📞

Bí mật về viên chỉ huy của Đức Quốc xã thoát trừng phạt, dù gây ra tội ác diệt chủng

Kỳ Duyên 14:00 | 16/04/2021
Theo một hồ sơ được tiết lộ mới đây, Franz Josef Huber, một quan chức cấp cao của Đức Quốc xã đã thoát khỏi trừng phạt nhờ có sự bảo hộ của Mỹ, sau đó tiếp tục làm việc cho tình báo Tây Đức.

Là một chỉ huy cấp cao trong lực lượng cảnh sát bí mật của Adolf Hitler, Franz Josef Huber đã từng ra lệnh lưu đày hàng chục nghìn người Do Thái. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, Huber được Mỹ và Đức bảo hộ và sau đó tham gia cơ quan tình báo nước ngoài của Tây Đức.

Franz Josef Huber (trái), từng là cảnh sát mật của Đức Quốc xã, sau đó lại trở thành điệp viên của phương Tây. (Nguồn: NY Times)

Trước khi chiến tranh kết thúc, Huber đã lãnh đạo bộ phận lớn nhất của Lực lượng cảnh sát bí mật (Gestapo), thuộc tổ chức bán quân sự SS do Đức Quốc xã lập ra, trải dài qua Áo và và các quốc gia Đông Âu.

Sau khi Đức Quốc xã chiếm được Vienna, lực lượng của ông đã lập ra các trại thảm sát tập trung cùng với Adolf Eichmann, kẻ chủ mưu chính trong cuộc diệt chủng người Do Thái Holocaust. Eichmann đã bị xử tử vì thông đồng trong việc sát hại hàng triệu người Do Thái.

Ngày 11/4/2021 đánh dấu 60 năm ngày mở phiên tòa xét xử ông Huber ở Jerusalem. Thay vì trốn chạy như nhiều chỉ huy khác của Đức Quốc xã, ông dành những thập kỷ cuối cùng của cuộc đời mình tại Munich, quê nhà của ông cùng với gia đình và bằng chính cái tên của mình.

Hồ sơ tình báo của Mỹ và Đức hé lộ cho thấy cả hai nước đã cố gắng che giấu tội ác của Huber và giúp ông không phải hầu tòa. Đài truyền hình ARD của Đức đã thu thập được những bằng chứng về việc này và đã công bố chúng trong bộ phim tài liệu điều tra “Báo cáo Munich”, đã được trình chiếu vào ngày 6/4 vừa qua.

Huber đã làm việc cho Cơ quan tình báo Đức (BND) trong gần một thập kỷ. Cơ quan này đã tạo cho Huber một hồ sơ lý lịch giả và ghi rằng ông từng làm việc cho một công ty tư nhân.

Tuy nhiên, gần 20 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, lãnh đạo của cơ quan này mới ra quyết định không thể tiếp tục làm việc với Huber do lo ngại rằng, khi bí mật về Huber bị bại lộ, điều đó sẽ “phá hỏng hết những nỗ lực của ban lãnh đạo nhằm xây dựng lòng tin với chính phủ liên bang và người dân”.

Bầy tôi trung thành của Đức Quốc xã

Trong những năm 1920 và đầu những năm 1930, với tư cách là một cảnh sát trẻ tài năng ở Munich, Huber đã tham gia giám sát các đảng phái chính trị, bao gồm cả Đức Quốc xã. Sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, Huber trở thành một người đầy tớ trung thành của Đức Quốc xã và không lâu sau, được thăng chức và trở thành một chỉ huy cấp cao của Gestapo, lực lượng cảnh sát mật đáng sợ của Đức Quốc xã.

Theo ông Michael Holzmann, con trai của một người Áo theo Đức Quốc xã, người đã nhiều năm nghiên cứu các hoạt động của Gestapo tại đây, cho biết các chỉ huy của Đức Quốc xã đã đào tạo một lực lượng tinh nhuệ với những sĩ quan cảnh sát đầy kinh nghiệm. “Huber đã nắm bắt cơ hội này và từ một điều tra viên nhỏ bé trở thành chỉ huy khét tiếng nhất của chế độ Gestapo,” ông Holzmann nói.

Franz Josef Huber, đứng giữa hàng đầu, cầm găng tay, chụp ảnh cùng lực lượng Gestapo ở Vienna. (Nguồn: NY Times)

Vào tháng 3/1938, sau khi Đức sáp nhập Áo, Huber được phong làm thủ lĩnh lực lượng Gestapo và quản lý các khu vực quan trọng nhất của Áo, trong đó có thủ đô Vienna.

Không lâu sau, lực lượng này đã bắt đầu một cuộc săn lùng ráo riết những người trái quan điểm với Đức Quốc xã ở Áo. Đồng thời, Huber cũng ra lệnh “bắt giữ ngay lập tức những người Do Thái gây rắc rối, đặc biệt có động cơ phạm tội và chuyển họ đến trại tập trung Dachau.”

