📞

Bí mật Ngân hàng Thụy Sỹ và cuộc chiến chống tham nhũng

07:51 | 31/03/2009
Một người bạn tôi sang Mỹ mang theo 10 ngàn đô la tiền mặt để đóng tiền học chuẩn bị học cho con sang du học. Khi vào ngân hàng để nộp số tiền trên thì được nhân viên hỏi về nguồn gốc. Anh mới tá hỏa dù chính anh bán chiếc xe hơi ở Hà Nội nhưng không nghĩ phải mang theo hóa đơn sang tận Mỹ để trình. Mất một thời gian thư đi từ lại anh mới giải trình xong và được nộp tiền.
Ngân hàng quốc gia Thuỵ Sĩ. (Ảnh: 24x7.vn)

Không rõ, nếu mang số tiền ấy vào ngân hàng ở các nước khác có phải giải thích như bên Mỹ hay không. Nhưng chắc chắn, mang bao tải tiền to tướng vào gửi bất kỳ một ngân hàng nào ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì không ai hỏi, nhân viên thu ngân còn cười rất tươi.

Thói quen dùng tiền mặt đã tạo ra "hành lang" cho kẻ hối lộ và tham nhũng "gặp nhau" mà không để lại dấu vết. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ đang bị tố cáo nhận 820.000 đô la tiền mặt của PCI. Để buộc tội nhận hối lộ cũng khó vì "chứng cứ đâu?".

Hàng triệu đô la ăn cắp có thể biến thành đất cát, nhà cửa, vàng hay trang sức. Đôi khi gia chủ không thể "tiêu hóa" hết hoặc trong lúc chờ 5-6 tháng cấp trên bật đèn xanh cho viện kiểm sát ra lệnh truy tố thì kẻ tham đủ thời gian biến bất động sản thành tiền mặt và chuyển sang tài khoản ở nước ngoài một cách an toàn. Nếu gửi ở ngân hàng Thụy Sỹ thì tuyệt vời, không ai có thể động vào. Tuy nhiên, truyền thống bí mật ngân hàng Thụy Sỹ đang bị lung lay bởi cuộc chiến chống tham nhũng có tính toàn cầu. Ngày 12-2-2009, Bộ Tư pháp Thụy sỹ đã phủ nhận số tiền 6 triệu đô la thuộc về sở hữu của gia đình cựu Tổng thống Duvalier (Haiti) đang được gửi trong tài khoản của một Ngân hàng tại nước này. Tòa án đã ra lệnh trả lại số tiền trên cho đất nước nghèo ở Mỹ Latinh.

Francois Duvalier (còn gọi là “Papa Doc”) làm Tổng thống Haiti từ 1957 đến 1971. Khi ông ta chết, con trai Jean-Claude Duvalier (còn gọi là “Baby Doc”) lên thay và tiếp tục sự nghiệp của cha là điều hành đất nước trong độc tài, tham nhũng và khủng bố. Khoảng 30 ngàn người đã chết, mất tích và hàng chục vạn người khác phải đi lánh nạn vì bị đàn áp.

Tổng thống Suharto trong 32 năm cầm quyền là vị đứng đầu nhà nước “thành công” nhất trong lịch sử thế giới vì đã “biến” 36.000 km2 đất Indonesia thành gia tài riêng. Thủ đô Jakarta có khoảng 100.000m2 nhà cao cấp thuộc về dòng họ này. Theo ước tính, khoảng từ 15 đên 35 tỷ đô la của họ đang trôi nổi trong các nhà băng khắp thế giới.

Cựu tổng thống Marcos của Phillipines bị lật đổ năm 1986, chạy trốn đến Hawaii, đã mang theo 24 vali, mà sau đó Hải quan Mỹ đã phát hiện ra chứa toàn những cục vàng to bằng viên gạch, ngọc quí và nữ trang đắt tiền. Họ đã ăn cắp hàng chục tỷ đô la trong những năm cầm quyền. Riêng bà vợ Imelda Marcos có tới 2000 đôi giầy để diện và đi nhảy đầm. Marcos để lại cho nhân dân Philippines món nợ gần 30 tỷ đô la và người nghèo đang nai lưng ra trả nợ.

