📞

Bỉ tham vấn Tòa công lý châu Âu về CETA

07:30 | 07/09/2017
Ngày 6/9, Vương quốc Bỉ đã đề nghị Tòa công lý châu Âu (ECJ) đưa ra quan điểm của mình về Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA).

Đây là một nội dung trong thỏa hiệp đạt được với vùng Wallonie - khu vực nói tiếng Pháp của Bỉ sau khi vùng này đã đe dọa ngăn chặn thỏa thuận với Canada hồi năm ngoái. 

CETA sẽ đi vào áp dụng tạm thời kể từ ngày 21/9 tới với việc giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với hàng loạt các chủng loại hàng hoá. Tuy nhiên, việc thực hiện đầy đủ hiệp định, bao gồm các chương liên quan đến đầu tư, sẽ chỉ có thể trở thành hiện thực sau khi nhận được sự phê chuẩn của toàn bộ 28 nước thành viên. Đối với trường hợp nước Bỉ, hiệp định sẽ phải nhận được sự đồng ý của cả Nghị viện Liên bang và Nghị viện các vùng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Maritime Executive)

Wallonie, vùng nói tiếng Pháp của Bỉ vào năm ngoái đã đe dọa sẽ ngăn chặn việc áp dụng tạm thời CETA vì các lo ngại đối với vấn đề bảo vệ các nhà đầu tư và điều khoản cho phép các công ty đa quốc gia có thể kiện chính phủ ra các tòa án đặc biệt.

Để tháo gỡ bế tắc, chính phủ liên bang Bỉ đã thỏa thuận với vùng Wallonie về việc sẽ hỏi ý kiến ECJ xem các điều khoản về đầu tư của CETA liệu có phù hợp với luật pháp của EU hay không. Và nội dung được các bên quan tâm hàng đầu liên quan đến thẩm quyền tối cao của Toà án Tư pháp châu Âu và quyền của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận các tòa án hoặc các tổ chức tư pháp độc lập khác khi có tranh chấp. 

Theo các nhà phân tích, điều khoản về bảo vệ các nhà đầu tư và điều khoản cho phép các công ty đa quốc gia kiện chính phủ ra các tòa án đặc biệt cho phép các công ty này có thể lẩn tránh các tòa án địa phương và thách thức chính sách của các chính phủ. Đây cũng là lý do chủ yếu gây nên nhiều cuộc biểu tình của quần chúng phản đối CETA trên khắp châu Âu. 

Ủy ban châu Âu, với tư cách đại diện cho 28 nước EU trong đàm phán về các hiệp định thương mại đánh giá rằng hệ thống tư pháp về đầu tư của EU, với các thẩm phán của mình có thể giải đáp được các nội dung về cơ chế giải quyết tranh chấp hiện tại. Ủy ban cũng cho rằng các trọng tài thường phán xử thiếu công bằng.

Nhóm các nhà hoạt động môi trường ClientEarth tuyên bố hiện đang nghi ngờ về việc CETA sẽ phải chịu sự giám sát của tòa án châu Âu. Luật sư thương mại Laurens Ankersmit đánh giá nếu Tòa công lý châu Âu chứng minh được thẩm quyền của họ đối với các tranh chấp trong khuôn khổ CETA thì đây sẽ là một thắng lợi quan trọng của nền pháp lý và cũng là chiến thắng của các thẩm phán tại châu Âu.

(theo World Trade Online, CNBC)