📞

Bị Nga bỏ qua việc đàm phán an ninh, EU cùng hành động, gửi 'tâm thư' tới Moscow

Bảo Hà 07:01 | 10/02/2022
Ngày 9/2, Liên minh châu Âu (EU) đã mời Nga tham gia các cuộc đàm phán trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về các biện pháp tăng cường an ninh ở châu Âu cũng như yêu cầu giảm leo thang căng thẳng với Ukraine.
EU mời Nga tham gia đàm phán an ninh ở OSCE. (Nguồn: AFP)

27 thành viên EU đã thông qua bức thư gửi cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Trong bức thư chung, EU kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng và chấm dứt hoạt động quân sự của tại khu vực gần biên giới với Ukraine và khu vực xung quanh, cũng như ở Belarus.

Khối nhấn mạnh “vẫn quan tâm sâu sắc đến tình hình hiện tại và tin tưởng rằng, căng thẳng và bất đồng phải được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao”.

Đại diện 27 quốc gia EU khẳng định, cùng với các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), EU sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga nhằm tăng cường an ninh.

trong bối cảnh tất cả các nước thành viên của EU đều tham gia tổ chức này, khác với NATO vốn chỉ bao gồm 21 quốc gia EU.

EU nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng, OSCE là diễn đàn thích hợp để giải quyết các mối quan tâm về an ninh của tất cả các bên quan tâm, bổ sung cho các định dạng hiện có khác bao gồm Hội đồng NATO-Nga".

Theo Đại diện cấp cao của EU phụ trách An ninh và Chính sách đối ngoại Josep Borrell, đây là một phản hồi dưới dạng "bức thư tập thể" đối với các bức thư do ông Lavrov gửi tới một số người đồng cấp châu Âu để yêu cầu họ giải thích khái niệm "sự không tách rời của an ninh".

Đối với Moscow, khái niệm này có nghĩa là an ninh của mỗi quốc gia không thể tách rời với an ninh của các quốc gia khác và do đó việc mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine và Gruzia sẽ đe dọa an ninh của Nga. Tuy nhiên, thư phản hồi của EU không đề cập yêu cầu này.

Các nguồn tin châu Âu cho biết, phản ứng của EU được đưa ra với sự tham vấn của Mỹ và NATO, đồng thời một bức thư tương tự đã được NATO gửi cho phía Nga.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã yêu cầu câu trả lời được đưa ra "với tư cách quốc gia chứ không phải nhân danh một Khối". Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Nga từ chối đàm phán với EU và tìm cách chia rẽ các thành viên.

Hồi giữa tháng 12/2021, Nga đã gửi các đề xuất về đảm bảo an ninh châu Âu tới Mỹ và NATO, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán với các bên này, tuy vậy, không có bóng dáng của Liên minh châu Âu.

Ông Borrell từng khẳng định, EU "không muốn trở thành khán giả không liên quan những quyết định trong thỏa thuận an ninh giữa Nga với Mỹ và NATO" và "EU nên có một vị trí trên bàn đàm phán về an ninh châu Âu".

Quan chức EU nêu rõ: “Nếu Nga muốn nói về cấu trúc an ninh ở châu Âu và về đảm bảo an ninh thì đây không chỉ là vấn đề của Mỹ và Nga".

(theo Politico)