📞

Bị 'hắt hủi' vì xung đột ở Ukraine, Nga để ngỏ việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực

Bảo Minh 17:21 | 06/02/2024
Ngày 6/2, Đại sứ lưu động của Nga Nikolai Korchunov tuyên bố, nước này không loại trừ việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu các hoạt động của tổ chức này không phù hợp với lợi ích của Moscow.
Nga không loại trừ'việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực. (Swoop Arctic)

Sputnik đưa tin, ông Korchunov lưu ý rằng, Hội đồng Bắc Cực hiện đang hoạt động “ở tốc độ thấp nhất có thể”. Na Uy đang cố gắng tiếp tục toàn bộ công việc của Hội đồng, nhưng không tìm được sự ủng hộ của các nước khác.

Nhà ngoại giao Nga nói: “Chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tế là chúng tôi phải có tất cả các lựa chọn để thực hiện chính sách đối ngoại, kể cả việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu các hoạt động của tổ chức này không phù hợp với lợi ích của Nga”.

Trước đó, ông Korchunov đã bày tỏ quan ngại của Moscow trước sự rạn nứt trong hợp tác quốc tế ở Bắc Cực.

Cũng có thông tin cho rằng, Nga sẽ thực hiện một loạt biện pháp, kể cả các biện pháp phòng ngừa, nhằm đáp lại việc tăng cường tiềm năng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bắc Cực.

Hội đồng Bắc Cực, được thành lập từ năm 1996, là diễn đàn liên chính phủ cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thành viên của hội đồng này gồm Đan Mạch (bao gồm Greenland và Quần đảo Faroe), Iceland, Canada, Na Uy, Nga, Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển.

Việc luân phiên chức chủ tịch diễn ra 2 năm một lần. Nga làm Chủ tịch luân phiên từ 5/2021. Đến tháng 3/2022, các nước thành viên phương Tây của hội đồng tuyên bố đình chỉ Moscow tham gia bất kỳ sự kiện nào của diễn đàn này để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tháng 5/2023, Na Uy đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng.

Bảy nước thành viên khác trong Hội đồng Bắc Cực sau đó đã dừng mọi liên lạc với Nga, đóng băng khoảng một nửa trong số 130 dự án chung đang được tiến hành.

Bắc Cực là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên khi có những mỏ kim loại quý và chứa khoảng 1/3 trữ lượng khí đốt và 1/4 trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ USD.

Có hai tuyến đường biển xuyên đại dương chạy qua khu vực này là Phương Bắc (NSR) và Hành lang Tây - Bắc (NWP) kết nối thông thương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Với tốc độ băng tan hiện nay, đến cuối thế kỷ này, Bắc cực sẽ gần như không còn băng. Điều này đồng nghĩa với việc tàu chở hàng có thể hoạt động trên các tuyến NSR và NWP quanh năm mà không bị gián đoạn.

Tám nước thành viên thuộc Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Tuy nhiên, chỉ có 6 nước trong số này hưởng quy chế duyên hải Bắc Cực, gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Hai nước khác có lãnh thổ ở vùng cực này nhưng không có duyên hải Bắc cực là Thụy Điển và Phần Lan.

Những năm gần đây, nhiều nước nằm xa Bắc cực như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đặc biệt quan tâm vùng đất có ý nghĩa chiến lược này.