UNRWA chỉ còn đủ nguồn lực để cung cấp các dịch vụ cho người dân ở khu vực Dải Gaza tới cuối tháng 2. (Nguồn: AFP) |
Áo và Nhật Bản là hai nước mới nhất đưa ra quyết định tạm dừng tài trợ cho UNRWA, sau hàng loạt nước ra quyết định tương tự như Mỹ, Đức, Anh, Italy, Australia, Canada, Phần Lan, Hà Lan, Pháp...
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Áo ngày 29/1 nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi UNRWA và Liên hợp quốc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, nhanh chóng và đầy đủ về cáo buộc”.
Trong khi đó, Kyodo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Maki Kobayashi thông báo, việc tài trợ sẽ bị tạm dừng "trong thời điểm hiện tại" và Tokyo "cực kỳ quan ngại" về cáo buộc nhân viên UNRWA liên quan trong "vụ tấn công khủng bố" hôm 7/10 năm ngoái.
Bà Kobayashi đồng thời kêu gọi cơ quan này điều tra vụ việc và thực hiện các biện pháp thích hợp để có thể "hoàn thiện vững chắc vai trò của mình".
* Trong bối cảnh đó, ngày 28/1, Đài phát thanh Nazareth Ashams dẫn lời người phát ngôn UNRWA tại Dải Gaza Adnan Abu Hasna cho biết, cơ quan này chỉ còn đủ nguồn lực để cung cấp các dịch vụ cho người dân ở khu vực tới cuối tháng 2 và sẽ tiếp tục phân phát bột mì cho các gia đình tị nạn ở thị trấn Rafah.
Cảnh báo quyết định của Mỹ và một số quốc gia khác về việc đóng băng các khoản tài trợ cho UNRWA là “thảm họa”, ông Hasna nhấn mạnh, tình trạng thiếu kinh phí sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu ở cả Dải Gaza, Bờ Tây và các trại tị nạn của người Palestine ở các nước khác trong khu vực.
Cũng theo quan chức UNRWA, cơ quan này đang tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu về cáo buộc của Israel đối với một số nhân viên.
* Mặc dù vậy, nhiều quốc gia vẫn lên tiếng kêu gọi quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho UNRWA.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đánh giá, những cáo buộc gần đây chống lại UNRWA là diễn biến “bất ngờ” và bày tỏ quan ngại trước những cáo buộc này.
Theo ông Shoukry, “phải có một cuộc điều tra về các cáo buộc chứ không phải lên án trước”, đồng thời cho biết, UNRWA đã thực hiện những biện pháp thích hợp để điều tra các cáo buộc.
Đánh giá cao các hoạt động cũng như vai trò lãnh đạo và trách nhiệm mà UNRWA đảm nhận, ông Shoukry khen ngợi cơ quan này vì tính trung lập, cam kết và sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết mọi sai sót liên quan hoạt động của tổ chức và mọi hành vi vi phạm cá nhân.
Theo ông, UNRWA chịu trách nhiệm đối với dân thường và cung cấp dịch vụ ở Gaza trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. 120 nhân viên của cơ quan này đã thiệt mạng khi cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân Palestine.
Jordan cũng lên tiếng kêu gọi quốc tế tiếp tục viện trợ cho UNRWA vì vai trò “không thể thiếu” của cơ quan này ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Na Uy bày tỏ hoan nghênh việc UNRWA đưa ra những quyết định kịp thời liên quan các cáo buộc, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Palestine thông qua tổ chức của Liên hợp quốc này.
Thông báo trên mạng xã hội X, Văn phòng Đại diện Na Uy tại Palestine có đoạn: “Na Uy tiếp tục hỗ trợ nhân dân Palestine thông qua UNRWA. Sự hỗ trợ quốc tế dành cho Palestine lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Với tình hình hiện nay, cơ quan của LHQ là tổ chức nhân đạo quan trọng nhất ở khu vực Dải Gaza”.
Giống như Na Uy, Ireland đưa ra động thái tương tự khi khẳng định tiếp tục ủng hộ UNRWA, nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn quyết định đình chỉ công tác các nhân viên bị nghi ngờ có liên quan vụ tấn công để thực hiện quá trình điều tra của UNRWA”.
Được thành lập vào năm 1949, UNRWA là cơ quan lớn nhất của Liên hợp quốc hoạt động tại Gaza, cung cấp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhân đạo cho người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon và Syria.