Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10. (Nguồn: Borneo Bulletin) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của kỳ Hội nghị cấp cao ASEAN 38,39 và các hội nghị liên quan lần này, kết thúc năm 2021 có lẽ “khó quên” của ASEAN?
Có thể thấy, năm 2021 thực sự thách thức đối với ASEAN. Việc họp cấp cao ASEAN 38 và 39 cùng lúc cũng đã cho thấy đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới việc tổ chức các kỳ họp của Hiệp hội. Kỳ hội nghị lần này mang cả sự kỳ vọng trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, thách thức lớn nhất mà ASEAN phải vượt qua là vừa kiểm soát, vừa chuẩn bị cho việc bước ra khỏi đại dịch, sống chung với Covid-19 trong một môi trường “bình thường mới”; tiếp tục các hoạt động kinh tế-xã hội và hợp tác của ASEAN, xây dựng Cộng đồng.
Năm 2020, ASEAN đã tạo được tiền đề rất lớn, từ việc triển khai Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, triển khai vaccine, tạo ra những hành lang xanh, kết nối đi lại, hợp tác trong ASEAN và ASEAN với bên ngoài. Năm 2021, khi Đông Nam Á trở thành “tâm dịch”, những kế hoạch từ năm 2020 và những kế hoạch mới của ASEAN sẽ giúp ASEAN kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục các mục tiêu phát triển.
Bên cạnh đó, trong khu vực còn tồn tại những vấn đề phức tạp và các điểm nóng, đòi hỏi ASEAN phải có tiếng nói nhiều hơn nữa như vấn đề Biển Đông, Myanmar hay Bán đảo Triều Tiên.
Câu chuyện gần với ASEAN là Biển Đông, ASEAN cần nhấn mạnh các vấn đề như tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không làm phức tạp thêm tình hình, tiếp tục đối thoại và xây dựng lòng tin để đảm bảo khu vực hòa bình, ổn định, tự do hàng hải.
Hơn bao giờ hết, Đông Nam Á hay châu Á-Thái Bình Dương mong muốn hòa bình, ổn định thì Biển Đông cũng cần phải hòa bình và ổn định.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam từ 2007-2014. (Ảnh: NVCC) |
Trong dài hạn, thứ nhất, ASEAN đang chứng kiến cạnh tranh nước lớn mạnh mẽ, đặt ra những thách thức phức tạp, tuy nhiên cũng có cả những cơ hội. Điều này đòi hỏi ASEAN phải có cách ứng xử và lập trường phù hợp để vừa tranh thủ cơ hội, kiểm soát rủi ro, vừa thể hiện được vai trò trung tâm của mình.
Rõ ràng, cạnh tranh nước lớn sẽ tạo ra những tập hợp lực lượng mới, cạnh tranh địa chiến lược, thương mại… ASEAN đã từng có những tuyên bố của mình như Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), nhấn mạnh các quốc gia đều phải nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, dựa trên hợp tác chung, luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của ASEAN.
Có lẽ, các nước lớn càng cạnh tranh thì ASEAN càng phải thể hiện các lập trường, nguyên tắc của mình cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn. ASEAN cũng cần phát huy vai trò của mình thông qua các cơ chế đối thoại với tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn để họ thấy được lợi ích chung gắn với ASEAN và mong muốn của ASEAN.
ASEAN cần soi xét các vấn đề trên lợi ích chung của khu vực, trên luật pháp quốc tế để ứng xử phù hợp, tức là phải nói được “cái đúng, cái sai”.
Thứ hai, nhìn lại, ASEAN cũng đang đứng trước nhiều những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, nước biển dâng… Kỳ họp này cũng là dịp để ASEAN đưa ra những kế hoạch của mình cho những vấn đề an ninh phi truyền thống cấp bách này.
Tóm lại, đây là kỳ hội nghị cuối năm của ASEAN, do vậy, chắc chắn sẽ là dịp để ASEAN nhìn lại một năm đã qua và tiếp tục lên kế hoạch cho thời gian tới, trong đó có các kế hoạch tiếp tục xây dựng Cộng đồng.
Năm 2020, ASEAN không chỉ kiểm điểm giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột mà còn đưa ra khung Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Chính việc xây dựng cộng đồng, phát huy sức mạnh nội tại và hợp tác của ASEAN với các nước sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể cho Hiệp hội.
Khó khăn lớn nhất của ASEAN hiện nay có phải là vấn đề Myanmar hay không, nếu vậy, khó khăn này nên được nhìn nhận như thế nào, thưa Đại sứ?
Dường như kể từ Chiến tranh Lạnh và kể từ khi ASEAN bao gồm cả 10 nước thành viên, đây là thời điểm ASEAN đứng trước cả những thách thức bên trong và bên ngoài lớn nhất.
ASEAN lúc này cần phải chứng minh được rằng, ASEAN vẫn còn rất cần thiết với khu vực, có thể thích ứng được với môi trường khu vực và thế giới đang biến động. ASEAN cũng phải phải tiếp tục chứng minh là một tổ chức thành công. Trong lịch sử hơn 50 năm qua, ASEAN đã làm được điều đó, trước thách thức lớn như hiện nay, ASEAN có đủ sức sống để vượt qua.
