Ảnh minh họa |
Hệ thống cảnh báo lốc xoáy ở thành phố Joblin, bang Missouri (Mỹ) đã thông báo người dân có 24 phút chuẩn bị trước khi cơn lốc tràn vào. Các bác sĩ và y tá thuộc Bệnh viện St John, những người đã luyện tập chống lốc xoáy trong nhiều năm qua, di chuyển rất nhanh, đưa bệnh nhân cách xa cửa sổ, kéo rèm và khởi động các máy phát khẩn cấp.
Tuy nhiên, thiệt hại lớn vẫn không tránh khỏi, với hơn 130 người đã thiệt mạng tại Joplin, trong đó có 4 người tại St.John, và vô số nhà cửa bị phá hỏng.
Tính tổng cộng trên toàn nước Mỹ năm ngoái có đến gần 1.000 cơn lốc xoáy tràn qua đất liền, giết hại hơn 500 người và gây thiệt hại 9 tỉ USD. Không chỉ có bão và lốc, tháng tư vừa rồi được cho là tháng ẩm ướt nhất trong 116 năm qua, hàng nghìn mét vuông đất ở Mississippi chìm trong nước; còn Texas, bang hay bị hạn hán cũng trải qua tháng khô nhất trong thế kỷ. Trong khi đó, lũ lụt và hạn hán thay phiên nhau khiến các hồ chứa không đủ nước cung cấp. Bão lũ và lở đất xóa sạch nhiều đoạn đường. Những hòn đảo trên Vịnh Chesapeake đang biến mất, bão trên vịnh Mexico ngày càng mạnh.
Còn trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu cũng không chừa một khu vực nào. Đợt nóng năm 2010 ở Nga đã giết hại 15.000 người. Lũ lụt ở Australia và Pakistan khiến 2.000 người chết và khiến nhiều khu vực chìm trong nước. Hạn hán kéo dài nhiều tháng ở Trung Quốc đã khiến hàng triệu ha đất nông nghiệp hư hại. Trong khi đó, nhiệt độ vẫn không ngừng tăng lên.
Hiện nhiều thành phố ở Mỹ đã thay đổi các loại cây trồng, như Chicago và Boston. New York thì có kế hoạch sơn trắng các mái nhà để giảm nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Thế nhưng, theo một cố vấn về khí hậu ở California, hiện ở Mỹ chỉ có 14 bang có kế hoạch thích nghi với sự thay đổi khí hậu, còn 36 bang khác vẫn đang hy vọng vào điều thần kỳ. Đề tài biến đổi khí hậu có lúc đã trở thành điều cấm kỵ, bị cho là sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thời gian không còn nhiều, nhưng "chính quyền Obama không làm được gì nhiều, một phần vì đảng Dân chủ do dự", nhà kinh tế Jeffrey Sachs của Viện Trái đất nhận xét. Theo các chuyên gia về khí hậu, các bang và thành phố còn phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để đối phó với mực nước biển và sông gia tăng. Hệ thống cống nước dọc quốc lộ cần được mở rộng, chiều cao đập, đê ngăn nước cần phải được nâng lên.
Các nước chịu ảnh hưởng cũng có thể học kinh nghiệm từ Hà Lan. Đất nước của hoa tuy líp đã có kế hoạch dài hạn trong 200 năm, theo đó đã khởi động dự án trị giá 1,5 tỉ euro để mở rộng các con kênh. Các cửa bảo vệ cùng nền bến cảng cũng được nâng lên gần nửa mét. Trong khi đó, Anh cũng đang nghiêm túc bắt tay vào việc thích nghi với thay đổi khí hậu, bằng cách nâng cửa cống bảo vệ trung tâm London với sông Thames lên khoảng 25cm.
Tuần này, đại diện 100 thành phố sẽ đến Bonn, Đức để dự Hội nghị toàn cầu lần thứ hai của các thành phố về sự thích nghi với thay đổi khí hậu. Chủ đề của hội nghị là "Các thành phố kiên cường". Thành phố Joplin đã học được từ thảm họa, rằng trước tác động của thay đổi khí hậu, nỗ lực của con người là quá nhỏ bé. Nhưng thời gian đang rút ngắn, và nguy cơ thì cao dần. Như Daniel Sarewwitz, giáo sư khoa học xã hội ĐH Arizona nói: "Không thích nghi là đẩy hàng triệu người vào chỗ chết và ly tán".
Minh Khôi (Theo Newsweek)