490 triệu trẻ em ở châu Phi thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu. (Nguồn: Save the Children) |
Tổ chức phi lợi nhuận Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children International) cảnh báo khoảng 490 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở 35 quốc gia châu Phi có nguy cơ cao nhất phải chịu tác động tồi tệ của tình trạng biến đổi khí hậu.
Đáng lưu ý là tất cả các nước này đều thuộc khu vực châu Phi Nam Sahara, trong đó Chad, Somalia, CH Trung Phi, Eritrea và CHDC Congo là những quốc gia có khả năng thích ứng thấp nhất với tác động của biến đổi khí hậu.
Dựa vào chỉ số Sáng kiến Thích ứng toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) mới công bố gần đây, phân tích của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cho biết trong số 750 triệu trẻ em ở 45 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất của rủi ro khí hậu có 210 triệu trẻ em ở 3 quốc gia Nam Á là Pakistan, Bangladesh và Afghanistan.
ND-GAIN đã xếp hạng các quốc gia theo mức độ dễ bị tổn thương đối với các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu và mức độ sẵn sàng hoặc năng lực của nước đó để thích ứng với biến đổi khí hậu. Khả năng thích ứng và ứng phó càng thấp thì nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ càng cao.
Các rủi ro khí hậu dựa trên kịch bản giả định là các chính sách khí hậu giới hạn và ổn định nồng độ khí nhà kính ở mức 4,5 W m-2 vào năm 2100.
Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cảnh báo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và bão sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến những trẻ em dễ bị tổn thương và gia đình, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, bệnh tật và các mối đe dọa sức khỏe khác cũng như tình trạng khan hiếm nước do mực nước dâng cao hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.
Ví dụ, trẻ em ở CHDC Congo đang phải chống chọi với dịch sốt rét và sốt xuất huyết do tác động của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể làm trầm trọng thêm những nguy cơ sức khỏe mới này trong khi hệ thống y tế công cộng đang gánh chịu rất nhiều áp lực.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Học viện Quốc gia về khoa học (PNAS) của Mỹ, trong bối cảnh tần suất và mức độ tàn phá của lốc xoáy, mưa lũ và bão nhiệt đới gia tăng trong thế kỷ tới do hiện tượng Trái đất ấm lên, chính phủ các nước cần phải nâng cao vai trò của các mạng lưới an sinh xã hội, coi đây là một biện pháp thích ứng căn bản.
Nếu không có các biện pháp này, số lượng các gia đình và trẻ em bị đẩy vào cảnh nghèo đói hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa sẽ ngày càng tăng.
Phân tích của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế phù hợp với những lo ngại của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trước thực trạng người dân phải di dời nhà cửa đi lánh nạn do thiên tai.
Việc di dời thường xuyên này khiến thời gian phục hồi sau thiên tai bị rút ngắn và khi chưa kịp tái thiết, người dân lại có thể phải hứng chịu đợt thiên tai mới.
Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận khoảng 9,8 triệu người phải di dời do những thảm họa biến đổi khí hậu trong nửa đầu năm 2020 và hầu hết số này ở Nam và Đông Nam Á cũng như vùng Sừng châu Phi.
Các bằng chứng cũng cho thấy tác động của “khủng hoảng khí hậu đối với sản xuất lương thực”, dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm cục bộ và giá cả tăng cao.
Trẻ em trong các hộ gia đình nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trên thực tế, đã có những bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa béo phì, thiếu dinh dưỡng và biến đổi khí hậu.
Tạp chí y khoa danh tiếng của Mỹ Lancet cũng cảnh báo không có quốc gia riêng lẻ nào có thể đảm bảo một tương lai an toàn cho trẻ em. Theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế, ngay cả trẻ em ở các quốc gia ít gặp rủi ro hơn cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt cháy rừng, sóng nhiệt, bão và lũ lụt.
Giám đốc điều hành của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế Inger Ashing cho biết trẻ em là tác nhân ít nhất gây ra cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang đối mặt, nhưng chính các em sẽ phải trả giá nhiều nhất.
Do đó, cần phải có hành động quyết liệt để đảm bảo trẻ em và các hộ gia đình có thể đối phó với những cú sốc khí hậu hiện tại và trong tương lai. Cánh cửa để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu đang nhanh chóng khép lại khi cuộc khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn, trừ khi thế giới hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ.
Tổ chức này thúc giục các thế hệ tương lai phải được tham gia vào các cơ chế đối thoại về khủng hoảng khí hậu cũng như đóng góp vào quá trình định hình các chính sách.
Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế công bố nghiên cứu trên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới bằng hình trực tuyến từ ngày 22-23/4 và do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.