Vấn đề Myanmar xảy ra từ đầu năm nay. Dấu mốc quan trọng là tháng 4 năm nay, ở cấp cao nhất, các nước ASEAN đã cùng với chính quyền hiện tại ở Myanmar đạt được thỏa thuận quan trọng, đó là Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar. Đồng thuận nhấn mạnh giải quyết hòa bình và ổn định câu chuyện Myanmar vì lợi ích của chính Myanmar nhưng cũng đóng góp vào lợi ích của khu vực và ASEAN.
Các bên Myanmar phải đối thoại xây dựng với nhau, trở lại những tiến trình hòa hợp, hòa giải. ASEAN sẵn sàng hợp tác với Myanmar như là một thành viên trong “đại gia đình”, hỗ trợ các bên tại Myanmar đối thoại xây dựng, hỗ trợ nhân đạo và cử đặc phái viên.
Thỏa thuận này rất quan trọng và các bên phải thực hiện nghiêm túc. Không ai có thể làm thay các bên ở Myanmar trong việc giải quyết tình hình đất nước mình.
Khó khăn đặt ra tại kỳ hội nghị lần này liên quan tới vấn đề Myanmar, theo tôi, hãy nhìn nhận vấn đề rằng “việc của Myanmar phải do người Myanmar giải quyết”. Thêm nữa, các bên Myanmar cần phải tạo thuận lợi nhất cho việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm, vì lợi ích chung của Myanmar.
ASEAN đã từng có quá trình dài trong hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan tới Myanmar, tạo ra những giải pháp thuận lợi nhất cho Myanmar thời kỳ quốc gia này bị bao vây, cấn vận. Một Myanmar dần mở cửa với thế giới không chỉ có lợi cho bản thân Myanmar mà còn có lợi cho cả ASEAN.
Hội nghị Cấp cao 38, 39 được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10. Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 tại điểm cầu Hà Nội sáng 26/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Gắn liền với "biệt danh" "Vinh SOM", chắc chắn Đại sứ có những kỷ niệm "lịch sử" về cách mà các quan chức cấp cao đã tháo những "thế bí" trong ASEAN?
Có lẽ, “bí mật” hay chìa khóa thành công của ASEAN chính là ở 3 yếu tố cốt lõi: đồng thuận; kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực; có tầm nhìn. Ba yếu tố này gọi chung là “phương cách ASEAN”, khiến ASEAN trong những vấn đề khó khăn nhất, khác biệt nhất vẫn tìm ra tiếng nói chung.
Ví dụ, năm 2019, trước vấn đề cháy rừng gây ra khói bụi và ô nhiễm ở Malaysia, Indonesia, các bên có nhiều quan điểm khác biệt với nhau, nhưng cuối cùng ASEAN vẫn ra được Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN. Khi có cháy rừng các bên có thể hợp tác với nhau.
Hay như trong việc soạn thảo Hiến chương ASEAN. Ngày nay chúng ta thấy được Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) hoạt động thường xuyên, thế nhưng khi soạn thảo Hiến chương, đây là vấn đề rất khó khăn khi các nước ASEAN có chế độ chính trị xã hội khác nhau, có cách tiếp cận khác nhau về nhân quyền. Mặc dù vậy, cuối cùng ASEAN vẫn đồng thuận rằng nhân quyền là giá trị chung, quyền lợi của người dân mình; hợp tác nhân quyền còn là sự giúp đỡ lẫn nhau.
Gần đây, vai trò trung tâm của ASEAN được báo chí quốc tế nhắc tới và cho rằng vai trò trung tâm này đang gặp thách thức, Đại sứ đánh giá như thế nào?
Vai trò trung tâm của ASEAN rõ ràng đang đứng trước những thách thức chưa từng có, đòi hỏi ASEAN không thể chỉ nỗ lực như cũ mà phải nhân hơn lên rất nhiều.
Dịch bệnh Covid-19 là một khó khăn chưa từng có và cần phải rút ra bài học. Cạnh tranh nước lớn cũng chưa từng có, phức tạp hơn trước rất nhiều. ASEAN phải nhìn nhận lại quan hệ với các đối tác quan trọng trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc, phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại hiệu quả hơn.
Các nước lớn hiện nay cũng có những quan điểm khác nhau về ASEAN, về châu Á-Thái Bình Dương, thỏa thuận quốc phòng mới giữa ba nước Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và nhóm Bộ tứ. Do vậy, hơn bao giờ hết, ASEAN phải dựa vào lợi ích chung trong khu vực, bàn bạc để đưa ra một quan điểm, chiến lược rõ ràng; phát huy hơn bao giờ hết đối thoại với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn.
Thêm nữa, trong nội bộ, để ASEAN thắt chặt hơn, thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng, thực hiện Hiến chương ASEAN, việc trao đổi hẹp để “bật tung” vấn đề cũng rất quan trọng, qua đó tạo ra sự đồng thuận.
Xin cảm ơn Đại sứ!
“Bí mật” hay chìa khóa thành công của ASEAN chính là ở 3 yếu tố cốt lõi: đồng thuận; kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực; có tầm nhìn. Ba yếu tố này gọi chung là “phương cách ASEAN”, khiến ASEAN trong những vấn đề khó khăn nhất, khác biệt nhất vẫn tìm ra tiếng nói chung. |