📞

Biển Chết sẽ chết vào năm 2050?

14:36 | 06/09/2015
Gần đây, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, biển Chết có thể sẽ chết vào năm 2050. Điều này có thể thấy bằng mắt thường khi bãi cát nóng của Biển Chết ngày một dài hơn, đồng nghĩa với việc Biển Chết đang ngày càng cạn đi.
Muối đóng thành tảng như băng tuyết tại Biển Chết. (Nguồn: Zaman Tours)

Các nhà khoa học cảnh báo, cần sớm khôi phục đủ lượng nước của sông Jordan, nguồn nước cung cấp chính cho Biển Chết. Trong khi đó, đề xuất làm đường ống dẫn nước từ Biển Đỏ sang Biển Chết gây tranh cãi vì người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ngày nay, ngay cả sông Jordan cũng có nhiều khúc bị khô hạn, chủ yếu do gia tăng dân số, phát triển không bền vững và tư tưởng xung đột. Vì vậy, Biển Chết ngày càng nhận được ít nước hơn từ sông Jordan.

Ông Gidon Bromberg (tổ chức phi chính phủ EcoPeace Middle East) chia sẻ với truyền thông, các quốc gia xung quanh không chỉ cố giữ nước cho riêng mình mà còn không muốn chia sẻ với quốc gia bị xem là thù địch. Nhiều người còn nghĩ rằng, kẻ thù đang sống ở hạ lưu nên sông có ô nhiễm cũng mặc kệ. Tuy nhiên, gần đây một số nước đã có tiến triển trong hợp tác xử lý cuộc khủng hoảng môi trường nêu trên. Chẳng hạn, trong 2 năm qua, Israel đã tháo nước vào sông Jordan.

Có thể coi Biển Chết là hồ tiền sử bởi nó được hình thành cách đây 2-3,7 triệu năm. Đây là một hồ nước mặn lớn nằm giữa Jordan, Palestine và Israel và không nối liền với bất kỳ đại dương nào. Nước Biển Chết mặn gấp 9,6 lần so với nước biển thường, với nồng độ muối lên tới 33,7% và các khoáng chất khác rất cao. Vì vậy, Biển Chết còn có tên gọi khác là Biển Muối. Cũng bởi độ mặn của nó mà du khách có thể dễ dàng nổi trên mặt nước ngay cả khi không biết bơi. Nước không lưu thông ở Biển Chết, chỉ có nước sông suối đổ vào hồ chứ không có đường dẫn nước ra. Biển Chết có chiều dài và bề rộng giới hạn, nơi rộng nhất của hồ là 15 km và chiều dài của hồ là 50 km. Không những là hồ nước mặn nhất hành tinh mà đây còn là hồ nước mặn sâu nhất thế giới với độ sâu 306m. So với mực nước biển, Biển Chết còn sâu hơn thế. Tính từ bờ và mặt nước thì nơi đây nằm dưới mực nước biển 427m.

Không như muối ăn, muối ở đây rất đắng. Loại muối đắng này giúp trị nhiều bệnh da liễu như bệnh vấy nến, bệnh sần vỏ cam, mụn nhọt... Trong nước hồ có rất nhiều loại khoáng chất. Lượng tia UV trong ánh nắng ở Biển Chết rất thấp, cộng với áp suất không khí cao (do ở vị trí thấp) mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe con người như giảm căng thẳng, tẩy da chết, giảm đau cơ, điều trị viêm khớp và viêm xoang. Ngày nay, khoáng chất và muối Biển Chết còn được dùng làm túi thơm và mỹ phẩm.

M.H (tổng hợp)