Chân khủng long hóa thạch được tìm thấy ở Tanis, Bắc Dakota (Mỹ). (Nguồn: CNN) |
Đó là một trong số những phát hiện mới tại Tanis, một địa điểm khai quật hóa thạch ở Bắc Dakota (Mỹ), nơi lưu giữ những dấu vết của thời điểm kết thúc thời đại của loài khủng long - một bước ngoặt trong lịch sử hành tinh.
Các hóa thạch vừa được tìm thấy ở đó gồm những con cá biển bị văng lên bờ khi tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất, một con rùa biển, và một cái chân khủng long.
Phát hiện này là thành quả của nhà cổ sinh vật học Robert DePalma, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Manchester, Vương quốc Anh. Lần đầu ông làm việc tại điểm khai quật hóa thạch này là năm 2012.
Vào cuối Kỷ Phấn trắng (thời đại của khủng long), miền Trung Tây nước Mỹ còn là vùng rừng nhiệt đới và đầm lầy, và có cả một vùng biển nội địa (nay đã biến mất) trải dài từ Vịnh Mexico ngày nay đến Canada.
Những khám phá ban đầu được thực hiện tại Tanis đã thuyết phục DePalma rằng nơi đây cung cấp bằng chứng hiếm hoi về điều gì đã dẫn đến sự kết thúc của kỷ nguyên khủng long.
Địa điểm này là nơi lưu giữ hàng nghìn hóa thạch cá được bảo quản tốt mà DePalma cho rằng chúng bị văng lên bờ cùng một khối nước khổng lồ do tác động của tiểu hành tinh khi rơi xuống biển.
Những mảnh vụn của tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất được tìm thấy có dạng mẩu vụn đất sét đã hóa thạch. DePalma và các cộng sự của ông đã tìm thấy một số mẩu vụn được bảo quản trong hổ phách (nhựa thông hóa thạch sau hàng trăm triệu năm).
DePalma cho biết: “Trong lớp hổ phách đó, chúng tôi đã tìm thấy một số mẩu đất vụn. Giống như côn trùng được bảo quản nguyên vẹn trong hổ phách, khi những mẩu vụn này nằm trong hổ phách, nước không thể thâm nhập, nên chúng được bảo quản hoàn hảo”.
Những phát hiện thú vị khác mà ông và các cộng sự tìm được ở đây bao gồm một quả trứng hóa thạch của loài khủng long bay Pterosaur, quả đầu tiên được tìm thấy ở Bắc Mỹ. Một con rùa hóa thạch với một cành cây đâm xuyên qua cơ thể là bằng chứng cho thấy con vật này đã bị đâm khi nước biển dâng tràn do vụ va chạm của tiểu hành tinh.
“Các nghiên cứu đang được thực hiện tại Tanis không chỉ ghi lại chi tiết đáng kinh ngạc về những gì đã xảy ra vào ngày định mệnh đó, nó còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự kiện đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của khủng long và những phản ứng của hệ sinh thái của Trái Đất sau đó”, DePalma chia sẻ. Ông hy vọng điều này sẽ cung cấp một tiền đề để suy nghĩ về cuộc khủng hoảng khí hậu ngày nay.