Huber vẫn giữ chức vụ của mình cho đến khi chiến tranh kết thúc, nhận được nhiều sự tín nhiệm của cấp trên. Trong thời gian đó, 70.000 người Do Thái tại Áo đã bị sát hại, gần 40% dân số người Do Thái ở đây lúc bấy giờ, trong khi tài sản của họ bị Đức Quốc xã cướp bóc.

Trong phiên tòa xét xử, Adolf Eichmann thú nhận có liên quan đến việc trục xuất người Do Thái nhưng từ chối việc liên quan đến tội diệt chủng. Ông nói rằng, "Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh mà tôi đã nhận."

Giáo sư Moshe Zimmerman, một nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu về Holocaust tại Đại học Hebrew ở Jerusalem cho biết: “Nhưng bằng chứng lịch sử vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác. Eichmann có thể là một nhân vật khét tiếng trong cộng đồng người Do Thái, nhưng người chịu trách nhiệm với nạn diệt chủng người Do Thái, việc cướp bóc tài sản của họ, đưa họ đến các trại tập trung là Huber. ”

Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Huber được tình báo Mỹ định danh là tội phạm chiến tranh bị truy nã cấp cao. Do đó, Huber đã nỗ lực kết thân với các đặc vụ từ ở Đông Âu, một nước cờ khôn ngoan và đem lại cho ông ta nhiều lợi ích sau này.

Tháng 5/1945, Huber bị quân đội Mỹ bắt giữ.

Mối liên hệ giữa Huber và Mỹ

Không có tài liệu nào chứng minh mối liên hệ của Huber với tình báo quân đội Mỹ trong hai năm ông bị giam giữ. Tuy nhiên, vào tháng 5/1947, mặc dù có nhiều bằng chứng trái ngược nhau, một điều tra viên người Mỹ đã viết rằng Huber là “một sĩ quan cảnh sát công bằng, khách quan, người đã thực hiện nhiệm vụ mà không dựa vào thành kiến ​​đảng phái hoặc thành kiến ​​về chủng tộc và chính trị".

Tài liệu ghi nhận, vị chỉ huy SS "không phải là người tuân theo các hệ tư tưởng của đảng Quốc xã" và gọi ông ta là người "hoàn toàn trung thực và đáng tin cậy."

Một tháng sau, chỉ huy trại tạm giam Mỹ tuyên bố rằng "sự chuyên cần và hợp tác của Huber được đánh giá cao", Huber được trả tự do vào tháng 3/1948.

Giáo sư Shlomo Shpiro của Đại học Bar-Ilan ở Israel, người đã nghiên cứu sự tương tác giữa Đức Quốc xã và các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng: “Áo vào thời điểm đó là tiền tuyến chính của Chiến tranh Lạnh. Các cơ quan tình báo phương Tây đã phải vật lộn để chiêu mộ những người liên lạc đáng tin cậy và không đòi hỏi quá khắt khe về quá khứ của những người mà họ nghĩ sẽ phục vụ tốt cho họ."

Trong những năm tiếp theo, các cơ quan tình báo Mỹ đã ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của một số tổ chức và luật sư nhằm truy tố cũng như dẫn độ Huber. Mỹ cũng thúc ép các nhà chức trách Đức đẩy nhanh quá trình xét xử Huber, kết thúc bằng một bản án treo ngắn hạn và một khoản tiền phạt.

Vào tháng 12/1955, Huber gia nhập Tổ chức Gehlen, tiền thân của Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) ra đời ngay sau đó.

Ông Bodo Hechelhammer, nhà sử học hàng đầu của BND, khi được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu “Báo cáo Munich” đã xác nhận rằng Huber là một nhân viên của cơ quan này và giải thích rằng việc tìm kiếm các nhân viên tình báo có kinh nghiệm chống cộng sản rõ ràng đã dẫn đến việc chiêu mộ nhiều người từng đứng trong hàng ngũ Đức Quốc xã.”

Vào đầu năm 1964, lo sợ bị phơi bày, BND kết luận rằng việc giữ Huber “không còn khả thi”, vì sợ rằng có thể “gây nguy hiểm đến hoạt động của cơ quan này,” và quyết định sa thải ông.

Tuy nhiên, vì Huber không giấu diếm quá khứ của mình với BND, cũng như là một điệp viên có năng lực của tổ chức, cơ quan này không tìm được lý do chính đáng để sa thải Huber. Vì vậy, Huber được cho nghỉ phép có lương dài hạn.

Franz Josef Huber nghỉ hưu ở tuổi 65 và nhận lương hưu cho công chức Đức cho đến khi qua đời ở tuổi 73.

(theo New York Times)