Người ta còn đồn đại về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về những va li đầy vàng và đô la khi chạy sang Đài loan trước khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Tiền của đó ở đâu ra? Liệu lương tổng thống Thiệu lúc đó có thể mua được một va li vàng?

Những tổng thống này và gia đình của họ đã dựa vào độc tài, tệ sùng bái cá nhân, quyền lực để tham nhũng, kể cả đàn áp những người bất đồng chính kiến một cách dã man để được tự do kiếm lợi cho riêng mình.

Cuộc nổi dậy của dân chúng năm 1986 đã lật đổ triều đại Duvalier từng thống trị trong suốt 3 thập kỷ. Tuy nhiên, tiền tham nhũng đã được gửi khắp nơi trên thế giới. Cả Marcos và Suharto đã chết nhưng những thứ họ chiếm được, phần nhiều đã nằm trong tài khoản bí mật. Có lẽ, thế giới còn lâu mới biết được hết sự thật về nền kinh tế ngầm, đồng tiền bẩn thỉu của các lãnh đạo quốc gia chuyên lạm quyền.

Tuy nhiên gần đây, mấy tin ngắn ngủi về ngân hàng Thụy Sỹ và cách họ bị bắt buộc phải lộ danh tính của khách hàng có thể làm những kẻ tham lam đang ngồi trên đống lửa.

UBS là Ngân hàng hàng đầu của Thuỵ Sĩ. Tập đoàn tài chính lớn nhất Chấu Âu. (Ảnh: vietimes.vietnamnet.vn)

Lo đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính nên chính quyền Obama không thể chấp nhận việc công dân nước mình trốn thuế bằng cách gửi tiền ở các nhà băng nước ngoài như Thụy Sỹ. Ở Mỹ, trốn hay khai man thuế là phạm luật và bị phạt rất nặng. Có tới gần 50 ngàn kẻ trốn thuế đang gửi tiền ở một nơi an toàn. Dưới sức ép của Chính phủ Mỹ, ngân hàng khổng lồ UBS (Thụy Sỹ) vừa chấp nhận nộp phạt 780 triệu USD, và sắp công bố danh sách khách hàng của mình.

Đức cũng đang cáo buộc Thụy Sỹ bao che hay cả người Anh cũng muốn đưa chủ đề "trốn hay né thuế" vào trong nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh G20 vào tháng 4/2009 tại London.

Tháng 9-2007, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon, Chủ tịch Ngân Hàng Thế giới Robert Zoellick và UNODC (United Nations Office on Drugs and Crime) đã đưa ra sáng kiến Stolen Asset Recovery (StAR) nhằm đấu tranh chống tham nhũng, tìm ra tài sản bị mất để trả lại cho quốc gia bị thiệt hại, kể cả việc lôi ra ánh sáng những kẻ ăn cắp của người nghèo.

Việc Bộ Tư pháp Thụy Sỹ ra lệnh trả lại 6 triệu đô la cho Haiti là thành công bước đầu trong sáng kiến StAR và cũng là một tín hiệu khác về cách bắt buộc “lộ mật” của ngành Ngân hàng. StAR đang thúc đẩy tiến trình để kẻ tham lam còn rất ít chỗ ẩn náu.

Tiếng chuông báo hồi kết về tính bảo mật của ngân hàng Thụy Sỹ vốn có truyền thống từ thời lâu đời đã rung lên. Thành trì ngân hàng “mật” của quốc gia nhỏ bé này đang bị lung lay trước những đòi hỏi của thời đại về minh bạch và cuộc chiến chống tham nhũng. Những kẻ tham lam ít còn nơi an toàn. Không phải ngẫu nhiên trong diễn văn nhậm chức, Obama đã nhắc nhở những kẻ này hãy dừng lại khi còn chưa muộn.

Đây là tin mừng cho những dân tộc bị mất cắp có thể tìm lại của cải đã bị mất và cũng là tin xấu cho những kẻ tham nhũng. Những triều đại “ăn cắp” như Duvalier, Marcos hay Suharto, không còn ngân hàng “thiên đường” nào an toàn.

Phải chăng đã đến lúc “của Cesar lại trả về cho Cesar”?Theo Tuần Việt Nam