Ngoại trưởng Đức cho hay, vũ khí mạnh nhất của phương Tây vẫn là sự thống nhất. (Nguồn: Exactrelease) |
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin trước cuộc hội đàm với người đồng cấp Hà Lan Wopke Hoekstra, Ngoại trưởng Baerbock nêu rõ: "Vũ khí mạnh nhất của chúng ta vẫn là sự thống nhất. Cần phải làm sao để sức ép mà chúng ta cùng gây dựng lên có hiệu quả"
Tuyên bố Ukraine cần phải biết rằng Đức đã làm gì và Đức đứng ở đâu, bà Baerbock cho hay, Đức là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Ukraine, thậm chí hơn cả Mỹ.
Theo đó: "Chúng tôi hỗ trợ cho các cuộc đàm phán trung chuyển khí đốt qua Ukraine; luôn quan tâm tới việc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và cũng hỗ trợ cho Ukraine trong đại dịch Covid-19, chẳng hạn như thông qua việc cung cấp vaccine".
Ngoại trưởng Baerbock nhiều lần nhấn mạnh rằng, mục tiêu chung vẫn là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, khẳng định "bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga đối với Ukraine đều sẽ phải lãnh hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị, chiến lược cũng như kinh tế và tài chính".
Trong khi đó, Ukraine nhiều lần chỉ trích việc chính phủ Đức từ chối cung cấp vũ khí cho nước này, đồng thời yêu cầu Berlin đình chỉ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi. Thay vì hỗ trợ vũ khí, Đức thông báo hỗ trợ một bệnh viện dã chiến hoàn thiện cũng như cung cấp 5.000 mũ bảo hộ quân sự cho Ukraine.
Tuy nhiên, Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng. Ông mô tả kế hoạch hỗ trợ mũ bảo hộ chỉ là "chính sách mang tính biểu tượng thuần túy" mà bỏ qua nhu cầu cấp thiết của quân đội Ukraine, coi đây chỉ là "hạt muối bỏ biển".
Mới đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Szymon Szynkowski vel Sek bày tỏ hoài nghi về độ tin cậy của Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo ông, ở Ba Lan và các nước Đông Âu khác, nhiều người sẽ hỏi "Đức thực sự đang chơi trò gì trong cuộc xung đột Ukraine". Ông cho rằng đang có những hoài nghi về việc liệu người ta còn có thể tin tưởng vào Đức hay không.