas trả lời phỏng vấn TG&VN. |
Xin Đại sứ chia sẻ những ấn tượng về Việt Nam?
Đây không phải lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Ở Bỉ, tôi từng là Vụ trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đã đến Việt Nam công tác. Trong mắt tôi và người dân Bỉ, Việt Nam là điểm đến nổi tiếng, được ca ngợi là quốc gia tươi đẹp. Khi tôi được Chính phủ Bỉ trao quyết định làm Đại sứ tại Việt Nam, bạn bè, người thân của tôi đều nói rằng họ sẽ đến Việt Nam thăm tôi.
Tôi đã đặt chân tới nhiều quốc gia lớn nhỏ ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… tôi nhận thấy Việt Nam là quốc gia vô cùng đặc biệt ở Đông Nam Á. Thủ đô Hà Nội khoác trên mình tấm áo choàng mang phong cách Á châu. Khi đi thăm thú, dạo qua những con phố nhỏ đông đúc dân cư, hàng hóa đa dạng, tôi thực sự ấn tượng và yêu thích Hà thành. Việt Nam còn có hai miền Bắc - Nam với nhiều điểm khác biệt về khí hậu, văn hóa cũng như phong cách con người, có thể cảm nhận rõ điều này khi tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với sự hấp dẫn của thắng cảnh trải dọc dải đất hình chữ S, Việt Nam thu hút khoảng mười nghìn công dân Bỉ tới tham quan mỗi năm. Tôi mới có dịp tới Vịnh Hạ Long và TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng sẽ dành một phần trong thời gian tới để trải nghiệm vẻ đẹp của Việt Nam.
Ẩm thực Việt với tôi cũng khá ấn tượng. Tôi có một vài đồng nghiệp kết hôn với công dân Việt Nam. Tôi rất vui khi được mời tới nhà họ ăn tối, một phần vì tôi có thể thưởng thức đồ ăn Việt.
Khi còn nhỏ, tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện về người Việt. Giờ đây, ở Bỉ có khoảng 13 nghìn người Việt làm ăn, sinh sống thì tôi thấy hình ảnh Việt Nam càng gần gũi hơn. Ở Bỉ, người Việt khá năng động để hòa nhập với xã hội. Cùng với đó, họ nỗ lực sẻ chia nền văn hóa Việt - Bỉ dù tôi nghĩ với họ còn khá nhiều khó khăn. Có thể nói, người Việt thực sự nổi bật ở châu Âu, điều đó khiến chúng tôi luôn muốn tìm hiểu sâu hơn về các bạn. Mong muốn đó cũng là một lý do tôi tới làm Đại sứ tại Việt Nam.
Bỉ được coi là tấm gương về bình đẳng giới, Việt Nam có thể học tập gì ở Bỉ về lĩnh vực này, thưa Đại sứ?
Tôi cho rằng một xã hội có bình đẳng giới hay không xuất phát từ yếu tố văn hóa. Ở đất nước chúng tôi, có rất nhiều đàn ông làm công việc nội trợ và ngày càng có nhiều trường hợp như vậy, nhất là ở các cặp đôi trẻ. Họ chia sẻ gánh nặng công việc gia đình để duy trì hạnh phúc. Thật sự tuyệt vời nếu như bạn được một gia đình Bỉ mời tới nhà dùng bữa và thấy vợ chồng chủ nhà tất bật chuẩn bị đồ ăn mời khách. Những hình ảnh như vậy được chấp nhận và khuyến khích trong xã hội Bỉ. Bỉ có hơn mười Đại sứ nữ. Chính phủ chúng tôi tin rằng khi cử họ đến các nước công tác sẽ luôn nhận được sự chào đón và yêu quý từ nước sở tại.
Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh để đạt được bình đẳng giới thực sự. Bỉ đã có luật trả cùng một mức lương cho hai giới khi họ cùng đảm nhận một công việc cũng như luật về lập danh sách bầu cử, theo đó, các đảng đều phải có danh sách đại biểu nam, nữ cân bằng. Ở các cơ quan nhà nước, bình đẳng giới được thể hiện ở số lượng công chức, viên chức nam, nữ ngang nhau.
Theo tôi, chỉ có luật pháp thì không thể tạo ra được bình đẳng giới. Ý thức của người dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng nhất để có được bình đẳng giới trong xã hội. Thế hệ trẻ học tập, tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh, nhiều nơi, qua đó họ sẽ dần thay đổi về nhận thức bình đẳng giới. Tôi cho rằng công bằng giới không chỉ được phản ánh ở kinh tế hay chính trị mà còn ở những điều bình dị, đời thường như tôn trọng phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng, ngăn bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái...
Việt Nam có một người phụ nữ rất nổi tiếng, đó là Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh. Tôi cho rằng bà là người điển hình cho nền ngoại giao Việt Nam, có chuyên môn tốt và rất mạnh mẽ. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn rất năng nổ trong các hoạt động vì phụ nữ. Tôi mới chỉ được nghe kể nhiều về bà và mong có dịp được gặp bà khi tới TP. Hồ Chí Minh.
Xin Đại sứ chia sẻ một vài kế hoạch sắp tới của mình tại Việt Nam?
Thời gian tới, tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng hợp tác kinh tế, đồng thời thúc đẩy du lịch và du học từ Việt Nam đến Bỉ. Hiện có khoảng 3.000 cựu sinh viên Việt đã từng học tại Bỉ và trở về Việt Nam. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thúc đẩy các kế hoạch hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) từng là Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, phu nhân của ông là người Việt. Đây cũng là nền tảng vững chắc để quan hệ song phương được phát triển gấp đôi, gấp ba trong thời gian tới.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là không gian có tiềm năng to lớn để hai nước hợp tác cùng phát triển. Việt Nam có chính sách ngoại giao năng động khi là thành viên có tác động lớn tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, tôi tin Việt Nam sẽ dễ dàng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hợp tác kinh tế đa phương đang trở nên vô cùng quan trọng và Việt Nam đang làm rất tốt việc này.
Thưa Đại sứ, nếu yêu cầu trong EVFTA khắt khe hơn TPP thì liệu Việt Nam sẽ nghiêng sang TPP nhiều hơn?
Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là hai thị trường khác nhau nhưng đều rất quan trọng với Việt Nam. Có một số lĩnh vực sẽ cần tập trung hơn ở thị trường này so với thị trường kia. Hội nhập đồng nghĩa với việc các bạn phải cạnh tranh nhiều hơn vì đây là “luật chơi”. Đối với thị trường EU, nếu các bạn muốn tiếp tục xuất khẩu lương thực, thực phẩm, các bạn cần phải hiểu các yêu cầu của thị trường và không ngừng cải tiến để đáp ứng thị trường. Nhìn chung, Việt Nam cần có sự điều chỉnh hợp lý, cân bằng giữa các thỏa thuận kinh tế đa phương. Việc có bị “lệch” hay không thì chúng ta hãy cùng chờ xem!
Đại sứ muốn giới thiệu những đặc điểm gì của nước Bỉ đối với người Việt Nam, ngoài bia và socola?
Nước Bỉ có khá nhiều điểm thú vị bên cạnh bia và socola. Hiện Bỉ là nước xuất khẩu kim cương lớn sang Việt Nam. Đất nước chúng tôi còn có nhiều thắng cảnh, công trình và thành phố lớn… Chúng tôi hưởng thụ giá trị cuộc sống thực sự ở Bỉ không chỉ từ ẩm thực mà còn các dịch vụ giải trí, môi trường hay phúc lợi xã hội. Chúng tôi muốn mang hình ảnh đó đến với người Việt Nam.