📞

Bị 'vu vạ' vụ khủng hoảng năng lượng, Nga được Đức bảo vệ

Bảo Hà 10:18 | 15/10/2021
Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Đông Đức Michael Harms cho biết, những tuyên bố về việc Nga liên quan tình trạng giá khí đốt ở châu Âu tăng cao là không đúng sự thật.
Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, khiến nhiều quốc gia đổ lỗi cho Nga. (Nguồn: Bloomberg)

Ông Harms phản đối ý kiến cho rằng, Nga và Tập đoàn khí đốt Gazprom kích động tăng giá khí đốt để đẩy nhanh việc đăng ký cấp giấy phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở châu Âu.

Ông nói: “Tôi nghĩ điều này không đúng. Có những xu hướng toàn cầu, trong đó có tăng trưởng mạnh về tiêu thụ, chủ yếu là khí hóa lỏng ở châu Á và năng lượng nói chung. Hiện nay châu Âu gần như không được cung cấp khí hóa lỏng".

Bên cạnh đó, vị Giám đốc này cho biết thêm, mùa Đông 2020 tương đối lạnh nên các cơ sở lưu trữ khí đốt ở cả châu Âu và Nga đều đang vơi. "Tình trạng tăng giá này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn hơn chúng ta tưởng”.

Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban kinh tế và năng lượng Quốc hội Đức Klaus Ernst cho biết, chính phủ nước này chính thức bác bỏ cáo buộc cho rằng, Nga không tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Ông Ernst cho biết thêm, việc tăng giá khí đốt tại Liên minh châu Âu (EU) là do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu giảm và nguồn cung sang châu Á tăng.

Theo quan chức Đức, việc đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vào vận hành sớm sẽ góp phần làm giá khí đốt ở châu Âu giảm nhiệt.

Trước đó, ngày 8/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này sẵn sàng hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, đồng thời đảm bảo rằng, Gazprom vẫn đang và sẽ "tiếp tục hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình và thậm chí còn hơn thế nữa”.

Bên cạnh đó, tư lệnh ngành ngoại giao Nga cho rằng, Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những căng thẳng hiện nay giữa Nga và châu Âu về nguồn cung năng lượng, khi kéo dài các yêu cầu pháp lý đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 1, khiến tuyến đường ống dẫn khí đốt này chỉ hoạt động ở mức 50% công suất tối đa.

(theo Sputnik)